Không chỉ là mối đe doạ cho sức khoẻ con người, dịch bệnh đang gây thiệt hại lớn, xáo trộn cuộc sống của rất nhiều người nông dân. Ở Ấn Độ, khi mà hàng trăm triệu người dân đang thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì họ đã phải cho gia súc ăn dâu tây,
bông cải xanh do không thể vận chuyển và buôn bán ở các thành phố trong thời gian 3 tuần phong tỏa. Mặc dù vào mùa hè những nông sản cao cấp như vậy thường có nhiều nhu cầu hơn, thế nhưng vì nông dân không thể đưa hàng hoá ra thị trường tiêu thụ khiến chuỗi cung ứng nông sản của Ấn Độ bị xáo trộn. Nhu cầu giảm đột ngột đang làm khốn đốn đời sống kinh tế
của hàng triệu nông dân ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Trong một trang trại rộng 0,8ha ở quận Satara, cách Mumbai 250km về phía đông nam, ông Anil Salunkhe – chủ trang trại này đang cho những con bò của mình ăn dâu tây. Ông nói: “Khách du lịch và nhà sản xuất kem là những người mua dâu tây chính, nhưng hiện tại không có khách du lịch”
Mặc dù đã hy vọng kiếm được 800.000 rupee (248 triệu đồng), nhưng hiện tại ông thậm chí chưa thu hồi được số chi phí sản xuất khoảng 250.000 rupee vì việc vận chuyển sản phẩm đến các thành phố lớn trở nên khó khăn.
Thậm chí như anh Munishamappa, một nông dân ở Ấn Độ đã đổ 15 tấn nho vào trong rừng do không bán được. Người này đã phải bỏ ra 500.000 Rupee để trồng vụ nho này. Anh nông dân thậm chí còn mời dân làng gần đó đến lấy trái cây miễn phí, nhưng rất ít người đến lấy.
Ông Dyanesh Ugle thuộc nông trại xuất khẩu nho lớn nhất nước này cho biết nho Ấn Độ cũng được xuất khẩu sang châu Âu, nhưng nơi này đã cắt giảm mạnh đơn hàng trong vài tuần qua do dịch.
Đối với những người trồng các loại hoa đắt tiền như hoa đồng tiền, hoa lay ơn và hoa thiên điểu càng lo lắng sau khi các đám cưới bị huỷ bỏ bởi đây là dịp mà phần lớn hoa này được tiêu thụ.
Ông Rahul Pawar, người sở hữu một trang trại hoa rộng 0,8ha, vừa nói vừa nhổ hoa để vứt chúng vào hố phân: “Vào mùa hè, tôi bán một bông hoa với giá từ 15 đến 20 rupee. Bây giờ không ai sẵn sàng mua ngay cả với giá 1 rupee”
Ông Sachin Shelar cũng là một người trồng hoa cũng chia sẻ phần lớn thu nhập của ông kiếm vào mùa hè thế nhưng trong giai đoạn này thì doanh số đang bị đình trệ.
Theo anh Ajay Jadhav, người vẫn cung cấp rau cho các nhà hàng sang trọng như húng quế, rau xà lách búp Mỹ và cải chíp được trồng trong trang trại 1,2ha của mình, than rằng ngay cả dân làng cũng không buồn lấy rau miễn phí.
Anh nói: “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm phân chuồng từ những loại rau sang chảnh này. Người dân nông thôn thậm chí không biết tên của các loại rau này. Vì thế, đừng mong họ sẽ đem chúng về chế biến”.