Cứ mỗi dịp năm mới đến, nhà nhà lại chúc nhau một năm nhiều may mắn, phúc lành. Người người đi chùa cầu phúc, cầu an. Nhiều nơi còn dán chữ “Phúc” lên cửa với hy vọng một năm mới tốt đẹp sẽ đến… Chữ “Phúc” này rốt cuộc có nội hàm gì mà ai ai cũng mong mỏi vậy?

Hàm nghĩa chữ “Phúc”

Chữ “Phúc” xuất hiện từ rất xa xưa, khi con người bắt đầu tạo ra văn tự. Trong giáp cốt văn, chữ’ “Phúc” được lấy từ hình tượng một người đang đưa hai tay nâng bình rượu lên để tế lễ Thần linh. Bởi người xưa biết mình là con của Thần, nên tế lễ để kính Thần cầu phúc, nhưng căn bản là muốn báo đáp ơn bảo hộ, ban cho cuộc sống no đủ của Thần.

Trong Hán tự sau này, chữ Phúc (福) gồm bên trái là bộ Kỳ (示), vẫn là biểu thị đàn cúng tế Thần linh.

Bên phải gồm 3 bộ chữ kết hợp với nhau. Bên trên là chữ “Nhất” (一) có hàm nghĩa chỉ về Đạo. Bên dưới là bộ “Khẩu” (口) nghĩa là miệng, ý chỉ trong nhà luôn no đủ, đầy ắp tiếng cười. Dưới cùng là bộ “Điền” (田) nghĩa là có ruộng vườn, đất đai để cày cấy.

Chung quy lại, chữ “Phúc” (福) có hàm nghĩa rằng con người nếu luôn nhớ ơn Trời đất Thần linh, đề cao đạo đức, phẩm hạnh sẽ được Thượng Thiên bảo hộ mà ban cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Người xưa đúc kết “Phúc” thành 5 phương diện gọi là Ngũ Phúc, gồm: Thọ (sống lâu), phú (giàu sang), khang ninh (bình an, yên lành), du hảo đức (có đức tốt), khảo chung mệnh (vui hết tuổi trời).

Mỗi người đều mong muốn có được những phúc phận này. Nhưng làm thế nào mới có được phúc thực sự? Từ ký tự của chữ “Phúc” có lẽ đã cho ta câu trả lời.

Cổ nhân có câu: “Đạo Trời không thân với ai nhưng thường ban phúc cho người lương thiện”. Nghĩa là Đạo Trời công bằng, đối với tất cả đều coi như nhau, nhưng hành thiện là phù hợp với Thiên Đạo, nên người lương thiện khi làm việc như có Thần trợ giúp, cũng sẽ được ban phúc.

Trời ban phúc người lương thiện

Thời nhà Minh có một người tên là Dương Vinh vốn là một hiền sĩ nổi tiếng. Tổ tiên của ông kiếm sống bằng nghề chèo thuyền. Khi ông nội của Dương Vinh còn sống có xảy ra một trận lụt lớn, nhấn chìm vô số nhà cửa. Nhiều người chèo thuyền khi đó tranh thủ thời cơ vớt những đồ dùng bị trôi dạt, duy chỉ có nhà ông nội Dương Vinh không kể an nguy liều mình lao vào nước lũ cứu người, không hề để ý đến những hàng hoá kia.

Sau lần đó, cuộc sống của những người chèo thuyền nọ đều đầy đủ sung túc, chỉ có nhà ông nội Dương Vinh vẫn lận đận mưu sinh. Người trong thôn đều cười nhạo cha con họ ngu ngốc, nhưng Dương gia ngược lại luôn cảm thấy thanh thản trong tâm.

Đến đời cha của Dương Vinh, gia cảnh dần trở nên khá giả. Một ngày kia có vị thần nhân tu đạo đi ngang nói với cha Dương Vinh rằng: “Ông nội và cha ngươi đã tích được đại âm đức, sau này con cháu đều sẽ được hưởng vinh hoa phú quý, ông có thể an táng cha ông và ông nội tại chỗ đất kia, ở đó có thể coi là nơi đất lành”.

Sau đó quả nhiên gia đình họ sinh hạ Dương Vinh, từ nhỏ ông đã thông minh lại ham đọc sách, khi còn rất trẻ đã thi đỗ tiến sĩ. Sau này còn được triều đình phong nhiều chức vụ quan trọng. Dương Vinh mưu sự hơn người, làm việc nhanh gọn đã phò tá 4 đời hoàng đế và rất được trọng dụng. Không những thế con cháu đời sau của ông cũng đều có cuộc sống rất thịnh vượng.

Tai họa do đâu?

Trái ngược với Phúc là Họa. Nếu Phúc gắn liền với Đức, luôn xuất hiện bên người đức hạnh, thì Họa luôn đi kèm với giả dối, tham lam, độc ác… Chúng xung khắc với nhau như nước với lửa.

Đức hạnh tốt đẹp sẽ được Thượng Thiên ban phúc, hành vi vô đức sẽ mất đi phúc phận và khiến tai họa giáng xuống thân. Tất cả phúc họa mà con người nhận được đều không phải ngẫu nhiên. Cổ ngữ có câu: “Phúc họa không có cửa, chỉ là do con người chiêu mời”.

Tôn Tư Mạc, y học gia đời nhà Đường, đã viết trong “Phúc thọ luận” rằng: “Phúc là tích lũy của việc thiện; họa là tích lũy của việc bất thiện”. Ông chỉ ra, phúc là tu được từ thiện, coi việc giúp người làm niềm vui, không chỉ khiến bản thân tăng thêm phúc phận, mà còn tạo phúc cho con cháu đời sau.

Trái lại, nếu một người tư niệm tà ác, hành động gian trá thì họa cũng theo đó mà đến. Do đó vô đức tức là vô phúc. Vậy nên văn hóa truyền thống mới đề xướng con người cần phải tu đức hướng thiện, không ngừng nâng cao phẩm hạnh thì sẽ có được hạnh phúc, phúc báo. Có thể thấy cội nguồn của phúc họa là ở lòng người.

Ngày nay, chứng kiến trận đại dịch cướp đi hàng triệu sinh mạng, chứng kiến những thiên tai lũ lụt, động đất, núi lửa, hỏa hoạn, bệnh tật… khắp nơi, thật khiến người ta không khỏi sửng sốt mà ngẫm lại lời dạy của cổ nhân. Phải chăng những thói đời trượt dốc, gian dối, tham lam, tranh đấu, dâm loạn… đã đến lúc phải nhận nghiệp quả?

Trong thời khắc hân hoan đón chào một năm mới với nhiều hy vọng, ai nấy đều mong cầu bình an hạnh phúc, hung nạn tránh xa. Nhưng chỉ hy vọng suông thì chưa đủ. Chỉ có thông suốt ý nghĩa của “Phúc” (福), hiểu được phải kính Trời, tu đức, mới có thể tích phúc, tạo phúc, và thực sự có được một tương lai tốt đẹp.