Dù đã áp dụng nhiều công nghệ chữa cháy hàng đầu, thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại tại khu vực phía nam nước Úc vẫn khó có thể giải quyết.
Thảm kịch bắt đầu manh nha từ tháng 9/2019 khi khu vực bang New South Wales bùng phát hơn 100 đám cháy lớn nhỏ. Liên tiếp những tháng sau đó, cả nước Úc dần chìm trong “hỏa ngục”. Chính phủ Úc đã ban bố “tình trạng khẩn cấp” và áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề cực kỳ nghiêm trọng này. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn ra theo chiều hướng hết sức phức tạp.
Ứng dụng nhiều công nghệ hàng đầu: Trực thăng chuyên dụng, tàu đổ bộ, rada vệ tinh
Do những đặc điểm riêng biệt về khí hậu và địa hình, thực tế, Úc đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý cháy rừng. Trong suốt quá trình diễn ra vụ cháy, lực lượng trực thăng cứu hộ chuyên dụng và máy bay phun nước đã được điều động liên tục để dập tắt các đám cháy lớn nhỏ. Có thời điểm, cả một khu vực rộng lớn được bao phủ bởi vô số tấm màn nước khổng lồ.
Nhằm xác định quy mô và diễn biến của các đám cháy, quân đội Úc đã sử dụng các thiết bị rada, vệ tinh hiện đại để quan sát và ghi nhận tình hình thực tế đang diễn ra. Những hình ảnh bao quát toàn bộ các điểm cháy được gửi về trung tâm chỉ huy với mật độ dày đặc. Nhờ đó, quân đội và lính cứu hỏa có thể đưa ra các giải pháp tình thế và phát hiện người dân hoặc động vật cần giúp đỡ.
Thảm họa đáng sợ này đã khiến hàng chục ngàn người mắc kẹt và hàng triệu người Úc bị ảnh hưởng. Các phương tiện hiện đại bậc nhất như tàu đổ bộ đã được huy động khẩn cấp để sơ tán kịp thời cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng, đó là chưa kể hàng ngàn xe cứu hỏa hoạt động liên tục ngày đêm. Nước Úc gần như đã dốc toàn lực để thoát khỏi cơn ác mộng kinh hoàng này.
Những con số biết nói
Ngày 6/1 vừa qua, chính phủ Úc đã khẳng định sẽ dùng mọi nguồn lực, sẵn sàng trả “bất cứ giá nào” để dập tắt các đám cháy và khắc phục những hậu quả sau đó. Các con số được thống kê liên quan đến lượng người, động vật, tài sản bị thiệt hại; tổng số cơ sở vật chất, thiết bị và nhân lực được điều động… được công bố khiến người ta cảm thấy lạnh người vì sức tàn phá của thiên tai.
Những con số thiệt hại khiến người xem lạnh người.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 2000 ngôi nhà bị thiêu hủy và ít nhất 24 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là lính cứu hỏa tình nguyện. Tổng diện tích rừng bị tàn phá là hơn 5,9 triệu hecta, tương đương với diện tích Bỉ và Haiti cộng lại. Ngoài ra, đã có gần 500 triệu động vật hoang dã đã bị chết cháy, trong đó, 1/3 quần thể gấu Koala bị tuyệt diệt. Tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 6000 tỷ đồng.
Để đương đầu với biển lửa, chính phủ Úc đã huy động hàng chục ngàn lính cứu hỏa, binh sĩ và tình nguyện viên khắp cả nước. Gần 32,000 tỷ đồng cũng được nước này chi ra để khắc phục các hậu quả của đám cháy. Số lượng trực thăng, xe cứu thương và cứu hộ được điều động là không kể hết.
Thảm họa cháy rừng đáng sợ nhất lịch sử nhân loại.
Trong năm 2019, liên tiếp các vụ cháy rừng đã xảy ra với mức độ vô cùng nghiêm trọng. Cùng với Úc, rừng mưa Amazone hay thảm rừng ở khu vực miền Trung nước ta đã phải gánh những hậu quả nặng nề do các sự cố cháy.
Thiết nghĩ, thế giới nên một lần nữa nhìn nhận lại vai trò của rừng và đưa ra các giải pháp phù hợp trong tương lai để tránh những thảm kịch tương tự. Người dân cũng nên hết sức chú ý trong việc bảo vệ môi trường, bởi nếu có thảm họa xảy ra, mọi công nghệ đều có thể trở nên vô dụng.
Ảnh: Tổng hợp.
Hãy cập nhật, chờ đón những tin tức mới nhất và hấp dẫn nhất trên YAN nhé!
Hiện tại, chính phủ Úc vẫn đang dùng mọi biện pháp để kiểm soát những đám cháy vẫn diễn ra âm ỉ tại đất nước này.
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn khoảng 200 đám cháy lớn nhỏ chưa được khống chế.
Thủ tướng Scott Morrison đã ký quyết định điều động thêm 3000 lính dự bị bủa đi các vùng trọng điểm để hỗ trợ hàng ngàn lính cứu hỏa đang hoạt động ngày đêm.
Ngoài ra, ông cũng thông báo, trong 2 năm tới, chính phủ sẽ chi thêm 2 tỷ đô la Úc tiền ngân sách để hỗ trợ khắc phục những hậu quả do cháy rừng gây ra.
Tiểu Lang – Theo Thể Thao & Văn Hóa