Mùa hè là thời điểm gia đình nào cũng cần sử dụng đến điều hòa.

Như nhà mình đây cứ mở từ sáng đến đêm, buổi chiều hoặc sáng sớm thì chỉ tắt 1 đến 2 tiếng vì có 2 bà cháu ở nhà trông nhau. Máy nhà mình vừa mới lắp hè năm ngoái nhưng tự dưng mấy ngày trước lại có hiện tượng bật 25 độ mà không mát tí nào. Mình thử tìm thợ bảo dưỡng, vệ sinh điều hòa trên mạng; sau khi nói chuyện qua điện thoại họ báo giá 200.000 đồng nên đồng ý làm ngay. Ai dè khi thợ đến sửa thì hết báo gas cạn lại đến những linh kiện gì gì đó sắp hỏng cần thay luôn kẻo một thời gian nữa điều hòa cũng có vấn đề.

Những mánh khóe thợ sửa điều hòa hay dùng để moi tiền khách hàng

Là con gái không am hiểu, chồng lại không ở nhà nên nghe họ nói sao thì mình biết vậy, cũng đồng ý thay hết một loạt cho yên tâm chứ dăm bữa nửa tháng nó lại hỏng thì mất công gọi thợ tiếp. Ai dè, cuối cùng số tiền mình phải thanh toán lên đến hơn 2.000.000 đồng các chị ạ. Về nhà kể lại cho chồng mình còn bị ăn mắng, lão bảo mình bị thợ sửa điều hòa lừa rồi quăng cho cái link bài viết trên trang Vietq có nội dung về: Những “mánh khóe” vặt tiền khách hàng của thợ sửa điều hòa.

Trong bài viết, chị Nguyễn Thị Mai Loan (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mọi năm nhà chị đều bảo dưỡng cùng lúc cả 4 cái điều hòa. Những năm trước chị thuê thợ đến, ban đầu họ báo giá tiền bảo dưỡng là 200.000 đồng/chiếc nhưng xong xuôi thì chị lại phải thanh toán gần 2.000.000 đồng/chiếc. Trong quá trình làm, thợ liên tục báo hết ga hoặc các thiết bị có nguy cơ hỏng hóc và dò hỏi ý chủ nhà có muốn nạp ga, thay thế không. Thế nên đến năm nay, khi thợ đến chị Loan chỉ yêu cầu vệ sinh, không thay gì cả và điều hòa vẫn thấy hoạt động bình thường.

Ngoài ra, thợ khi được thuê lắp đặt cũng cố tình tìm ra mánh khóe khác để ăn tiền. Ví dụ như tìm kiếm vị trí lắp đặt ở xa để buộc chủ nhà phải mua thêm ống đồng, dây bọc vải. Họ còn khai khống giá tiền của các phụ kiến nếu chúng ta không nắm rõ giá.

Từ những thông tin này, em có lên mạng để tìm hiểu về mánh khóe mà thợ sửa điều hòa hay dùng, các mẹ cũng nên biết để tránh mất tiền oan nhé.

Bơm thiếu gas

Một số điều hòa do hết gas nên cần được bảo dưỡng. Lượng gas phải bơm sẽ tùy thuộc vào tình trạng của điều hòa. Nhiều khi gas trong điều hòa vẫn còn khoảng ½ hoặc ⅓ nên thợ chỉ cần bơm thêm 1 chút nhưng họ vẫn báo gas trong thiết bị hết sạch rồi, phải bơm đầy bình thì điều hòa mới hoạt động bình thường được. Nếu điều hòa cơ hết sạch gas thì chủ nhà sẽ phải trả 200.000-300.000 đồng còn với điều hòa Inverter thì tiền gas có thể lên tới khoảng 1 triệu đồng nên thợ sửa càng dễ ăn gian cả một khoản lớn.

Khai khống số mét dây đồng

Một số thợ cố tình lắp điều hòa ở vị trí xa để khai khống chiều dài dây đồng hoặc thực tế chỉ dùng hết 4 mét nhưng lại nói là 5 mét. Như vậy, ngoài tiền công, tiền chênh lệch dây đồng họ còn ăn gian được những phụ kiến khác đi kèm với số mét dây đồng tương ứng.

Báo hỏng linh kiện

Có thể linh kiện chưa hỏng hoặc chỉ hỏng 1 chiếc nhưng thợ sửa vẫn báo lên 2, 3; đồng thời tăng giá cao hơn bình thường gấp vài lần. Nếu chủ nhà không am hiểu thì vừa mất oan tiền lại vừa có thể lại tốn thêm chi phí sửa chữa thiết bị trong thời gian tới do thợ lắp linh kiện có chất lượng kém.

Rút lõi dây đồng bằng lõi nhôm

Dây điện lõi đồng có chất lượng tốt giá 17.000 đồng/mét nhưng dây điện lõi nhôm chất lượng kém hơn, dễ bị đứt ngầm bên trong thì chỉ 4.000 đồng/mét. Một số thợ sửa sẽ lợi dụng mức giá chênh lệch này để đánh tráo, sử dụng dây lõi nhôm để lắp cho khách và ăn chênh.

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ