Trên đời, có một kiểu giáo dục con cái vĩ đại, để các con dần dần lớn lên, dần dần trưởng thành cả về thể chất lẫn tâm hồn, đó chính là sự “ôn hòa” của người mẹ. Quả không sai khi nói rằng: “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”, vậy thế nào mới thực sự là người mẹ tốt?

Kỳ thực, một người mẹ tốt cần bao hàm 3 chữ:

Chữ thứ nhất: “Tĩnh”

Nhiều người mẹ có giác quan rất nhạy bén, họ dễ dàng nhìn thấy nhiều vấn đề của con và lập tức chỉ ra, hơn nữa còn nhắc lại nhiều lần, thậm chí trước mặt nhiều người cứ nói con mình chỗ này không tốt chỗ kia không tốt. Nhưng như thế liệu đã thật sự đúng đắn? Kỳ thực, khi người mẹ nhìn thấy ưu và khuyết điểm của con mình, đừng nên bị động, cũng đừng rối loạn.

Vì sao? Bởi vì con cái cần một người mẹ có cảm xúc ôn hòa để nuôi dưỡng và bảo vệ, chỉ khi người mẹ nhìn thấy ưu và nhược điểm của con nhưng vẫn bình ổn thì mới có thể cấp cho các con động lực để trưởng thành.

Những người mẹ ôn hòa sẽ có cách khác để đem đến động lực và giúp đỡ con cái vượt qua khó khăn, trưởng thành và lớn khôn. Họ sẽ tâm sự, động viên, khuyên nhủ hay đơn giản chỉ là ở bên cạnh lắng nghe cảm xúc của con.

Nếu, người mẹ không “tĩnh”, để cảm xúc bị chi phối quá nhiều thì cả nhà cũng chao đảo dập dềnh, nếu trẻ ở trên con thuyền như vậy của người mẹ thì chỉ một chút động tĩnh thôi cũng ảnh hưởng đến trẻ, phá vỡ trạng thái ổn định của trẻ, trẻ phải mất rất nhiều sức lực để làm dịu lại cảm xúc lo lắng trong lòng mình, vậy thì còn lại bao nhiêu năng lượng để dùng vào việc học và trưởng thành đây?

Chữ thứ hai: “Nhược”

Không chỉ vậy, trước mặt con, người mẹ cần học cách thể hiện “nhược” (sự yếu mềm). “Nhược”  ở đây không hoàn toàn có nghĩa là “nhu nhược”. Mà một người mẹ nên có cho mình chữ “nhược” để nhẹ nhàng đem đến sự mạnh mẽ cho con.

Thực ra, con của một người mẹ mạnh mẽ rất khó có thể tự tin được, sự tự tin của trẻ sẽ dần dần yếu đi với sự mạnh mẽ của người mẹ. Những người mẹ có thể thể hiện sự nhẹ nhàng, mềm yếu trước mặt con thì con của họ sẽ tự tin và kiên cường.

Chữ thứ ba: “Từ”

“Từ” ở đây chính là “hiền từ”. Khoa tay múa chân trước mặt con, không thì quát tháo ầm ỹ, làm một người mẹ suốt ngày cằn nhằn sẽ khiến con cái dần dần cảm thấy thế giới này không có gì thoải mái, vui vẻ cả. Trẻ sẽ mất đi phương hướng và người mẹ cũng sẽ không còn khả năng dạy dỗ con nữa, sẽ trở nên càng đáng sợ hơn.

Sự hiền từ, dịu dàng và bao dung của người mẹ chính là suối nguồn nuôi dưỡng để con có thể trưởng thành theo cách tích cực nhất. Đứa trẻ sẽ cảm thấy thế giới này là một nơi tràn ngập hạnh phúc, đáng sống và đáng yêu hơn rất nhiều.

Có câu nói rằng: “Người làm mẹ không sợ không hiền từ, chỉ sợ là biết yêu thương mà không biết dạy con”. Một đứa trẻ học lực kém không hẳn là do trí lực kém mà là “vấn đề về cảm xúc”, học không giỏi có thể là vì bị cảm xúc tiêu cực làm phiền. Cha mẹ càng lo âu và nóng nảy thì kết quả học tập của con trẻ càng tệ hơn.

Chỉ khi tâm trạng của trẻ bình ổn thì mới có thể tiếp thu, khám phá, tư duy lý tính, tìm tòi, sáng tạo, mới có thể thật sự ưu tú. Làm một người mẹ, hãy nhớ rằng “giữ gìn cảm xúc ôn hòa” của mình mới chính là sự giáo dục vĩ đại nhất đối với trẻ.