Lời Phật dạy về lời sỉ nhục rằng, ví dụ người ác mắng chửi, lăng mạ người lương thiện. Người thiện không nhận những lời khó nghe đó thì giống như người ác đang ngửa mặt lên trời phun nước bọt…

1. Câu chuyện về cách hành xử của Đức Phật khi bị mắng chửi

 

Câu chuyện thứ 1:

Khi còn tại thế, một lần, Đức Phật đi giáo hóa tại vùng Bà La Môn.

Khi đến đây, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Đức Phật nhiều quá nên sinh lòng ghen ghét. Họ ra đón đường và mắng chửi Đức Phật.

Trước những lời nhiếc móc, sỉ nhục khó nghe, Đức Phật vẫn đi thong thả, còn những người kia cứ tiếp tục đi theo sau chửi.

 

Thấy Đức Phật thản nhiên làm thinh, các tu sĩ Bà La Môn càng thêm tức giận, chặn Phật lại hỏi:

– Cù-đàm có điếc không?

– Ta không điếc.

– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?

 

– Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?

– Quà ấy về tôi chứ ai.

– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Loi Phat day ve loi si nhuc

 

Câu Chuyện Thứ 2:

Một ngày nọ, khi Đức Phật đang ở trong tinh xá giữa rừng trúc, có một tu sĩ theo đạo Bà La Môn mang vẻ mặt hùng hổ xông vào.

Bởi vì những người thân trong gia tộc của tu sĩ Bà La Môn này đều xuất gia theo Đức Phật, khiến người này vô cùng tức giận, độc mồm độc miệng chửi bới xối xả Đức Phật.

Trước những lời nói khó nghe đó, Đức Phật chỉ im lặng lắng nghe sự vô lý của người này. Đợi cho đến khi ông ta chửi xong, Đức Phật mới hỏi:

“Bà La Môn à! Nhà ngươi có khi nào đột nhiên có khách không!”.

 

Bà La Môn vẫn tức tối, đáp: “Đương nhiên là có, hà tất chi phải hỏi!”.

Đức Phật điềm tĩnh hỏi tiếp: “Vậy có khi nào ngươi làm cơm tiếp đãi họ không?”.

Bà La Môn tỏ vẻ khinh thường, trả lời: “Đương nhiên là có”.

Phật Đà lại hỏi tiếp: “Giả sử lúc đó, vị khách từ chối không ăn, vậy thì những món ăn này thuộc về ai?”.

 

Bà La Môn trả lời: “Nếu khách không ăn, thì tất nhiên là tôi phải ăn rồi”.

Đức Phật nhìn Bà La Môn với ánh mắt từ bi, rồi nói: 

“Bà La Môn à, hôm nay người đứng trước mặt ta, nói những lời rất xấu tệ, nhưng ta lại không nhận chúng. Những lời nhục mạ này cũng giống như món ăn kia, nếu ta không nhận, thì chẳng phải ngươi sẽ phải nhận hết hay sao?”.

Sau đó, Đức Phật còn thuyết giảng thêm rằng:

“Người căm giận mình, mình căm giận lại là chuyện không nên. Người khác căm giận mình, mình không căm giận họ, chính là đã đạt được hai thành công: Dùng chính niệm tự trấn tĩnh, chính là chiến thắng chính mình, cũng là chiến thắng người khác”.

Vị tu sĩ Bà La Môn này về sau đã xuất gia theo Đức Phật và đạt quả vị La Hán.

Qua 2 câu chuyện bên trên có thể thấy, có người mắng, có người kêu tên Đức Phật để chửi những Ngài không nhận. Đó chính là trí huệ đỉnh cao của Ngài.

Còn người phàm chúng ta lại rất dễ để tâm đến những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu, chưa chắc đã nhằm trực tiếp vào mình để rồi sinh buồn sinh giận. Như vậy mới thấy, Đức Phật không hề chấp không hề buồn với những lời cuồng dại của chúng sanh.

2. Lời Phật dạy về lời sỉ nhục tức là cần phải làm gì?

Loi Phat day ve loi si nhuc 1

Theo quan điểm của Phật giáo, mỗi người sống trên cõi đời này đều có một trình độ đức hạnh riêng của họ. Trong cuộc sống, vì duyên tiền định qua nhiều kiếp đầu thai, người ta khó lòng tránh khỏi việc bị làm nhục, phỉ báng, chỉ trích một cách độc ác chỉ vì bị ganh ghét.

Đối mặt với những chuyện không vui đó, mỗi người lại có một cách đối xử với lời nhục mạ khác nhau tùy vào trình độ đức hạnh của họ.

Lời Phật dạy về lời sỉ nhục rằng, ví dụ người ác mắng chửi, lăng mạ người lương thiện. Người thiện không nhận những lời khó nghe đó thì người ác giống như ngửa mặt lên trời phun nước bọt.

Nước bọt khi ấy không văng lên trời cao mà rơi ngay xuống mặt người phun. Thế nên, người nhận thì mới sinh hờn giận, đau khổ; người không nhận thì an vui hạnh phúc.

Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy rằng: “Không nên quan tâm chuyện thế gian, không nên loan truyền các loại tin đồn”.

Con người sở dĩ đau khổ, là do si mê. Chỉ một lời nói nặng hơn, cứ mãi ôm ấp trong lòng vậy nên mới khổ đau triền miên không dứt. 

Điều cốt lõi trong giáo lý của cửa nhà Phật chính từ “vô ngã”. Khái niệm này có nghĩa là không có cái gì là của “Ta”, cho nên cũng không có cái gì thực là “của Ta”.

Đó chính là triết lý cao thượng mà chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi, suy tư thấu đáo để khi gặp phải tình cảnh bị người khác nhục mạ, hủy hoại danh dự, ta vẫn có thể giữ được tâm trí bình thản.

Cần phải nhớ rằng, khi một ngời buông lời chửi mắng, sỉ nhục bạn, nếu bạn không “nhận” lời chửi mắng đó thì sẽ không muộn phiền vì nó.

Một người bị sỉ nhục nhưng có thể dùng tâm thái thản nhiên, ung dung, bình tĩnh mà đối đãi với mọi người tức là đã có phong độ của một trí giả, bậc đại trí huệ. Để có thể đạt được đến cảnh giới này, phải là người thực sự có tu dưỡng mới làm vậy được.

Đó được gọi là sự nhẫn nhục của tâm ý, tức là người nhẫn nhục trước nghịch cảnh của bản thân không có ý nghĩ than trách trời đất hay than thân trách phận.

Người nhẫn nhục trước cảnh bị hành hạ xác thân hay bị vu oan giá họa, nhục mạ đủ điều, cũng đều nhẫn cả. Chỉ giải thích một cách chân thật, không hề có ý nghĩ tức giận, trong lòng không nổi lên oán hận căm hờn sẽ trả thù sau này…

Thật đơn giản để nhận ra rằng, khi bị sỉ nhục và bạn cảm thấy phẫn nộ, cảm thấy khó chịu, điều đó có nghĩa là trong lời sỉ nhục đó có một phần sự thật, hoặc là trong vô thức, bạn tin rằng điều đó là thật. Phật dạy rằng càng khôn ngoan càng giỏi Nhẫn nhịn.

Do đó, hãy trung thực với bản thân nhìn nhận rằng đó có phải sự thật không? Nếu là sự thật, hãy cảm ơn họ. Còn nếu không phải sự thật, hãy đối mặt với một nụ cười duyên dáng và trả lời họ với một lời nói êm đềm, bạn sẽ là người khôn ngoan.

3. Lăng mạ người khác bao nhiêu, nghiệp báo nhận lại bấy nhiêu

Những lời nói quan tâm, an ủi có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi tâm trạng buồn bã. Lời nói nhã nhặn, khuyên răn kịp thời có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương, từ đó dần làm thay đổi những hành vi, việc làm bất thiện.

Ngược lại, những lời nói ác khẩu, sỉ nhục, lăng mạ có thể đẩy con người vào vực thẳm tội lỗi, khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời.

Theo luật nhân quả của Phật giáo, một việc làm, một câu nói, một ý niệm suy nghĩ, dù là thiện hay bất thiện đều dẫn đến một kết quả nhất định.

Bởi vậy, người xưa mới nói rằng “Phàm làm việc gì, đều cần suy nghĩ đến hậu quả của nó”, hay “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. 

Những người thường dùng lời lẽ thâm độc để mắng nhiếc, làm nhục người khác, trong cuộc sống hàng ngày, trước hết chính bản thân người ấy đã thể hiện bản chất thiếu đạo đức, thiếu văn minh trong lời nói. Từ đó làm hạ thấp uy tín của bản thân, khiến người xung quanh dần xa lánh họ.

Không chỉ bản thân người nói ra lời ác khẩu bị nhận nghiệp báo, mà người thân của họ ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng. Nếu là bậc cha mẹ buông lời sỉ nhục con cái, những đứa trẻ đó sẽ tiếp nhận và mang theo mặc cảm trong quá trình trưởng thành, dẫn đến những hành vi bất thiện về sau. 

Còn nếu là con cái thường nói những lời xấc xược, thô bạo,… thì chắc chắn cha mẹ sẽ buồn phiền, không yên lòng.

Loi Phat day ve loi si nhuc 4

Nhất là, trong xã hội hiện nay, không ít bạn trẻ thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục xúc phạm đến người khác khi sử dụng mạng xã hội. Có thể họ cho rằng những lời nói đó không nhắm vào đối tượng nào cụ thể, không chỉ trực tiếp vào một ai thì sẽ không nguy hại.

Nhưng thực tế rất nguy hiểm, không chỉ viết những lời ác ngữ mà chỉ cần những cú nhấp chuột tán thành hay chia sẻ đều là hành vi ủng hộ những lời ác ngữ đó. Dần dà, không có ai kiểm soát, không tự nhận thức, không ai khuyên dạy, lâu ngày sẽ trở thành thói quen.

Mà Phật giáo gọi điều này là nghiệp, mà đã là nghiệp thì nó sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Vì thế, một lời ác khẩu, sỉ nhục, mắng chửi đều có thể đưa đến hậu quả khó lường.

Lời Phật dạy về lời sỉ nhục đã chỉ ra rằng, thà chịu sự lăng mạ, hãm hại, hủy báng của người khác nhưng tâm không hề sinh ra ý nghĩa trả thì thì mới tránh được nghiệp báo và có thể siêu vượt tam giới.

Nếu như oán đời trách người, sinh ra cái tâm ôm hận thù thì vẫn phải luân hồi trong bể khổ, đời đời kiếp kiếp báo thù phục oán lẫn nhau không biết đến bao giờ mới dứt. Nếu cứ ôm mãi nỗi hận thù như vậy thì làm sao được hưởng ngày tháng tốt đẹp, an yên nữa?
Loi Phat day ve loi si nhuc 5Người biết lắng nghe lời Phật dạy về lời sỉ nhục là người hiểu được đạo lý: bất luận phát sinh việc gì không vui hay phải nghe những lời lăng mạ đều phải học cách coi đó như gió thoảng mây bay. Có như vậy thì mới buông bỏ được tạp niệm, tránh xa điều khiến ta phiền não.

Nhưng để làm được điều đó thì quả thực nói dễ hơn làm. Bởi không phải ai cũng giữ được sự bình tĩnh và trí huệ cao siêu không dễ bị xáo trộn trước những lời nhục mạ mình giống như Đức Phật trong câu chuyện ở trên.

Chỉ cần nhớ rằng, nếu chúng ta giữ được sự tĩnh tâm, ta sẽ nhận thức được rằng việc “ăn miếng trả miếng” và chửi rủa ngược lại không phải là hành động khôn ngoan của bậc đại trí giả.

Nếu một người đối mặt với sự sỉ nhục bằng một nụ cười duyên dáng và đáp trả chúng bằng những lời nói êm đềm, họ sẽ là người khôn ngoan.