Mặc dù kho tàng tục ngữ dân gian hầu hết được tạo ra bởi những con người bình dị, vốn không phải là học giả cao siêu, nhưng lại ẩn chứa không ít các đạo lý nhân sinh và có ý nghĩa định hướng cho thế hệ tương lai. 

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường nghe nói tới một vài câu tục ngữ. Mặc dù mới nghe có thể cảm thấy hơi bình dị, không quá tao nhã, rườm rà, nhưng lại phản ánh rất chân thực những giá trị của cuộc sống, giúp người nghe dễ chấp nhận và lý giải. 

Người Trung Quốc có câu tục ngữ quen thuộc là: “Ngựa tốt không quay đầu ăn lại cỏ cũ” (Nguyên văn: “Hảo mã bất ngật hồi đầu thảo”). Câu nói đó có nghĩa gì? Ý nghĩa của câu tiếp theo cũng ẩn chứa những tinh hoa mà rất ít người có thể lý giải.  

Câu tục ngữ nói về con ngựa vừa bước ra khỏi chuồng và đi đến một thảo nguyên xanh tươi, nó sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi đám cỏ non xanh mơn mởn. Tuy nhiên, một con ngựa tốt sẽ chỉ thuận theo con đường đã chọn, nó sẽ men theo đó mà ăn cỏ, không cần bận tâm rằng những đám cỏ xung quanh có tốt hay không. Ngay cả sau khi đã đi qua, dù có nhìn thấy hai bên đường hoặc phía sau có nhiều đám cỏ tươi xanh mơn mởn, non hơn, ngon hơn, nó cũng sẽ không quay lại. Đây là nguồn gốc của câu tục ngữ: “Ngựa tốt không quay đầu ăn lại cỏ cũ”. 

Câu nói này cũng cho ta biết một đạo lý: Dù làm người hay làm việc thì nên làm đến nơi đến chốn, bước đi từng bước thận trọng từ đầu đến cuối, không nên một dạ hai lòng, càng không nên chần chừ do dự mà nhìn ngang nhìn ngửa. Hãy học cách luôn nhìn về phía trước, cho dù trên đường có gặp bao gian nan và cản trở thì cũng luôn kiên định đi tới bước cuối cùng, quyết không quay đầu lại. Ngày nay câu tục ngữ được người hiện đại sử dụng để mô tả sự quyết tâm của các cặp vợ chồng, rằng sau khi chia tay sẽ không bao giờ tái hợp lại. 

Nửa sau của câu tục ngữ chỉ có rất ít người biết tới nhưng lại ẩn chứa cả trí huệ thâm sâu của cổ nhân: “Con hư biết nghĩ quý hơn vàng” (Nguyên văn: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán”). 

Xung quanh nửa sau của câu tục ngữ này, kỳ thực còn ẩn chứa câu chuyện lịch sử khá thú vị. Chuyện rằng, có một gia đình giàu có họ Kim hiếm muộn, tới hơn năm mươi tuổi mới có một mụn con nối dõi tông đường. Bởi nguyên do đó, cả gia đình đều yêu thương cậu bé hết mực, người cha còn mời người đặt tên cho con là Kim Bất Hoán. 

Bởi luôn được nâng niu cưng chiều, tính cách cậu bé rất ngang ngược. Cậu không thích đọc sách, không muốn học tập, cả ngày chỉ thích giao du qua lại với những tên côn đồ xấu xa, tiền bạc tiêu xài phung phí, cuối cùng trở thành kẻ phá gia chi tử.

Dù gia đình giàu có đến đâu, núi vàng biển bạc nhiều thế nào cũng không đủ cho Kim Bất Hoán tiêu xài, nên chẳng mấy chốc gia sản trong nhà đều theo đó đội nón ra đi, một số người được cậu gọi là bạn cũng bỏ đi. May thay, mẹ cậu đã không ghét bỏ hay mặc kệ con. Bà ân cần chia sẻ, chỉ bảo và giúp cậu nhận thức được sai lầm của mình, cải tà quy chính, làm lại cuộc đời. Từ đó mà có câu tục ngữ như chúng ta biết hiện nay. 

Câu tục ngữ cũng chính là lời khuyên răn của cổ nhân: Một người mắc lỗi không có gì là đáng sợ, miễn là họ có thể tự nhận ra lỗi lầm của mình, biết sai ở đâu mà sửa, biết ngã ở đâu mà tự học cách đứng dậy, hối cải triệt để, học cách làm lại từ đầu thì vẫn chưa quá muộn. 

Những câu tục ngữ được tiền nhân tổng kết không chỉ là tinh hoa văn hóa mà còn thật sự là bài học đạo lý làm người. Chúng ta không nên đánh giá thấp chúng, bởi ẩn chứa trong sự đơn sơ mộc mạc ấy là những đạo lý vô cùng to lớn uyên thâm. Chúng thật sự giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của các thế hệ hậu sinh. 

Càng đọc thêm những câu tục ngữ của cổ nhân và thể hội được những đạo lý thâm sâu bên trong, chúng ta sẽ càng gặt hái được nhiều điều bổ ích và vững bước trên con đường nhân sinh.

Kiên Định / Theo Apollo