Chính vì thế, sau khi nghe thấy những lời đầy hiện thực từ miệng chồng về kế hoạch ‘duy trì nòi giống’ ấy, một cô gái đã quá sợ hãi mà vội xách dép chạy về nhà đẻ. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả, màn hay vẫn còn ở phía sau.
Câu chuyện buồn bã đêm tân hôn được cô thuật lại như sau:
“Em và anh ấy yêu nhau 1 năm. Anh công việc ổn định, lương cao, hơi nóng tính nhưng thẳng thắn. Em thấy đàn ông có nóng tính gia trưởng tí cũng bình thường. Tính sang năm mới cưới vì được tuổi.
Tuy nhiên, bà ngoại anh ấy ốm nặng, sợ không qua được nên họ nhà anh quyết định cho xin cưới trước. Nhỡ đâu cụ chẳng may qua đời thì lại lỡ dở nhiều chuyện. Bố mẹ em thì thương con, nghe nói vậy cũng quay sang hỏi ý kiến em rồi mới quyết định.
Điều em băn khoăn duy nhất là mẹ anh hơi khó tính quá. Bác gái bán thịt lợn ở chợ, mấy chục năm một mình nuôi con khôn lớn. Anh thần tượng mẹ lắm, khen lấy khen để trước mặt em.
Anh rất nghe lời mẹ, nhiều lần đi ăn cũng nhắc đến mẹ: ‘Mẹ anh làm món này ngon hơn nhiều’, ‘mẹ anh bảo cho chanh chứ vắt quất thì mất sạch vị’… Khi em vẫn kiên quyết ăn quất thì anh nhăn mặt, hừ mũi tỏ vẻ em khó bảo, khó dạy lắm.
Lúc em nấu nướng ngày ra mắt nhà anh, nhờ anh vào nhặt rau giúp mà bác nghiêm mặt luôn: ‘Nhà này thằng T. chẳng phải làm gì cả cháu ạ. Mấy việc bếp núc để cho con gái thôi’.
Nghĩ mẹ người ta cưng con, sau này thì quý cháu chứ đâu nặng nề gì nên em vui vẻ vậy. Lúc ăn cơm, em nghe thấy mẹ con anh nói mỉa nhà nào đó đẻ đứa thứ 4 mà vẫn con gái khiến em khá bực bội. Tuy nhiên, em cho rằng đó là quan niệm của mỗi người, với em trai gái đều ổn, miễn con khỏe là được.
Sắp đến ngày cưới, mẹ em đi nghe ngóng được ở đâu rồi về bảo em rằng mẹ chồng em khó tính lắm “ghê gớm nổi tiếng khắp chợ đó, con nghĩ sao?”. Em thì ngây thơ quá các chị ạ, cứ nghĩ lấy chồng chứ lấy gì mẹ chồng nên bảo chẳng vấn đề gì cả, vẫn quyết cưới”.
Nghe qua những lời mô tả của cô gái về người mẹ chồng ‘bán thịt lợn ngoài chợ’ có vẻ bà là người khá trực tính lại vô cùng yêu thương con trai. Theo chiều hướng này, chắc chắn cô nàng về làm dâu sẽ bị chèn ép khá nhiều.
Con trai thương mẹ lại nghe lời như thế thì có cưới về ắt cũng một hai chỉ có mẹ mà thôi. Nghe chừng cuộc sống làm dâu cũng chẳng dễ dàng gì đâu. Nhưng thực sự để một người quyết định bỏ tất cả chạy về ngay đêm tân hôn như thế ắt là chuyện gì phải ghê gớm lắm.
Chúng ta cùng chờ xem…
“Ngày cưới cũng đến, mọi chuyện thuận lợi hết cả. Mẹ chồng hào phóng trao cả cây vàng, bên bố mẹ em cũng cho con gái 1 cây. Chưa kể các cô bác khác, tính ra em có 3 cây vàng đám cưới.
Đêm đó, em đang vào phòng tân hôn ở tầng 2 định cất vàng vào tủ thì mẹ chồng gõ cửa bước vào. Bà ngọt nhạt nói đến chuyện mượn vàng cưới một thời gian. Sau này các con cũng chưa cần gì đến vàng, nhà cửa đây rồi, con cái chưa có. Bà nói mượn vàng lấy vốn làm ăn.
Nhưng đọc quá nhiều câu chuyện về việc con dâu sứt mẻ với mẹ chồng vì vàng cưới nên em từ chối khéo léo rằng sắp tới em sẽ đầu tư nên không cho mượn được, mong bà thông cảm.
Em thấy mặt bà đỏ gay, mở cửa bước ra mà muốn rụng cả bản lề. Em tiếp tục thu dọn phòng cưới. Mãi không thấy chồng vào, em mới đi xuống dưới tầng thì nghe thấy tiếng bà cùng chồng em vừa bóc phong bì vừa nói chuyện trong phòng riêng của mẹ chồng”.
‘Mẹ cứ từ từ, rồi con sẽ bắt nó phải ‘nôn vàng’ ra cho mẹ. Đã làm dâu nhà này thì phải theo chứ chống đối thế nào được. Lấy vợ về sinh con đẻ cái chứ báu bở gì mà lại còn tính chuyện giữ vàng làm ăn’, chồng nói.
‘Chắc bố mẹ vô học nên nó không được dạy. Dâu con cái gì mà mẹ chồng mượn chứ quỵt hẳn đâu mà giữ khư khư như thế. Lúc đầu tao bảo mày đừng yêu con này, yêu cái H. thì giờ tao lại dễ nói chuyện. Đúng là con nhà không ai dạy. Nó cứ có cái thái độ này thì sau này chết với tao’.
Các chị chắc không hiểu được cảm giác của em đâu. Em choáng váng luôn đó các chị ạ.
Ngày đầu về làm dâu, em đã phải chứng kiến người ta dùng lời lẽ như vậy để nói bố mẹ. Em nghĩ tới chồng – người mình cùng sống chung vài chục năm mà ngao ngán hết sức. Hóa ra, phụ nữ trong mắt anh ta chỉ để sinh con thôi hay sao.
Em chẳng quan tâm đến mớ phong bì cưới mà mẹ con họ đang hớn hở bóc bóc đếm đếm. Em nhẹ nhàng lên phòng, bỏ vàng vào túi rồi lặng lẽ ra đường bắt xe về nhà.
Lên taxi, em nhắn tin sang nói rằng đã nghe được câu chuyện của hai mẹ con. Với nhiều người nó nhỏ thôi nhưng em thấy sự xúc phạm đó lớn quá. Em tuyên bố chia tay. Đến lúc này, em mới cảm thấy việc chưa đăng ký kết hôn là may mắn quá mức.
Về nhà em, mọi người đang tụ tập ăn uống vui vẻ. Em lúc đó mới mếu rồi bật khóc vì tủi thân.
Em vào nhà, mất một lúc mới bình tĩnh lại. Em kể hết mọi chuyện và quyết định của mình. Cái gì em cũng vượt qua được, riêng xúc phạm thông gia, nói bố mẹ em như vậy em chịu không nổi. Chỉ vì mấy cây vàng mà bà đã vậy, không rõ sau này bao nhiêu chuyện xảy ra thì em phải đương đầu thế nào đây?
Nhà em lặng cả người. Bố em hơi tức giận vì nghĩ cưới xong rồi, mang tiếng cả gia đình. Đúng lúc đó, chồng em đi xe đến. Ông lao thẳng ra, tuyên bố thẳng thừng chấm dứt quan hệ. Nhà này không chấp nhận một người rể, một thông gia như vậy. Em chưa bao giờ thấy bố bức xúc đến vậy luôn.
Chuyện trôi qua được nửa năm rồi đó các chị ạ. Nhiều lúc nghĩ lại em cũng thấy sợ hãi. Giờ em lại độc thân vui vẻ trở lại rồi. Những lời xì xào cũng lắng dần hết cả. Mấy bác hàng xóm còn bảo em mạnh mẽ, may mắn chứ nhiều người vì sợ tai tiếng mà chịu khổ một đời”.
Quả thật câu chuyện của cô chẳng khác nào bộ phim truyền hình dài tập về sóng gió gia tộc cả. Nếu như là phim, chắc người phụ nữ đó sẽ phải cắn răng chịu đựng cuộc sống như địa ngục đó để bộ phim có thể kéo dài hàng chục tập.
Nhưng nếu là đời thực thì quả thực phải khâm phục nghị lực đầy mạnh mẽ của cô gái này bởi đã dám bỏ thẳng về nhà ngoại như thế. Nhưng đúng là thà đau sớm còn hơn khổ dài, cuộc đời cô giờ đã tươi sáng trở lại chứ nếu im lặng chắc giờ chẳng thể nào ngóc đầu lên nổi.
Đúng là chẳng sợ làm lại cuộc đời, chỉ sợ vì nhiều dị nghị mà con người ta chẳng dám quyết liệt đấu tranh. Thôi, dứt ra được là tốt, dứt ra khỏi cái nhà như thế đúng là đúng đắn không sai điểm nào.
Theo Webtretho