Ở Việt Nam, đu đủ là loại cây ăn quả phổ biến, được trồng khắp các vùng miền. Tuy vậy, đu đủ đực – loại cây không cho trái – thường hiếm hơn và việc gieo trồng cũng khó khăn. Bởi ai cũng nghĩ, cây không cho trái thì trồng làm gì. Tuy nhiên, hoa đu đủ đực lại là vị thuốc quý, một món ăn đặc sản được bán với giá khá đắt đỏ, không phải ai cũng mua được.
Bốc một nắm hoa đu đủ đực tươi rửa sạch chuẩn bị cho bữa tối, chị Lê Thanh Hà ở Sơn Tây (Ba Đình, Hà Nội) khoe: “Phải đặt trước cả tháng trời mới mua được 3 kg hoa tươi với hoa khô ăn dần đấy. Hoa đu đủ tươi xào ăn là nhất luôn”.
Chị Hà cho biết, hoa đu đủ đực chỉ có một đợt trong năm. Hoa có màu trắng, mọc thành từng cụm nhỏ như hoa thiên lý, có vị đắng nhẹ. Hoa tươi thường để xào hoặc nấu canh, nhưng số lượng ít vì không để được lâu. Còn hoa khô dùng để sắc nước uống. Do có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên năm nào chị Hà cũng đặt mấy ký để bồi bổ sức khỏe.
Tuy vậy, chị phải nhờ người quen đặt mua trên tận Điện Biên với giá khá đắt đỏ, lên đến cả 1 triệu đồng/kg với hoa khô, thậm chí đỉnh điểm có năm mất mùa giá hoa lên đến 1,2-1,5 triệu đồng/kg. Hoa tươi thì rẻ hơn, giá 400.000 đồng/kg nhưng hiếm vì vận chuyển khó khăn, để lâu sẽ mất chất dinh dưỡng. Vì thế, người dân thường sao khô, đóng túi hút chân không để sử dụng quanh năm.
Chị Hà Khánh Chi, một đầu mối bán các loại dược liệu Tây Bắc ở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), cho biết, cây đu đủ đực rất hiếm ở vùng đồng bằng, chủ yếu mọc hoang rải rác ở vùng đồi núi, vì vậy hoa đu đủ không có nhiều. Đây là vị thuốc quý có nhiều tác dụng với sức khỏe, phòng chữa bệnh tật.
“Mỗi năm người dân chỉ thu hái hoa đu đủ một đợt, từ tháng 5 đến tháng 10. Hoa tươi dùng làm rau xào hoặc trộn gỏi, nấu canh, còn chủ yếu để sấy khô, cất trữ dùng làm thuốc quanh năm. Hiện tôi chỉ gom được 30-40 kg, khách phải đặt trước mấy tháng mới có”, chị Chi nói.
Loại hoa khô này chỉ cần sắc nước uống như bình thường, hoặc ngâm mật ong sẽ giúp giảm vị đắng của hoa, dễ uống hơn nhất là đối với trẻ nhỏ. Hoa đã sấy khô cần bảo quản nơi khô ráo, thời gian sử dụng được lâu hơn.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Tuấn, một đầu mối bán các loại đặc sản Tây Bắc ở Mai Sơn (Sơn La), cũng cho biết, cứ vào mùa là anh lại gom hoa đu đủ đực của người dân các xã hái ở vùng sườn đồi rồi chuyển đi khắp tỉnh thành. Hoa đang vào mùa thu hái, chỉ hơn một tháng nữa là hết nên dịp này anh phải tranh thủ gom hàng chứ tới đây không có mà bán.
Hoa tươi sau đó được anh phân loại, nhặt bỏ hoa sâu, hoa bị muội, rửa sạch mới đem phơi, sao khô, sau đó mới đóng gói hút chân không chuyển đi.
“Hoa đu đủ đực khô trên thị trường giá khá cao, dao động từ 800.000-1,2 triệu đồng/kg. Tôi đổ sỉ từ 5kg trở lên với giá 450.000 đồng/kg. Người mua lẻ, số lượng ít thường mỗi lần chỉ 0,5 kg. Ai mua nhiều để dùng và đi biếu thì 3-5 kg. Tính ra từ đầu mùa tới giờ tôi bán cả tạ hoa khô. Hàng có bao nhiêu chuyển đi hết, giờ cuối vụ nên lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng”, anh Tuấn cho hay.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), hoa đu đủ đực là bài thuốc dân gian có công dụng chữa bệnh như chữa ho, hen kéo dài, viêm họng, giải độc và một số bệnh khác như huyết áp, tim mạch,…
Hoa có vị đắng, có thể sử dụng trực tiếp hoa tươi và hoa đã sấy khô.
Tuy nhiên, tùy theo cơ địa, thể trạng mỗi người, không phải ai cũng dùng được loại hoa này. Vì vậy, mọi người nên tìm hiểu kĩ trước khi sử dụng. Thường thì với sản phẩm khô, trung bình mỗi ngày chỉ nên sử dụng 10-20g.
Nhật Thanh / Theo Vietnamnet