Không làm Sổ đỏ trước 2026 sẽ mất rất nhiều tiền, có đúng không?

 

Thông tin không làm Sổ đỏ trước 2026 sẽ mất rất nhiều tiền là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, nếu thuộc trường hợp đang sử dụng đất đủ điều kiện cấp Sổ đỏ mà chưa có Sổ đỏ thì người dân cố gắng thực hiện thủ tục đề nghị cấp Sổ đỏ sớm và hoàn thành trước năm 2026. Bởi lẽ:

 
Empty
 

Từ ngày 01/01/2026, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ban hành Bảng giá đất mới theo nguyên tắc thị trường kéo theo chi phí làm Sổ đỏ có thể tăng rất nhiều.

Cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024, Bảng giá đất hiện hành đang được áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024 và sẽ tiếp tục được áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

 

Từ ngày 01/01/2026, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ban hành và áp dụng Bảng giá đất mới.

 

Sau đó, hằng năm sẽ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất (cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường đối với những khu vực, loại đất có biến động) thay vì định kỳ 05 năm/lần như hiện nay để phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Đặc biệt, Bảng giá đất mới được xây dựng theo khu vực, vị trí trên cơ sở việc định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Mặt khác, còn xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính và cơ sở dữ liệu giá đất (khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai 2024).

Hiện nay, Bảng giá đất được ban hành 05 năm/lần, được xây dựng căn cứ vào: Nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất (khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013).

Và chỉ điều chỉnh Bảng giá đất khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất/giá đất phổ biến trên thị trường có biến động.

Tuy nhiên, Luật mới đã bỏ khung giá đất, theo đó, Bảng giá đất mới được xây dựng căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất chứ không căn cứ vào giá đất tối thiểu, tối đa của từng loại đất của khung giá đất như hiện nay.

Nói tóm lại, Bảng giá đất mới sẽ tiệm cận với giá đất thị trường, tức là có khả năng tăng rất nhiều so với Bảng giá đất hiện hành.

Mà trong các khoản tiền phải nộp khi đăng ký cấp Sổ đỏ lần đầu có các khoản tiền được tính theo giá đất trên Bảng giá đất:

– Tiền sử dụng đất;

– Tiền thuê đất (nếu có);

– Lệ phí trước bạ.

Trong đó, khoản tiền sử dụng đất là khoản tiền nhiều nhất (tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ không phải nộp).

Theo đó, khi áp dụng Bảng giá đất mới, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có) và lệ phí trước bạ đều sẽ tăng theo.

Kết luận: Nên hoàn thành việc cấp Sổ đỏ trước năm 2026 (đề nghị cấp Sổ đỏ càng sớm càng tốt vì thời gian thực hiện cấp Sổ có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí là hàng năm) vì khi có Bảng giá đất mới chi phí làm Sổ đỏ có thể sẽ tăng rất nhiều so với hiện nay.

Tên gọi mới của Sổ đỏ, Sổ hồng từ năm 2025

Từ ngày 01/01/2025, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Sổ đỏ, Sổ hồng sẽ có tên gọi theo quy định là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Sổ đỏ và Sổ hồng đều là những thuật ngữ không được công nhận trong các văn bản pháp luật. Đây chỉ là cách gọi thông dụng của người dân dựa trên màu sắc của các loại giấy tờ xác nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở. Trong đó:

– Sổ đỏ được sử dụng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Sổ hồng được sử dụng để gọi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở/Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở/Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Empty

Tuy nhiên, Nghị định 88/2009/NĐ-CP chỉ quy định một loại Giấy chứng nhận chung (đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở/công trình) là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Mẫu Giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được in trên giấy có nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen từ ngày 10/12/2009 (theo Thông tư 17/2009/TT-BTNMT).

Như vậy, sau ngày 10/12/2009, không cấp Sổ đỏ và Sổ hồng mẫu cũ của Bộ Xây dựng mà cấp Sổ hồng mẫu mới của Bộ Tài nguyên môi trường để xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.

Từ ngày 01/01/2025, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.