Nhiều người bệnh khi mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng như khi khỏi bệnh bị mệt mỏi, khó thở kéo dài, đến lúc đi khám mới phát hiện ra phổi bị xơ hóa.

F0 không triệu chứng chịu di chứng hậu Covid-19

Chia sẻ với Infonet, bác sĩ Phan Xuân Trung (Trung tâm Y tế Hoà Hảo, TP.HCM) cho biết thời gian qua người bệnh di chứng hậu Covid-19 đến khám ngày càng tăng. Bác sĩ đã từng tiếp nhận trường hợp bị xơ phổi diễn tiến. Ngay cả người bệnh trẻ tuổi mắc Covid-19 không triệu chứng nhưng khi khỏi, phổi lại xơ dần.

Điển hình là bệnh nhân N.N.V (nam, 35 tuổi) mắc Covid-19 do lây tư vợ. Người bệnh đã tiêm 2 mũi vắc xin nên khi nhiễm virus không có triệu chứng và được tự điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, anh V. rơi vào tình trạng hậu Covid-19, thường xuyên thấy khó thở, đi lại cũng mệt, lúc nào cũng thấy “ngộp”. Vì vậy, anh đi kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ cho chụp phổi để đánh giá tổn thương. Kết quả hết sức bất ngờ, phổi của bệnh nhân trắng xóa do tình trạng xơ phổi diễn tiến.

Một trường hợp khác cũng chịu di chứng ở phổi sau khi khỏi Covid-19 là bà Phạm Thị T. trú tại Bình Chánh, TP.HCM. Tháng 12/2021, bà T. mắc Covid-19. Sau khi khỏi bệnh, bà cảm thấy sức khỏe kém đi rõ rệt, lúc não cũng mệt mỏi. Khi leo cầu thang chỉ đi được 3, 4 bậc là phải nghỉ.

Hình ảnh phổi của bệnh nhân trắng xoá do xơ phổi tiến triển hậu Covid-19.

Bà T. đi khám hậu Covid-19. Kết quả chụp X-quang cho thấy xơ phổi hậu Covid-19, tổn thương xơ phổi nặng hai bên. Bác sĩ nhận thấy tình trạng của bà T. là tổn thương dạng mô kẽ rải rác ở hai phổi, xơ rải rác hai phổi, giãn phế quản hai phổi. Bà T. phải điều trị dài ngày và đến giờ vẫn chưa khỏi.

Nói về di chứng hậu Covid-19 này, TS. BS Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết xơ phổi sau khi khỏi Covid-19 là một vấn đề rất lớn. Nếu người bệnh không được kịp thời điều trị thì có thể dẫn tới suy hô hấp mãn tính, ảnh hưởng tới sức khỏe. Đến đây, khi nhắc tới xơ phổi, bác sĩ cũng cảm thấy lo lắng vì vấn đề này khó điều trị.

Dấu hiệu xơ phổi hậu Covid-19

Bác sĩ Vinh cho biết hậu Covid-19 có tới 200 triệu chứng khác nhau từ rụng tóc, thần kinh tới tim mạch, đột quỵ… Tình trạng khó thở, mệt mỏi có thể xuất phát từ việc phổi bị tổn thương. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phổi không tổn thương mà đó là do mệt mỏi mãn tính.

Virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ quan hấp hấp, trong đó phổi bị tấn công nhiều nhất. Người bệnh không qua khỏi do phổi tổn thương nặng, viêm hô hấp. Vì vậy, những bệnh nhân Covid-19 nặng trong giai đoạn dương tính thì hầu hết phổi đều bị tổn thương. Sau khi khỏi Covid-19, các triệu chứng phổi vẫn sẽ kéo dài.

Theo TS Vinh, dấu hiệu nhận biết xơ phổi cũng khó vì bệnh làm thay đổi chức năng hô hấp. Người bệnh chỉ cảm thấy khó thở khi gắng sức.. Việc trao đổi khí giảm đi khiến người bệnh rơi vào tình trạng thiếu oxy mãn tính, tím môi, tím đầu ngón tay, ngón chân.

Nếu bệnh nhân gặp tình trạng khó thở kèm theo thiếu oxy thì cần phải đi kiểm tra phổi. Tất nhiên, không phải ai khó thở cũng là xơ phổi mà nó có thể xảy ra do căng thẳng, tâm lý, mất ngủ trong giai đoạn Covid-19.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Đại học Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết nhóm bệnh nhân nguy cơ cao mắc bệnh xơ phổi hậu Covid-19 là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài; bệnh đồng mắc; bệnh phổi kẽ có từ trước; mức độ nặng ở giai đoạn cấp.

Đa số bệnh nhân có triệu chứng hô hấp (khó thở, ho) và các bất thường chức năng hô hấp. Đặc biệt, cần lưu ý chẩn đoán xác định xơ phổi hậu Covid-19 ở bệnh nhân sau 4 tuần bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mà vẫn còn tình trạng thở nhanh, ho, tức nặng ngực, giảm oxy máu (SpO2 <95%).

Để chẩn đoán bệnh nhân có bị xơ phổi hậu Covid-19, BS Phượng cho biết cần phải thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như chụp X-quang hoặc CT-Scanner phổi;các chỉ định thăm dò chức năng như đo chức năng hô hấp, đo khuyếch tán khí cacbon oxit qua màng phế nang – mao mạch phổi, đo nitơ oxit ở phế nang trong hơi thở ra; đo khí máu động mạch; đo đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp.

Việc xơ phổi do Covid-19 có tồn tại suốt đời hay không cho đến nay vẫn chưa có câu trở lời. Căn bệnh này mới xuất hiện được 2 năm nên chưa thể biết kết quả sau 3-5 năm sau sẽ như thế nào. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc điều trị xơ phổi vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ