Có câu nhân sinh như mộng, đời người đến và đi tựa như cơn gió, ý nghĩa cuộc đời chỉ nằm ở hai chữ trách nhiệm và cống hiến.
Xưa kia có người thiếu niên trẻ, không quản ngày đêm đi tìm một vị trưởng bối để xin lời khuyên cho mình. Người thiếu niên hỏi vị trưởng bối rằng: “Con phải làm sao mới có thể khiến bản thân mình luôn vui vẻ và cũng giúp người khác được hạnh phúc?”.
Vị trưởng bối đáp rằng: Ta sẽ tặng con bốn câu này:
1. “Coi bản thân mình như người khác”
Vị thiếu niên đáp: “Có phải ý nói rằng khi con gặp đau khổ và bi thương, thì hãy coi mình thành người khác, như vậy con sẽ giảm bớt đi sự thống khổ của mình? Khi con cảm thấy vui vẻ quá độ, cũng coi mình thành người khác, vậy thì sự quá độ kia biến thành trầm tĩnh như nước?”.
Vị trưởng bối khe khẽ mỉm cười gật đầu.
2. “Coi người khác như bản thân mình”
Vị thiếu niêm trầm ngâm đôi chút rồi nói: “Coi người khác như chính mình thì có thể đồng cảm với người gặp cảnh khó khăn, hiểu được nhu cầu của họ và có thể đưa ra những hỗ trợ kịp thời, cần thiết cho họ phải không?”.
Vị trưởng bối từ bi mỉm cười không nói.
3. “Coi người khác thành người khác”
Vị thiếu niên đáp: “Có nghĩa là phải tôn trọng tính độc lập của người khác, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được xâm phạm sự tự tôn của người khác phải không?”.
Vị trưởng bối nghe xong cười lớn: “Nhụ tử khả giáo” (đứa trẻ này có thể dạy được)
4. “Coi bản thân mình chính là mình”
Vị thiếu niên đáp: “Đây có nghĩa là trong cuộc sống dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải có lập trường, chính kiến, lẽ sống của riêng mình, chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan”.
Vị trưởng bối nói: “Cuộc sống kỳ thực rất đơn giản, trong cuộc đời mỗi người đều phải đối diện với những điều không may mắn, trong sự hỗn tạp của cuộc đời, chúng ta cầu sự sinh tồn. Nếu như muốn có một cuộc sống an lạc, thì phải bước xuất ra khỏi cuộc sống hỗn tạp này, vượt qua khỏi những nguy nan để nhìn thấy ánh sáng bình minh, nhìn thấy sự tươi đẹp của vạn vật”.
“Đơn giản chỉ cần nhớ rõ hãy sống chân thành, thiện lương, buông bỏ những dục vọng tham lam quá mức trong lòng mình. Có như vậy thì dù ở nơi đâu, dù ở hoàn cảnh nào con cũng có được sự an lạc cho bản thân và mang lại niềm vui cho mọi người”.
“Còn nếu như con để sự tham lam chế ngự trái tim mình, nó cũng như một con quỷ dữ chiếm lấy sự vui vẻ, thiện lương trong con, đổi lại chỉ là sự sân hận và đau khổ. Khi gặp vấn đề, con hãy đứng từ góc độ đối phương mà suy nghĩ vấn đề trước, sau đó hãy suy nghĩ đến mình, điều mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác”.
Vạn sự tùy duyên, thiện lương đãi người, từ bi đãi vật, đây chính là chìa khóa đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc.