Người vội vã mặc áo khoác về nhà, người gọi điện nhắc chồng đón con nhanh cho kịp, người gọi cha mẹ xem cửa nẻo đã chắc chắn chưa. Có cả những ánh mắt đồng hương xao xác nhìn nhau, mang hình khối của nỗi sợ hãi quê nhà tan hoang sau những lần bão dữ.
Mưa bắt đầu rơi lất phất. Gió vỗ vào mái tôn phần phật. Những chiếc lá sa kê to như cái quạt mo bị gió bứt khỏi cành, phơi mình trên sân vắng. Dừng xe trước cổng trường, tôi lập cập xỏ chiếc áo mưa ngai ngái mùi ni-lông, có lẽ do mưa lần trước chưa kịp ráo đã vội tuồn vào cốp xe cho kịp giờ lên lớp.
Đưa mắt nhìn sang bên trái – nơi có con hẻm nhỏ dẫn vào một xưởng dệt, tôi thoáng thấy một người đàn bà đứng bên chiếc xe đạp cũ, đang cố tròng chiếc áo mưa mỏng tang lên người bé gái mặc đồng phục thể dục trường tôi.
Gió thổi rối nùi mớ tóc. Trời âm u. Tôi không nhìn rõ mặt hai mẹ con. Chỉ biết trên đường về nhà, tôi dường như chỉ thấy chiếc áo bắt đầu thấm những hạt mưa bám dính vào tấm lưng gầy của người mẹ. Ngoài đường mưa bắt đầu nặng hạt. Chiếc xe đạp yếu ớt xiêu vẹo, lọt thỏm chơ vơ giữa đường phố Sài Gòn cơ man nào là ô tô, xe máy…
Nghe thương đến lịm người những bà mẹ trên đời. Đã là mẹ, người nào cũng đáng nhận được cái cúi đầu của tất cả mọi người, trong tình yêu thương con vô cùng tận. Nhất là những người mẹ khổ nghèo dễ khiến người ta xót xa. Đôi khi tôi chỉ ước các bà mẹ trên đời không còn phải quần quật với gánh nặng áo cơm, tất cả thời gian chỉ dành để yêu thương những đứa con cho thỏa.
Tôi bỗng nhớ mẹ mình. Những ngày giáp tết năm ngoái, tôi bám theo mẹ từ nhà trước xuống nhà sau, hết hỏi chuyện xưa đến chuyện nay. Từ chuyện làm thịt kho tàu suốt bao năm vẫn không ngon bằng mẹ, cho đến gói bánh tét cách nào để nhân bánh nằm ngay ngắn chính giữa, xào mứt dừa kiểu gì để không bị khét. Mẹ từ tốn trả lời từng câu một, rồi đang vui, mẹ bất chợt xa xăm: “Tội nghiệp em con, gần bốn mươi tuổi đầu, mẹ đã thực sự ở gần nó được bao năm?”.
Tôi lặng im, nghe trái tim mình như có ai xô ngã. Bằng cảm nhận của một người đã làm mẹ, tôi biết nỗi niềm này đã vây lấy mẹ nhiều năm rồi. Mẹ đang nhớ thương em gái ở xa của tôi. Từng núm ruột cắt ra sao không đau không xót? Mẹ tiếc nuối ngày chị em tôi còn nhỏ, vì nghèo mà mẹ phải mưu sinh từ sáng đến tối. Nhiều lúc khuya khoắt cha mẹ mới về, rón rén mở cửa là mấy chị em tôi đã ngủ say từ bao giờ.
Có khi suốt tuần, cả nhà không có đến một buổi được ăn cơm cùng nhau. Lúc cha mẹ có thể ở nhà thì các con, có đứa đã bay rất xa. Cơ hội để nói cho nó cái này, kể cho nó cái kia, dặn dò nó cái nọ, hay chí ít là được chạm vào nó thôi, đâu phải lúc nào cũng có.
Tôi bỗng nhớ đến một người quen mà tôi vẫn hay đến cửa hàng của anh để mua mắt kính. Mới tuần trước, tôi tìm đến chỗ anh, thấy cửa im ỉm khóa và một bảng chỉ đường dẫn đến nơi mới. Trong lúc làm tròng kính cho tôi, anh chỉ tay về phía chiếc chõng gỗ, nơi có một cụ bà tóc bạc phơ đang ngồi xem ti vi: “Anh và vợ ly hôn rồi. Tụi anh không con cái. Nhà này của mẹ anh. Bà đó!”.
Tôi ra về mà cứ lẩn thẩn tự hỏi: “Nếu một ngày nào đó, các bà mẹ trên đời bỗng dưng biến mất, thì đàn con của họ sẽ ra sao? Không biết khi gặp những mệt nhoài ngoài kia, người ta biết tìm về chốn nào để nương tựa?”. Tự nhiên lại nghe đâu đó bên tai mình lời thơ giản dị, nhưng sâu thẳm tầng tầng lớp lớp của nhà thơ Chế Lan Viên:
Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ