Theo các bác sĩ, di chứng này cực kỳ nguy hiểm, khiến nhiều người bệnh rơi vào nguy kịch dù đã khỏi Covid-19.
Bệnh nhân nguy kịch vì di chứng hậu Covid-19
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Ngọc (khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ trên VnExpress về trường hợp của một cụ bà 83 tuổi phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ dạng nhồi máu não sau gần 5 tháng khỏi Covid-19. Bà cụ yếu liệt nửa người, lơ mơ, chẩn đoán tai biến mạch máu não dạng nhồi máu não do cục máu đông. May mắn, bệnh nhân được người nhà phát hiện sớm nên được đưa đến bệnh viện trong thời gian vàng. Sau khi sử dụng thuộc tiêu sợi huyết, mạch máu tắc nghẽn được thông tắc hoàn toàn. Sau 2 tuần điều trị, người bệnh đã phục hồi dần, chỉ còn yếu nhẹ và không bị liệt.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng tiếp nhận một bệnh nhân là nam giới, 60 tuổi, nhập viện do đau ngực, khó thở và được Khoa Nội Tim Mạch chẩn đoán thuyên tắc phổi gần như toàn bộ hai bên kèm huyết khối trong nhĩ phải với tiền sử mắc Covid một tháng trước. Bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà, không dùng thuốc kháng đông.
SpO2 của bệnh nhân chỉ còn 79%. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng suy hô hấp và tuần hoàn. Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật cấp cứu, loại bỏ huyết khối lấp đầy hai động mạch phổi trái, phải và các nhánh, kiểm tra huyết khối trong các buồng tim.
Trong ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng đồng hồ, có những lúc bệnh nhân đã ngưng tim, tưởng chừng không thể qua khỏi. Rất may, ca phẫu thuật diễn ra thành công. 96 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân mới phục hồi gần như hoàn toàn.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, TS BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn BV SIS Cần Thơ chia sẻ một trường hợp là đồng nghiệp của của anh tại TP. HCM, chưa tới 40 tuổi, mắc Covid-19 và đã điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, sau đó người này bị huyết khối tĩnh mạch và không thể qua khỏi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, một người có thể bị tắc nghẽn mạch máu nhiều lần, ở nhiều vị trí, cả trong khi điều trị và sau khi khỏi Covid-19, tùy theo mức độ tăng đông nhẹ, trung bình hay nặng. Nguyên nhân là di chứng tăng đông máu hậu Covid-19 có thể gây tắc nhiều mạch máu, bao gồm cả động mạch, tĩnh mạch, mao mạch, từ đó gây thiếu máu cục bộ ở các cơ quan, các vùng cơ thể.
Bác sĩ Ngọc cho biết thêm, trường hợp có di chứng đông máu chiếm khoảng 5-10% tổng số người đến khám hậu Covid-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua.
Tại sao Covid-19 gây ra biến chứng đông máu?
Theo bác sĩ Ngọc, nguyên nhân F0 khỏi bệnh rồi vẫn bị đông máu hậu Covid-19 là do khi nhiễm bệnh, virus đã kích hoạt một loại kháng thể tự miễn trong máu tấn công các tế bào, gây ra tình trạng đông máu ở động mạch, tĩnh mạch và mao mạch.
Ngoài ra, virus còn kích hoạt gia tăng các chất trung hòa gây viêm Interleukin 6, IFN alpha, làm tăng tình trạng đông máu. Trong trường hợp này, các cục máu đông nhỏ xíu có thể di chuyển theo mạch máu đến khổi, ngăn mau lưu thông và cản trở quá trình trao đổi oxy. Các cục máu đông còn có thể gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ ở các cơ quan, thậm chí làm hoại tử các mô, bao gồm các tế bào cơ, não, thận, lách, phổi…
Dấu hiệu cảnh báo huyết khối hậu Covid-19
Để tránh biến chứng nặng, thậm chí không thể qua khỏi do đông máu hậu Covid-19, bác sĩ Ngọc khuyến cáo người bệnh cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo. Nếu thấy nhức đầu dữ dội, đau bụng, đau lưng; buồn nôn và nôn; thay đổi thị lực; thay đổi trạng thái tinh thần như cáu gắt, buồn rầu; hay giận vô cớ, ngủ gà và lơ mơ; đau ngực và khó thở; sưng chân và đau chân; tăng hơn khi vận động… thì người bệnh cần đến bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán và xử lý kim thời.
Để phòng tránh tình trạng thuyên tắc mạch máu, bác sĩ khuyên mọi người nên uống nhiều nước, mặc quần áo rộng rãi, tập thể dục thường xuyên, trong đó ưu tiên đi bộ, kéo duỗi chăn đều đặn.