Cô vít còn chưa qua thì sốt xuất huyết lại ‘ập’ tới. Theo ông Nguyễn Hồng Tâm (PGĐ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM) cho biết: Tính đến hết 29/4, TP. HCM ghi nhận hơn 5.000 ca sốt xuất huyết. Trong đó có 126 ca nặng, 4 ca không qua khỏi.
Trong khi đó, năm 2021, thành phố chỉ có 99 ca nặng và 7 ca không qua khỏi. Ông Tâm đánh giá: Mức độ sốt xuất huyết đang rất báo động.
Mới đây, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Sốt xuất huyết ở trẻ em đặc biệt nguy hiểm hơn người lớn do có các biến chứng có khả năng ảnh hưởng đến sự sống.
Mình đọc trên tờ Sức khỏe & Đời sống có thấy BS. Trần Cao Dung nhắc đến điều này rồi. Mình chia sẻ lại ở đây, nhà có con nhỏ cần chú ý nhiều hơn để bảo vệ con trẻ nhé.
Số trẻ bị sốt xuất huyết đang tiếp tục tăng lên. Ảnh minh họa, nguồn: GDTĐ
Những biến chứng của sốt xuất huyết ở trẻ, có thể khiến bé không còn sự sống
Theo BS. Dung, phụ huynh không nên chủ quan khi con bị sốt xuất huyết. Bởi, bệnh này khiến cơ thể bé mệt mỏi đến mức suy kiệt và dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Trong đó, có biến chứng sốc khiến bé không qua khỏi.
+ Ở cấp độ 1: Người bệnh chỉ sốt chứ chưa có triệu chứng xuất huyết.
+ Cấp độ 2: Bệnh nhân sốt có triệu chứng xuất huyết như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, khạc ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu, ở bé gái thì còn có thể có chu kỳ kéo dài.
+ Cấp độ 3: Trẻ bắt đầu có dấu hiệu sốc
+ Cấp độ 4: Bị sốc nặng
Khi trẻ bị sốc thì sẽ có nguy cơ bị suy nội tạng và cuối cùng khiến bé ‘ra đi mãi mãi’. Đặc biệt, cần lưu ý rằng, xuất huyết không phải là triệu chứng bắt buộc, có bị xuất huyết hay không thì bé vẫn có thể bị sốc. Sốc là biến chứng nguy kịch nhất ở trẻ. Đa số trẻ sốt xuất huyết không qua khỏi là do bị sốc nặng.
Sốc là một hội chứng với nhiều triệu chứng khác nhau. Khi trẻ bị sốc, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm xuống dưới mức bình thường. Nếu thân nhiệt hạ cùng với thời gian tác động mạnh của thuốc hạ nhiệt thì rất nguy hiểm.
Lúc này, trẻ có thể bị giảm tri giác, tinh thần biểu hiện kém lanh lợi, lờ đờ, thậm chí là lơ mơ, mê sảng. Bên cạnh đó, trẻ cũng có dấu hiệu tụt huyết áp.
Để đề phòng tình trạng này, từ ngày thứ 3 – 7, nếu trẻ bị sốt kèm dấu hiệu cảnh báo sau thì nên cho bé đi viện cấp cứu ngay:
+ Lừ đừ
+ Mệt mỏi
+ Nôn ói nhiều
+ Đau bụng
+ Xuất huyết niêm mạc
+ Gan to
+ Trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn uống.
+ Ngoài ra, một số trẻ còn có thể bị tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt không đo được.
Nếu con có dấu hiệu mệt mỏi, lờ đờ thì nên cho đi viện cấp cứu ngay. Ảnh minh họa, nguồn: 6parknews
Trẻ bị sốt xuất huyết, bố mẹ nên cho bé ăn uống thế nào để nhanh khỏi?
Theo Ths. BS Đỗ Cao Vân Anh (trưởng bộ môn nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho hay: Trẻ bị sốt sẽ biếng ăn.
Do đó, mẹ nên cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Nên chia thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một ít. Nếu con bị ói thì đừng vội cho ăn lại ngay, cần nghỉ ngơi 1 – 2 giờ, khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn lại từng chút một.
Những món nên cho con trẻ ăn là:
+ Các loại cháo, súp.
+ Thịt, trứng, sữa, cá… với hàm lượng protein dồi dào, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
+ Thịt bò, gà… với hàm lượng vitamin A và kẽm dồi dào, giúp tăng cường sức đề kháng.
+ Cam, chanh, bưởi với hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Nó giúp thành mạch bền vững, rất tốt cho người bị sốt xuất huyết.
+ Nước dừa chứa nhiều khoáng chất giúp bổ sung điện giải cho cơ thể khi bị sốt cao.
Tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Mà bây giờ con trẻ còn đến lớp, bệnh này thì lại dễ lây. Các mẹ đọc báo chắc cũng biết cả rồi. Thế nên hãy nắm vững các dấu hiệu nguy hiểm để đưa con đi bệnh viện ngay khi cần thiết.
Nguồn: Tổng hợp