Con trai của mẹ: Nếu con có em, mẹ mong đó không phải là con gái!
Con yêu, nếu một mai mẹ có con, hẳn mẹ sẽ mong mỏi con sẽ là một bé trai. Cũng kì lạ, vì mẹ có anh Vừng rồi mà. Mẹ cũng ao ước như nhiều bà mẹ trẻ khác, có một cô con gái xinh xắn đáng yêu, tình cảm để cùng làm đẹp, cùng thủ thỉ mỗi tối, cũng diện đồ đôi mỗi khi đi ra ngoài…Chỉ nghĩ thôi mẹ cũng thấy ấm áp và hạnh phúc lắm rồi. Nhưng nếu có con, mẹ vẫn mong con không là con gái.
Bà ngoại sinh mẹ là con gái thứ hai, dù không phải là đứa con mang giới tính mong muốn nhưng mẹ vẫn được ông bà yêu thương, chăm sóc. Nhưng mẹ biết bao lần chứng kiến bà ngoại nuốt nước mắt vào trong khi nghe gia đình chồng trách cứ, bao lần ông ngoại uống say về cằn nhằn bà. Câu chuyện muôn đời, gái hay trai không phải do người đàn bà định đoạt, vậy mà luôn luôn tội lỗi đổ vào đầu người đàn bà. Đã nghe biết bao câu chuyện thương tâm, nhà chồng đuổi con dâu về vì không biết đẻ. Là người đối xử với nhau như thế đã là tệ, tại sao những người là mẹ chồng, cũng là đàn bà cũng là mẹ, cũng từng sinh nở, cũng chịu những tủi nhục ở đời lại hành xử như thế. Đời đời những người đàn bà cứ kêu gào vì oan ức nhưng mấy đời những người đàn ông chịu hiểu. Rồi thì cũng có ngày bà sinh được con trai. Cậu con sinh ra không chỉ là niềm hạnh phúc cho cả gia đình mà còn là chiếc chìa khóa tháo gông cùm đè nặng lên vai bà suốt 8 năm kể từ ngày mẹ được sinh ra. Và rồi cũng từ đó, mẹ dần nhìn nhận được sự khác biệt giữa con gái và con trai, giữa đàn bà và đàn ông. Em trai mẹ có được đầy đủ hơn cả về vật chất, sự chăm sóc của cả bố cả mẹ, bữa cơm, bà dành cho cậu những miếng ngon nhất, lên 8 lên 10, mẹ hay bác Mai đã biết đi chợ, biết nấu cơm, làm đủ việc nhà còn cậu thì vẫn rong chơi…
Càng lớn hơn, càng chứng kiến nhiều hơn, mẹ càng đặt nhiều câu hỏi tại sao lại như thế, tại sao lại có sự khác biệt như thế? Khi còn nhỏ, mẹ có thể tự lý giải rằng em còn nhỏ, em là út thì em có thể được ưu tiên mà không biết rằng câu trả lời không nằm ở tuổi tác mà ở giới tính.
Khi lớn hơn ở độ tuổi dậy thì, mẹ đã bắt đầu thể hiện sự không bằng lòng với bất công giữa nam với nữ. Mẹ cố tạo ra vẻ ngoài mạnh mẽ chỉ để thể hiện rằng mình không thua bất kì bạn nam nào. Mẹ có thể thụi một câu trai khi không vui, mẹ đã chối những sự giúp đỡ của các bạn trai kể cả với những công việc nặng. Mẹ đã uống rượu, từng rất nhiều chỉ để những người đàn ông cùng bàn biết rằng mẹ là con gái nhưng không thua kém con trai, ở những mặt trận tình nguyện, mẹ cũng xông pha không kém các anh, mẹ đi leo núi, đi phượt ngoài chuyện đam mê cũng còn là để chứng tỏ những điều tương tự. Mẹ cứ cố, cứ cố tạo ra cái vỏ bọc mạnh mẽ, gai góc, ngang tàng, đành hanh như mọi người vẫn nói về mẹ – đúng chất con gái HP
Nhưng những điều có lẽ là bồng bột của tuổi trẻ không thay đổi được sự thật rằng mẹ cũng chỉ là một người con gái.
Ngày mẹ đi lấy chồng, bà ngoại dặn mẹ là con gái phải chịu thiệt thòi, đi lấy chồng, có chuyện gì cũng phải nhịn, đúng sai gì thì cũng phải nhịn. Rồi bà cũng bảo, có gia đình rồi thì chuyện gia đình là thứ quan trọng nhất cần phải gìn giữ. Bản thân khổ cũng được, cần phải để mọi người xung quanh vui. Mẹ nghe bà dặn vậy thì cũng hiểu là bà đang lo lắng cho mẹ, vì mẹ biết bà chỉ nhắc nhở vì thấy tính mẹ hay đành hanh, tranh cãi là không chịu nhịn. Bà bảo như vậy là không tốt. Nhưng nghe bà nói vậy, mẹ càng cảm thấy cuộc đời người phụ nữ sao khổ quá vậy. Cuộc đời các mẹ đã khổ, tại sao vẫn muốn con gái mình tiếp diễn cuộc sống đó.
Mẹ bước vào cuộc sống hôn nhân, không còn với tâm thế cố gắng để bằng đàn ông như thời còn trẻ, mà thay vào đó là luôn đòi hòi sự công bằng giữa vợ và chồng, sự bình đẳng trong gia đình. Nếu như mẹ nấu cơm, thì bố rửa bát, nếu mẹ lau nhà thì bố phơi quần áo…Đó luôn là sự công bằng và chia sẻ. Mẹ sẽ không cảm ơn bố vì bố giúp mẹ việc nhà, mà đó là việc đương nhiên, là một phần của sự san sẻ trong công cuộc xây dựng hạnh phúc gia đình. Đôi lúc mẹ thấy mình may mắn khi có một người chồng biết ý nghĩa của sự chia sẻ. Tại sao lại là đôi lúc? Vì có quá nhiều công việc không tên mẹ không thể kể ra và bố con không bao giờ biết, và nếu không được đề nghị làm thì bố sẽ không làm. Ngày cãi nhau vụn vặt vì chuyện việc nhà, mẹ bảo bố liệt kê ra những việc anh làm và em sẽ liệt kê ra những việc em làm, chúng ta đổi cho nhau, bố chịu thua và không đổi. Bởi vì, để chăm sóc cho gia đình mình, để có những bữa cơm ngon lành, đảm bảo, để có nhà cửa sạch sẽ không bụi bẩn, cáu cạnh thì mẹ hay như vô vàn những người phụ nữ khác đã phải làm bao nhiêu việc. Đối với đàn ông đó đều là những công việc nhỏ, không đáng để tâm, không đáng nhớ đến, chỉ là những việc trong xó bếp nhưng nếu không có những việc đó gia đình mình có vui vẻ, anh con có khỏe mạnh hạnh phúc hay không, mẹ cũng không chắc nữa. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” càng ngẫm mẹ càng thấy không đúng. Không có sự phân vai vào như vậy trọng gia đình cả, dù cho là tổ ấm hay nhà cửa thì đều cần cả vợ cả chồng phải chung tay. Nhưng dù sao thì mẹ cũng vẫn thấy mình may mắn, vì ít bố biết lắng nghe, bố biết hỗ trợ và tôn trọng mẹ bất chấp ngoài kia, trên bàn nhậu, những người đàn ông khác trêu trọc cười đùa rằng bố con sợ vợ. Sợ và tôn trọng là rất khác nhau đúng không con.
Nhưng
Ngoài kia, có bao nhiêu người phụ nữ tần tảo sớm hôm chăm lo cho gia đình mà chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ nào của người chồng.
Ngoài kia có bao nhiêu người phụ nữ chỉ bị coi như cái máy đẻ.
Ngoài kia có bao nhiêu người phụ nữ phải chấp nhận kiếp lấy chồng chung, cứ nhẫn nhịn bảo rằng vì con cái.
Ngoài kia, có bao nhiêu người phụ nữ sống kiếp bị chồng bạo hành, đánh đập nhẫn tâm. Và ngoài kia có bao nhiêu người phụ nữ chịu ánh mắt xỉa xói của xã hội chỉ vì muốn sống khác, chỉ vì muốn sống cho mình.
Thử hỏi những người phụ nữ ấy, phải chịu cảnh đó đến bao giờ, còn chịu khổ sở đến bao giờ?
Có bao nhiêu người đàn ông biết giúp vợ, dù đơn giản chỉ là bóc hành, bóc tỏi, chỉ là chơi với con, chỉ là tự dọn dẹp đống bừa bãi mà chính mình bày ra…?
Có bao người đàn ông nhìn vợ làm việc nhà, mình ngồi chơi mà tự thẹn với lòng mình rồi đứng lên giúp vợ?
Có bao nhiêu người đàn ông coi mua sắm, hay tích lũy trong nhà là việc của hai vợ chồng thay vì coi đó là nhiệm vụ của người vợ. Để động đến đồ đạc trong nhà hết thiếu thì trách vợ, cần tiền sắm sửa không có lại mắng vợ tiêu hoang.
Có bao nhiêu người đàn ông coi việc giáo dục con cái là việc của hai vợ chồng, coi việc tích lũy kiến thức, cập nhật thông tin để dạy con là việc của hai vợ chồng thay vì coi đó là việc của vợ. Để rồi rất dễ một ngày, buông câu con hư tại mẹ không một chút ngại ngần.
Có bao nhiêu người đàn ông coi trái tim và thân thể người vợ là điều gì trân quý cần phải giữ gìn thay vì coi đó là điều đã có được. Đồ trong túi mình rồi thì sống chết cũng là của mình, không cần phải quan tâm.
Và đáng sợ hơn là xã hội ngoài kia, với bao định kiến rằng buộc người phụ nữ, đánh giá và soi xét người phụ nữ.
Mối quan hệ gia đình mà chúng ta, cả xã hội tôn thờ, phải được xây dựng trong sự công bằng, bình đẳng. Nội trợ đơn thuần là trách nhiệm của người phụ nữ? Chăm sóc con cái là trách nhiệm của người phụ nữ? Tuân phục chồng và gia đình chồng là bổn phận của người phụ nữ? Nhẫn nhịn giữ gìn hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của người phụ nữ? Còn bao nhiêu việc nữa gắn người phụ nữ với chữ PHẢI.
Còn, còn nhiều lắm. Biết bao cặp gia đình, vợ bồ bịch gia đình lên án, tung hô khắp nơi, xã hội lên án, chỉ trích biết bao con người buông câu khuyên chân tình, ngữ ấy bỏ ngay. Biết bao cặp gia đình, chồng bồ bịch, gia đình bấm bụng bảo nhau trách cứ vài câu rồi im tiếng, biết bao người buông câu, thôi đàn ông là thế, vì con vì cái cố mà sống. Đấy bất công là như thế đấy, và biết bao người đàn bà đã ngậm đắng nuốt cay thôi vì con cái mà sống như thế đấy.
Vậy thế nên, con ạ, mẹ mong con sẽ không phải là con gái.