Giáo sư Hồng Lan, chủ tịch của Đại học Liên minh Đài Loan và là giáo sư chủ trì của Đại học Y khoa Đài Bắc cho rằng con cái học tiểu học, điều quan trọng nhất không phải là điểm số mà dạy con có được 3 phẩm chất quan trọng:
1. Hình thành nguyên tắc sống;
2. Có tinh thần hợp tác;
3. Tự chủ và kỷ luật bản thân.
Trong phạm vi chia sẻ hôm nay, xin phép theo gợi ý của một chuyên gia, tập trung về sự tự kỷ luật, một thói quen và là một bản tính vô cùng quan trọng.
Tự kỷ luật bản thân gắn liền với sự phát triển của vỏ não trước trán. Thông thường, bộ phận này sẽ dần hoàn thiện hơn theo tuổi tác. Tuy nhiên, sự phát triển của vỏ não còn chịu ảnh hưởng bởi các kích thích bên ngoài, chẳng hạn tác động từ phía cha mẹ một cách tích cực từ những thói quen thuở thơ ấu sẽ giúp trẻ nhỏ hình thành tính tự giác từ nhỏ và nuôi dưỡng nó thành thói quen tốt.
Để con tự kỷ luật không thể đòi hỏi trong một sớm một chiều mà phải là cả quá trình được rèn luyện từ nhỏ. Cụ thể là từ trong giai đoạn bào thai, những năm đầu đời cho đến tuổi mầm non, tuổi tiểu học, thanh thiếu niên và thậm chí tiếp tục đến giai đoạn trưởng thành. Chỉ cần sống có kỷ luật thì trẻ sống ở đâu cũng tốt, không có cha mẹ vẫn có thể đưa bản thân đến nơi mình muốn đến.
1. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi (khoảng 0-3 tuổi): Giai đoạn sơ khởi
Trẻ ở độ tuổi này hễ đó là đòi bú, hễ thấy khó chịu là khóc to. Nói chung, trẻ muốn gì làm nấy mà không ý thức cũng không phải quan tâm kỷ luật hay bất kỳ quy tắc nào được đặt ra.
Ảnh minh họa
Sang đến giai đoạn nổi loạn tuổi lên 2, trẻ sẽ phải bắt đầu tập đi tiêu, đi tiểu đúng nơi như một sự khởi đầu cho một bài tập kỷ luật ở mức độ sơ cấp. Cần nhắc bố mẹ nhớ rằng, trong giai đoạn này, do trẻ chưa hiểu rõ mệnh lệnh của lời nói nên việc chuyển hướng sự chú ý sẽ mang lại hiệu quả hơn kỷ luật bằng lời nói.
2. Cấp THCS và tiểu học mầm non và tiểu học (khoảng 3 đến 10 tuổi): Giai đoạn dị hình
– Đối với trẻ mầm non:
Trẻ nhỏ từ 3 đến 6 tuổi vẫn coi mình là cái rốn vũ trụ nhưng đây lại thời điểm tốt nhất để thực hiện hành vi kỷ luật.
Ở giai đoạn này, trẻ đã có khả năng hiểu được ngôn ngữ và đáp trả nên cha mẹ có thể dạy trẻ những việc “được” và “không được” làm. Trong đó bao gồm các khía cạnh khác nhau như kiểm soát cảm xúc, tương tác giữa các cá nhân, chăm sóc bản thân và xây dựng thói quen cũng như các mục tiêu học tập. Chẳng hạn, trẻ phải tập những thói quen tốt như rửa tay trước khi ăn, đánh răng trước khi đi ngủ, thu dọn đồ chơi, cất sách vào kệ… bất cứ việc gì trẻ có thể làm được và đừng quá sức là được. Đồng thời phải nhớ, ở tuổi này, khi trẻ cộng tác làm bất kỳ việc gì, cha mẹ đều phải có thưởng, phạt, khen, chê rõ ràng để dạy trẻ hiểu được vì sao cái này được làm mà cái kia không được làm.
Sau một thời gian thực hành, trẻ sẽ có được kỹ năng hoàn thiện hơn và không cảm thấy quá khó khăn mỗi khi phải tuân thủ các yêu cầu và chuẩn mực từ bản thân hoặc bố mẹ đặt ra để được nhận phần thưởng xứng đáng hay bị phạt vì đã lười biếng.
– Đối với trẻ tuổi tiểu học:
Đối với trẻ nhỏ vào lớp Một và lớp Hai, tập cho con hình thành những thói quen tự học, tự chăm sóc bản thân là việc rất quan trọng. Bố mẹ có thể để trẻ tự viết ra mục tiêu học tập trong từng học kỳ và những thói quen phải hình thành được ở giai đoạn này, bao gồm: chuẩn bị cặp sách đi học, thức dậy vào buổi sáng đúng giờ để kịp đến lớp, làm bài tập về nhà, kiểm tra những lỗi sai trong các bài kiểm tra cô đã chấm…
Ảnh minh họa. Nguồn: ntdtv
Nhưng bố mẹ đừng bỏ mặc con mà hãy tiếp tục cùng đồng hành, hỗ trợ, làm mẫu và hướng dẫn con từng bước trở thành người lớn thực thụ. Đến năm lớp Ba và lớp Bốn, mọi thứ con phải tự làm từ A-Z và bố mẹ chỉ có nhiệm vụ giám sát. Đến lớp 5, lớp 6 thì bố mẹ bắt đầu buông lỏng, để con tự lập, tự chịu trách nhiệm và tự gánh lấy hậu quả do sự vô kỷ luật hay sẽ được hưởng thành quả do sự tự giác.
3. Giai đoạn thanh thiếu niên (sau khoảng 10 tuổi): Giai đoạn tự kỷ luật
Dần lớn lên, trẻ bắt đầu có khả năng nhận thức xã hội. Trẻ quan sát và đánh giá để rút ra kết luận rằng mọi thứ xung quanh mình đều có mối liên hệ với nhau và bản thân trẻ có thể đặt mình vào vị trí, tình huống, trạng thái của người khác để thấu hiểu hơn.
Sự phát triển của ý thức giúp trẻ dần nhìn ra được chân dung của bản thân mình và có chính kiến cho những sai khiến. Trẻ sẽ làm vì trẻ muốn làm chứ không còn làm vì mẹ bắt buộc.
Ảnh minh họa. Nguồn: ijime-doctor
Nếu như trẻ lớp Bốn, bố mẹ là một nhân viên giáo vụ chuyên đi đốc thúc việc học thì khi con qua đến năm lớp Năm, bố mẹ lại chỉ có thể đóng vai người giao tiếp. Con ở tuổi này, bố mẹ phải hỏi xem con thích gì, có sở trường gì, điểm yếu ở đâu… để giúp trẻ nhìn ra được bản thân mình là ai, có năng lực gì. Từ đó, trẻ sẽ biết mình thừa sức đảm nhận vai trò gì hay thiếu khuyết ở đâu để tìm cách bù đắp.
Tự giác rất có lợi cho quá trình học tập và trưởng thành của mọi đứa trẻ. Nó cũng là đức tính quyết định phần lớn đến sự thành công sau này của các con. Tuy nhiên, khi con lớn hơn, cha mẹ nên phân biệt cho con biết cân bằng giữa tự giác và tự phát để không bị mất cân bằng cảm xúc.
Tự kỷ luật là phản ứng sau khi suy nghĩ, còn sự tự phát là phản ứng mang tính trực giác mà không cần suy nghĩ. Một đứa trẻ luôn tự giác sẽ rất cứng nhắc và khô khan. Một đứa trẻ đụng đến cái gì cũng tự phát thì thật quá khổ sở vì làm việc gì cũng khó thành công. Vậy nên, một người sẽ hạnh phúc hơn nếu biết cân bằng hai điều này thay vì thiên về một thái cực nào đó.
Tổng hợp: Webtretho
https://www.webtretho.com/f/day-con-lon-khon/con-hoc-tieu-hoc-dung-qua-ban-tam-diem-so-hoi-tu-du-3-pham-chat-tre-chac-chan-vuot-vu-mon-hoa-rong