Không ít người có suy nghĩ viện dưỡng lão là nơi người lớn tuổi bị bỏ rơi, bị cô đơn và không được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, điều này có thực sự đúng? Liệu đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là bất hiếu hay văn minh?
Ở Việt Nam, chữ hiếu vốn là một giá trị văn hóa rất quan trọng, thể hiện sự tôn kính, vâng lời và báo đáp công ơn sinh thành với cha mẹ, tổ tiên.
Theo quan điểm của ông cha xưa, trong 100 nết thiện thì chữ hiếu đứng đầu. Đạo hiếu thể hiện nhân cách của mỗi con người, văn hóa của xã hội. Người ngoài nhìn vào cách con cháu đối với ông bà, tổ tiên có thể biết được nền tảng văn hóa của con người đó.
Cũng xuất phát từ quan niệm về chữ hiếu của người Việt nói riêng và châu Á nói chung, lâu nay cha mẹ già đều sống cùng con cái. Trong khi đó, ở các nước phương Tây thì viện dưỡng lão là lựa chọn phổ biến và phù hợp với người già. Chính vì vậy, câu chuyện nên hay không nên đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu?
Được ở gần con cái chắc chắn là mong muốn của nhiều bậc làm cha làm mẹ, nhất là khi đã ở độ tuổi xế chiều, con cái có thể chính là chỗ dựa lớn nhất của cha mẹ. Vì vậy, khi các con đề cập đến vấn đề vào viện dưỡng lão, không ít cha mẹ cho rằng con cái bất hiếu, bỏ rơi mình dẫn đến tinh thần suy sụp, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Cũng phải thừa nhận, có những người con xem bố mẹ là gánh nặng và thoái thác trách nhiệm chăm sóc cho trung tâm.
Tuy nhiên đó chỉ là trường hợp đơn lẻ. Hiện nay, vấn đề viện dưỡng lão đang ngày càng được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ và cởi mở hơn. Sau hơn nửa thế kỷ thực hiện “sinh đẻ có kế hoạch”, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2014, hiện người cao tuổi chiếm 12% dân số và dự báo sẽ lên 20% vào năm 2035.
Trong khi đó, cấu trúc gia đình thay đổi rõ rệt, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con giảm từ gần 80% năm 1992 xuống 28% năm 2017, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Gia đình và giới năm 2021.
Trên thực tế, cuộc sống của nhiều người ngày càng hối hả, bận rộn nên không có điều kiện về thời gian cũng như kỹ năng chăm sóc người cao tuổi. Do đó, thay vì để ông bà, bố mẹ già thui thủi một mình ở nhà, khoá cửa suốt ngày và buồn bã với các mối nguy hiểm về sức khỏe như té ngã, bất ngờ đột quỵ… thì việc lựa chọn đưa cha mẹ đến viện dưỡng lão sẽ giúp con cái an tâm hơn phần nào.
Ở viện dưỡng lão có các y tá, điều dưỡng viên được đào tạo bài bản sẽ chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân cho người cao tuổi. Ngoài ra, cha mẹ còn được thăm khám và theo dõi sức khoẻ định kỳ.
Viện dưỡng lão cũng được coi là điểm hẹn của người già. Các cụ cũng vui hơn vì có người bầu bạn, được trò chuyện chia sẻ tâm sự, có thể giải tỏa những vướng mắc tâm lý của mình.
Cũng có những người già sau khi vào viện dưỡng lão thì một số vấn đề tâm lý được cải thiện một cách rõ rệt. Vì họ được sống trong một môi trường phù hợp với tuổi tác và tâm ký của họ mà ở gia đình họ dù có đủ điều kiện vật chất vẫn không thể giúp họ cải thiện.
Khi nào nên đưa cha mẹ đi viện dưỡng lão?
Việc đưa cha mẹ đi viện dưỡng lão cần cân nhắc dựa trên hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình cũng như tình trạng sức khỏe, mong muốn của cha mẹ. Dù đưa cha mẹ đi viện dưỡng lão hay chăm sóc tại nhà, con cái vẫn cần tìm hiểu kỹ càng để đảm bảo cha mẹ nhận được sự chăm sóc phù hợp và tốt nhất.
Trong trường hợp người cao tuổi rơi vào tình trạng bị lẫn nặng hoặc mắc một số bệnh mãn tính cần sự quan tâm chăm sóc chuyên môn, yêu cầu theo dõi 24/24 mà gia đình không thể đáp ứng thì con cái nên xem xét đưa cha mẹ đến các viện dưỡng lão.
Trên thực tế, hiện nay có nhiều người cao tuổi còn khỏe mạnh, minh mẫn và không muốn phụ thuộc vào con cái vẫn tự chủ động tìm tới các viện dưỡng lão để được gặp gỡ, giao lưu với những người cao tuổi khác cũng như nhận được sự chăm sóc ý tế chu đáo.
Phải khẳng định, mô hình viện dưỡng lão là một giải pháp, xu hướng tất yếu của xã hội. Hiện nay, ngày càng có nhiều mô hình viện dưỡng lão có hình thức bán trú sáng đến, chiều về hoặc chăm sóc dài hạn tuỳ theo nhu cầu và điều kiện của từng gia đình. Tuy nhiên, việc đưa cha mẹ đến viện dưỡng lão hay không cần gắn với trách nhiệm của con cái. Việc khéo léo trao đổi, thống nhất giữa hai bên để tránh trường hợp cha mẹ nghĩ rằng bị con cái bỏ rơi.
Nếu cha mẹ ở viện dưỡng lão dài hạn thì con cái cần thường xuyên thăm nom, trò chuyện để cha mẹ không cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Cần nhớ rằng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão không đồng nghĩa với việc đẩy trách nhiệm cho xã hội.
‘Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng làm thế nào phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình mình và nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ mới là quan trọng. Suy cho cùng mọi sự lựa chọn nào cũng đều có hai mặt của nó, không có đúng sai hoàn toàn. Vì vậy, dù chăm sóc cha mẹ tại nhà hay đưa cha mẹ đến viện dưỡng lão thì cái tâm, cái hiếu của người con vẫn là điều quan trọng và giá trị nhất.