Người xưa vẫn nói: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, tức muốn nói, bà ngoại gắn bó với cháu ít hơn so với bà nội. Bà ngoại thầm lặng hy sinh tất cả những gì có thể. Để rồi, sau này lại phải chia xa.

Dẫu con gái đi lấy chồng, mẹ vẫn không thôi hướng lòng về con

Phụ nữ, khổ nhất là khi mang thai. Khoảnh khắc khi tôi sắp đón đứa con đầu lòng chào đời, mẹ tất tả lặn lội hơn 500km lên thăm, hạnh phúc nói: “Vậy là mẹ sắp có cháu ẵm rồi”. Nghe xong, tôi nghẹn lại. Xưa kia tôi có một anh trai, nhưng 3 năm trước đã qua đời vì tai nạn giao thông, mà không kịp để lại cho mẹ một giọt máu nào. Đáng ra, về già mệt phải có con đàn cháu đống. Cũng vì con cái bất hiếu, không biết giữ gìn, nên mới hại mẹ rơi vào cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Những ngày mang nặng, tuần nào mẹ cũng gửi đồ lên. Nào là thịt cá, rau cỏ rồi hoa quả. Tối nào mẹ cũng gọi điện dặn dò đủ thứ: tránh ăn cái này, cái kia ăn mới tốt,… Tôi mang bầu, ngày đêm lo lắng, nhưng mẹ còn lo lắng hơn gấp trăm lần.

chau ba noi 2Có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ

Khoảnh khắc tôi sinh con, đau đến chết đi sống lại. Lúc đấy, tôi mới thấm thía thật sự câu mẹ từng dặn tôi trước khi về nhà chồng: Có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ. Đêm ấy, ngoài chồng, mẹ chồng, mẹ cũng ở bên tôi suốt đêm. Đứa nhỏ chào đời, tôi như trút đi gánh nặng. Mẹ ẵm cháu trong lòng, mỉm cười hạnh phúc: “Cháu bà có khác, nhìn cái mũi tẹt này, làm sao lẫn vào đâu được”.

Mẹ cùng tôi ở bệnh viện mấy ngày. Đến khi tôi xuất viện, về nhà nội, mẹ cũng đi theo. Mẹ ở đây nửa tháng, chăm con chăm cháu, đỡ đần vất vả cho mẹ chồng. Nhiều đêm, mẹ thức trắng ẵm cháu ầu ơ. Tôi thức dậy mà xót lòng. Mẹ thầm lặng gắng sức để tôi không phải bận tâm, cũng vì thương bà thông gia đã vất vả cả ngày, mong có thể đỡ đần được phần nào.Tôi bảo mẹ nghỉ đi, để tôi chăm. Mẹ gàn lại:

“Mẹ chăm cho được ngày nào hay ngày đấy. Thôi ngủ đi còn lấy sức, sau này vất vả nhiều”. Tôi đành ngoan ngoãn lên giường nằm mà nước mắt ướt đầy gối. Mẹ nuôi con đã vất vả vô cùng. Mà giờ lại vì cháu, mà hao tâm tổn sức. Lặn lội xa xôi, thức trắng thâu đêm, nhọc nhằn vô cùng. Để rồi gắn bó không được bao lâu, lại phải xa con, xa cháu.

Cháu bà nội, tội bà ngoại

Người xưa vẫn nói: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, tức muốn nói, bà ngoại gắn bó với cháu ít hơn so với bà nội. Cháu ra đời, bà sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, không quản ngại khó khăn để chăm con, bẵm cháu. Dù vất vả thế nào, mệt nhọc ra sao, bà cũng không nề hà. Thầm lặng hy sinh tất cả những gì có thể. Để rồi, sau này lại phải chia xa.

“Con gái mình đẻ ra, nuôi lớn từng đấy, đi lấy chồng rồi thì là con của người ta. Cháu cũng là cháu của người ta. Nên con cháu phải ở nhà người ta chứ sao ở nhà mình mãi được. Buồn thì buồn, nhưng chỉ cần con từng ngày hạnh phúc là mẹ đã vui”. Có lẽ, tất cả người mẹ nào có con gái cũng đều tâm niệm như vậy. Để rồi khi nhìn lên bầu trời, lại chắp tay nguyện cầu thần phật phù hộ con cháu bình an.