1. Biết sử dụng câu “Vui lòng”, “Cảm ơn” và “Xin lỗi” đúng cách
Người Việt vẫn có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Vì vậy mà những lời nói tưởng chừng đơn giản như: “Vui lòng”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi” lại có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc giao tiếp hàng ngày.
Khi muốn nhờ vả người khác điều gì đó, trẻ cần phải biết cách nói “Vui lòng”, khi đã được giúp đỡ xong thì câu “Cảm ơn” là tuyệt đối không thể quên.
Và đặc biệt, lúc trẻ làm sai thì phải bày tỏ sự ăn năn hối lỗi bằng từ “Xin lỗi”.
Vì những câu nói này khá đơn giản nhưng đây chính là một trong những cách cơ bản nhất để thể hiện sự tôn trọng người khác. Bố mẹ không nên xem nhẹ và bỏ qua trong “cẩm nang” dạy con cái.
2. Không chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào mặt người đối diện
Nên dạy cho con cách tôn trọng người khác mà đặc biệt là người lớn tuổi hơn bằng cách không chỉ tay vào người khác hay nhìn chằm chằm vào họ. Điều này sẽ khiến cho họ có cảm giác rất khó chịu.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ còn chưa có nhận thức và suy nghĩ về việc này nên rất khó để thực hiện tốt việc này. Bố mẹ cần chỉ dạy cho con trẻ, đến khi lớn con sẽ hiểu được cảm giác và ắt sẽ không làm hành động khó coi này.
3. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
Đây cũng là một hành động thể hiện phép lịch sự nhưng lại rất ít bố mẹ để ý và nhắc nhở con cái.
Khi ho hoặc hắt hơi, sẽ có rất nhiều vi khuẩn theo đó bay ra, điều này gây không ít khó chịu cho những người xung quanh, đặc biệt là nơi đông người. Vì thế, hãy nhắc nhở, chỉnh sửa cho con để con thực hiện hành động này nhé!
4. Không cắt ngang khi người khác đang nói
“Người nói phải có kẻ nghe” nên việc cắt ngang khi người khác đang nói chuyện là một hành động vô cùng bất lịch sự.
Hơn nữa, nếu trẻ con mà hình thành thói quen này, chen ngang vào khi người lớn đang nói chuyện thì rất “Hỗn”. Có thể họ sẽ dựa vào đó để đánh giá cách dạy con của bố mẹ. Nên bố mẹ hãy nhắc con không được cắt ngang khi người khác đang nói, dù đó là người lớn hay bạn bè.
Nếu trong trường hợp buộc phải cắt ngang thì thay vì hét lớn để gây sự chú ý của người khác thì hãy chỉ cho trẻ cách xin phép được có ý kiến hoặc cắt lời nhé.
5. Dọn dẹp sau khi ăn xong
Người Việt thường cho rằng ai ăn sau thì đó sẽ là người dọn rửa.
Tuy nhiên nếu như khi trẻ ăn xong mà vẫn còn những người khác trong gia đình đang ăn hoặc chưa ăn thì trẻ cần phải biết tự thu dọn và sắp xếp bát đũa của mình.
Hãy tạo thói quen cho con trẻ, nếu như không làm được những việc nặng nhọc thì có thể nhắc con mang chiếc thìa, bát của con ra nơi dọn rửa sau bữa ăn.
6. Trả lời điện thoại đúng cách
Ngày nay, điện thoại là một vật vô cùng phổ biến với mọi gia đình và mọi người. Khi bố mẹ đang dở tay hoặc không ở nhà thì việc trẻ phải nghe điện thoại là điều khó tránh khỏi. Vì thế, hãy dạy cho con cách trả lời điện thoại sao cho lịch sự nhé.
Đối phương thường sẽ là những người lớn tuổi hơn nên câu đầu tiên mà trẻ cần phải nói sẽ là “Alo ạ”, khi biết trước người gọi là ai thì trẻ có thể nói luôn: “Cháu chào…. ạ”, “Bố/mẹ cháu đang bận, … có cần nhắn gì không ạ”,…
Đây đều là những câu nói khá đơn giản, dễ nhớ và dễ thực hiện kể cả khi trẻ còn rất nhỏ.
7. Tự giới thiệu bản thân đúng cách
Không chỉ sau này, khi đã lớn thì trẻ mới cần biết cách tự giới thiệu bản thân mà đây là điều trẻ cần biết dù còn nhỏ. Cho trẻ học cách giới thiệu bản thân để trẻ mạnh dạn hơn khi giao tiếp. Cũng là để phòng trường hợp con bạn bị lạc ở đâu đó.
8. Không bình phẩm, chê bai về ngoại hình của người khác
Trời sinh ra mỗi người một vẻ bề ngoài khác nhau và không phải ai may mắn để có được diện mạo xinh xắn, ưa nhìn.
Nhưng không phải vì thế mà người ta có quyền chê bai hay miệt thị ngoại hình của những người không được dễ coi.
Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, bạn nên dạy cho trẻ thói quen không bao giờ bình phẩm, chê bai về ngoại hình của người khác để sau này chúng không “kém duyên” như thế.
9. Luôn gõ cửa hoặc hỏi ý kiến trước khi vào phòng
Ai cũng cần một khoảng không gian riêng tư và được người khác tôn trọng điều đó, kể cả trẻ nhỏ. Bạn không nên lấy lí do là vì con còn nhỏ nên có thể bỏ qua, hãy nhắc nhở con trẻ để chúng hình thành thói quen này. Bất kể là ở trong nhà hay khi đi đâu, trẻ cũng cần phải gõ cửa hoặc hỏi ý kiến trước khi muốn vào phòng người khác để giữ phép lịch sự.
10. Không chóp chép hoặc mở miệng khi nhai thức ăn
Giống như nhiều phép lịch sự khác, nhiều bố mẹ thường mặc định là trẻ con thì không cần để tâm những điều này. Thế nhưng mở miệng hoặc chóp chép khi nhai thức ăn lại là một hành động khiến những người ngồi ăn cùng cảm thấy khó chịu.
Trên đây là 10 thói quen giữ phép lịch sự mà bạn nên áp dụng để dạy con của mình khi chúng còn nhỏ. Nếu thấy hữu ích hãy chia sẻ để cho các bậc làm cha mẹ cùng biết nhé.