Có lẽ trong cuộc đời này, hiếu thảo là câu chuyện mà chúng ta có nói bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng không đủ và không hết. Nhưng riêng với trường hợp của người con trai đút cháo cho mẹ già dưới đây, lại đầy chua xót.
Bà Nguyễn Thị Út (78 tuổi, xóm Bắc Tân Dân, xã Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) mắc bệnh hiểm nghèo, đã phải nằm liệt giường suốt 2 năm qua.
Mặc dù người thân đã bán hết tài sản có giá trị trong nhà và chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi để đưa bà vào bệnh viện ở tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu, điều trị, sau đó chuyển tiếp ra bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội, nhưng vẫn không khỏi bệnh. Các bác sĩ kết luận bà Út bị bệnh lao phổi, lao xương, nhiễm trùng máu nặng…
Trước đó, chồng bà vì di chứng chất độc da cam nên cũng ra đi từ sớm, để lại bà với người con trai tật nguyền cùng thứ chất độc chiến trường năm xưa.
Lại nói, anh Nguyễn Chỉ Tuấn, con trai bà, suốt 37 năm gắn với chiếc xe lăn, tay chân anh cong queo nên chăm sóc chính bản thân còn khó. Nhưng từ ngày mẹ mắc bệnh, các chị đi lấy chồng xa, anh làm trụ cột gia đình, lo lắng, chăm sóc cho mẹ từng li từng tí.
Vì tay chân khó cử động, người con trai đút cháo cho mẹ già phải cầm bát trong tư thế gắng gượng, đầu dựa vào cột cho có trụ mới đưa được cơm vào miệng của mẹ mình. Những ngày đầu khó khăn, anh vừa cố đút cháo cho mẹ vừa khóc…
Anh Tuấn nói: “Phải dựa đầu vào cột nhà thì đút cơm cho mẹ mới dễ, lần nào cũng thế. Mỗi lần đút cũng nhọc nhưng phải chăm mẹ chứ các chị đi lấy chồng xa cũng khó khăn, cắm cơm tự cắm được, còn thức ăn thì nhờ hàng xóm mua hộ rồi về tự mình nấu cho mẹ ăn”.
Nhìn con trai vất vả vì mình, bà Út giàn giụa dòng nước mắt: “Sao ông trời lại nỡ đày đọa con tôi đến thế, sao không để cho tôi khỏe mạnh chăm con mà lại bắt đứa con tật nguyền gánh thêm cả phần chăm mẹ. Thương con lắm nhưng biết làm sao? Nhiều lần tôi định tự “giải quyết” để đỡ khổ cho con nhưng nhìn thằng Tuấn như thế tôi không thể làm được”.
Cũng theo chính quyền địa phương xác nhận, gia cảnh thương tâm của mẹ con anh Tuấn Anh Tuấn được nhận chế độ dành cho người bị chất độc da cam là 1,5 triệu đồng/tháng.
Còn bà Út mới đây xã cũng vừa lập hồ sơ xét duyệt để nhận chế độ bảo trợ xã hội 405.000/tháng. Mỗi tháng, anh dùng số tiền trợ cấp được hơn 1 triệu đồng nhờ bà con hàng xóm mua đồ ăn, thức uống tích trữ trong nhà.
Cư thế, trong gia cảnh ngôi nhà cấp 4 dột nát, không có lấy một thứ gì giá trị ngoài chiếc bếp đặt giữa nhà, hai mẹ con bà Út chỉ mơ ngày ngày có cơm ăn, đủ no chứ chẳng dám ước mộng cao sang.
Có lẽ, tận cùng của bi đát của cuộc đời, chính là nghèo khó gặp bệnh tật, còn riêng với bà Út thì quả thật quá trớ trêu, cả đời tần tảo hiền lương nhưng chồng qua đời trước, bản thân bị bệnh nặng, con cái lại tật nguyền. Nhưng ‘may mắn’ làm sao, trong cuộc chiến với số phận, bà vẫn có người con trai hiếu thảo ở bên.
Kiên trì, nhẫn nại, tận tình chăm sóc, đó mới là tấm lòng báo hiếu thật sự của người con. Chứ không phải lâu lâu về đút cơm cho mẹ cha, chụp vài ba tấm hình rồi khoe lên mạng. Thế nên, càng ngẫm lại càng xót, càng thương cho hoàn cảnh của người con trai tật nguyền đút cháo cho mẹ già.
Anh Tuấn dẫu không lành lặn về chân tay, nhưng lại minh mẫn và tỉnh táo về đầu óc. Anh cao thượng hơn cả những kẻ ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng chỉ biết quăng tiền vào mặt đấng sinh thành. Nhìn anh oằn mình đút cháo cho mẹ già mà rưng rưng nước mắt.
Xưa mẹ cha đã không bỏ anh vì anh ‘khác biệt’ thì nay anh cũng không bỏ mẹ già dù cực khổ gấp trăm. Hóa ra, tình cảm gia đình khiến chúng ta dù có yếu đuối và mệt mỏi cỡ nào cũng trở nên mạnh mẽ, phi thường gấp bội.
Sau cùng, chỉ mong xã hội hãy nhìn một nhìn tấm gương của người con trai tật nguyền chăm mẹ già liệt giường mà tự thấy hổ thẹn. Nên nhớ, không ai có quyền được chọn cách mình sinh ra nhưng sống như thế nào để người ta nể trọng, yêu quý lại là do chúng ta quyết định.
Nguồn tham khảo: DacamVietNam/ Sài Gòn Giải hóng