Tôi lấy chồng được 7 năm, con gái tôi hiện đang 3 tuổi. Những ngày đầu về làm dâu, chồng tôi là bộ đội đóng quân ở xa, kinh tế hạn hẹp nên tôi phải sống chung với mẹ chồng. Lúc đầu, tôi được bà yêu thương quý mến lắm. Nhưng cưới về 4 năm trời tôi mới sinh được cháu nên bị ghét bỏ từ đó.

Tôi biết lỗi là do tôi, nhưng cả nhà chồng lẽ ra không nên đối xử với tôi tệ bạc như vậy. Chồng tôi công tác ở xa, cả năm anh mới được về 2 lần. Những ngày nghỉ phép có mặt chồng ở nhà, mẹ chồng luôn “mẹ – con” ngọt xớt với tôi, khiến cho chồng hiểu rằng: Mẹ anh luôn tốt và coi tôi như con gái. Anh còn bảo thấy mẹ như vậy anh cũng yên tâm.

Nhưng, sự thật thì suốt 3 năm trời sống chung với mẹ chồng, không ngày nào tôi không được nghe những lời lăng mạ, mắng nhiếc từ bà. Chưa hết, chị dâu và em gái chồng cũng về hùa cười nhạo tôi vì tội “không biết đẻ”.

Trong thời gian ấy, làm được bao nhiêu tiền tôi dồn hết để chữa bệnh với hi vọng có được mụn con. Thậm chí, bố mẹ vì thương tôi nên cũng bán 2 mảnh đất ở quê cho tôi chữa trị đến cùng. Nghe ở đâu có ông lang giỏi là tôi cũng lặn lội đến đó.

Tốn kém, áp lực, đau đớn cả về tinh thần và thể xác, cuối cùng tôi bị mắc chứng trầm cảm thể nhẹ. Tôi bị ám ảnh bởi thân hình cao lớn của mẹ chồng. Chỉ cần nghe thấy giọng nói của bà cũng khiến tôi giật mình. Sau đó, bố mẹ tôi phải đến tận nhà chồng xin phép đưa tôi về nhà chăm sóc một thời gian. Như bỏ được “cái gai trong mắt”, mẹ chồng tôi sẵng giọng bảo: “Tốt quá, đưa đi luôn đừng về cũng được”.

Được mẹ chăm sóc, sau 6 tháng thì tôi bình tâm trở lại. May mắn hơn nữa là cùng thời điểm đó tôi có thai. Nhà tôi ai cũng vui mừng, chồng tôi biết tin cũng mua vé máy bay từ Bình Dương trở về trong đêm. Tôi cứ tưởng cuộc sống của mình từ đây hết khổ đau rồi, chỉ cần có con tôi sẽ có tất cả.

Thế nhưng, ngày tôi sinh con là một bé gái nặng 3,6kg. Mẹ chồng bĩu môi, nguýt tôi một cái thật dài: “Chả làm gì nên hồn, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, tưởng thế nào…”.

Sau câu nói của mẹ chồng tôi chỉ biết quay mặt vào tường khóc dấm dứt. Đón tôi ở bệnh viện về, ngay chiều hôm đó chồng phải trở lại đơn vị. Tôi khóc hỏi anh: “Có khi nào anh xin chuyển công tác về ngoài này được không?”.

Chồng tôi cười nhẹ: “Nếu được anh cũng cố xin rồi, nhưng giờ đang cắt giảm nhiều lắm, anh chưa dám lên tiếng gì, mất việc như chơi”.

Vậy là thêm 3 năm nữa tôi phải sống chung với mẹ chồng. Bà vẫn coi mẹ con tôi như cái gai trong mắt. Đứa con mà tôi mong ngóng bao ngày mới có được cũng chẳng có ý nghĩa gì với bà. Con tôi làm gì cũng bị bà quát mắng, thật sự thì bà chưa bao giờ yêu thương con tôi – máu mủ nhà bà.

Đó là điều khiến tôi trăn trở, đau khổ vô cùng khi phát hiện mình bị ung thư máu giai đoạn cuối. Nghe tin từ bác sĩ mà như sét đánh ngang tai, tôi ngã gục luôn tại chỗ. Tôi gào khóc trách ông trời sao bất công với tôi đến vậy.

Chồng tôi nghe tin, anh lại đặt vé về gấp, nhưng lần này là về để sống cùng tôi những ngày cuối cùng. Biết tin tôi sắp chết, mẹ chồng ra vẻ phấn khởi lắm, bà còn bảo: “Cứ yên tâm nhắm mắt, mẹ bảo thằng Khải mua cho cái quan tài thật đẹp”.

Chua xót, tôi chỉ biết khóc. Những ngày cuối cuộc đời, chồng chăm sóc tôi y như một đứa trẻ lên 3. Nhưng giờ suy nghĩ của tôi chỉ dồn vào con gái, nó chưa biết gì, cũng chẳng biết sắp tới sẽ không còn mẹ nữa.

Biết sức khỏe mình đến đâu. Khi chỉ có chồng bên cạnh, tôi kéo tay anh cố nói: “Con gái không được bà nội thương, em mất rồi anh phải yêu thương con. Nếu không thể ở nhà thì anh mang con về ngoại rồi đi công tác. Và nhớ, nếu có tái hôn thì anh đợi con vào lớp 1, lúc ấy con có thể tự ăn, tự tắm giặt, tự học được rồi, sẽ không phiền đến mẹ kế. Được không anh?”.

Chồng tôi khóc, anh gạt nước mắt trách tôi: “Em lo xa quá, em phải sống cùng bố con anh chứ”.

Không phải tôi lo xa, vì có thể đêm nay, ngày mai hoặc ngày kia là tôi sẽ không còn sống được nữa…

Theo Webtretho

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ