Câu chuyện kể về Tiểu Mạn (Giang Tô, TQ), gần đây em phải vào viện điều trị do mắc chứng cận thị cực nặng. Theo cha mẹ của Tiểu Mạn, họ thấy con gái có thói quen nheo mắt khi nhìn một thứ gì đó, bé cũng thường xuyên dụi mắt, chớp mắt, hơn nữa tình trạng này đã kéo cả năm nay nên họ mới quyết định đưa em đi khám.
Sau khi đo đạc, kiểm tra thì bác sỹ kết luận em bị cận thị, đặc biệt là cả hai mắt cận tới 900 độ khiến tất cả mọi người đều phải “sốc”. Bác sỹ còn nói thêm, nguyên nhân khiến bé cận nặng thế này là do cha mẹ đã quá cưng chiều, cho bé xem điện thoại nhiều giờ liên tiếp tạo thành một thói quen xấu, gây ảnh hưởng tới mắt của bé.
Cha mẹ Tiểu Mạn nghe xong thì “đứng người”, họ chia sẻ rằng mình đã cho Tiểu Mạn xem điện thoại từ khi bé mới 1 tuổi. Bởi mỗi khi đến giờ ăn bé đều quấy khóc, chỉ khi cho xem hoạt hình trên điện thoại di động thì Tiểu Mạn ngưng khóc, nằm im, rất ngoan.
Bác sỹ nói thêm, do thời gian xem điện thoại quá dài đẫ khiến mắt Tiểu Mạn bị tổn thương nghiêm trọng, nhất là khi đạt tới mức cực độ như này thì không thể cải thiện được, chỉ số vẫn sẽ tăng lên thêm mỗi ngày. Ngoài ra, theo thống kê của bệnh viện, họ đã tiếp nhận 15.000 trẻ em từ 3 -6 tuổi bị các vấn đề về mắt như cận thị, loạn thị, nhược thị, lác…, đây thực sự là một con số báo động, đáng lo ngại.
Nguyên nhân và hệ luỵ của tật cận thị ở trẻ em
Ngoài xem các thiết bị điện tử nhiều thì còn một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị cận thị:
– Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ, đặc biệt là từ 7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi sẽ dễ gây ra cận thị.
– Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ (dưới 2,5kg) thì khi lớn đến tuổi thiếu niên dễ bị cận thị.
– Trẻ sinh thiếu tháng (từ 2 tuần trở lên) dễ bị cận thị từ khi học vỡ lòng
– Trẻ ngồi xem tivi quá gần, khoảng cách từ mắt tới màn hình nhỏ hơn 3m sẽ làm thị lực suy giảm nhiều.
– Trẻ ngồi học, đọc sách báo mà cúi gằm mặt xuống bàn, tư thế không ngay ngắn, đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu… cũng rất dễ bị cận thị…
Bị cận thị mà không đeo kính thì rất dễ bị tăng số. Đồng thời nếu không điều trị, cải thiện tình trạng mắt thì dễ gây biến chứng như xuất huyết võng mạc, giãn lồi, thoái hoá, teo hắc võng mạc, nhược thị… nguy hiểm nhất là gây mù loà.
Phòng tránh cận thị học đường
– Hầu hết trẻ bị các bệnh về mắt đều liên quan tới việc tiếp xúc, sử dụng tivi, điện thoại, máy tính… quá nhiều. Theo đó, bác sỹ khuyên cha mẹ cần phải cẩn trọng, tuyệt đối không cho trẻ em dưới 3 tuổi tiếp xúc vào các sản phẩm điện tử.
– Đối với trẻ em từ 3 – 6 tuổi, không sử dụng thiết bị điện tử quá 30 phút mỗi ngày. Tốt hơn hết, nên để con hoạt động nhiều hơn ở ngoài trời, vừa rèn luyện sức khỏe lại nâng cao khả năng thích nghi môi trường, giao tiếp, hành xử… của trẻ.
– Khi ngồi học, đọc sách truyện cần phải đảm bảo tư thế, lưng thẳng, đầu cúi nhẹ. Giờ ra chơi phải để cho mắt nghỉ, giải lao 5 – 10 phút. Không đọc sách báo trong bóng tối.
– Bố mẹ tăng cường cho con ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, sắt, canxi từ trứng, sữa, cá, các loại trái cây…
– Nếu thấy trẻ có hiện tượng nheo mắt, nhức mắt, chảy nước mắt…. thì nhanh chóng đưa trẻ tới đến cơ sở y tế để khám và điều trị, đeo kính theo chỉ định của bác sỹ.
– Trẻ bị cận thì đeo kính là biện pháp an toàn nhất, tuy nhiên không nên cho trẻ đeo kính áp tròng vì khó thích nghi, có nguy cơ nhiễm trùng cao. Khi trẻ qua 18 tuổi thì có thể tiến hành phẫu thuật mắt.
Theo Webtretho