Nhắc tới Tín Thái, giới mộ điệu thường sẽ nhớ ngay tới từ khoá “quốc phục” hay “thủ khoa đại học Hoa Sen” năm 2018. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, công chúng yêu mến các cuộc thi sắc đẹp thường dùng danh xưng khác để nhắc đến Tín Thái đó là “Ông Hoàng trang phục dân tộc” hay “bàn tay phù thủy”, bởi anh chính là cha đẻ của nhiều bộ quốc phục, giúp các đại diện Việt Nam như Kiều Loan, Thùy Tiên, Lệ Hằng, Ngọc Thảo… chinh chiến tại đấu trường sắc đẹp thế giới.

Tính đến nay, Tín Thái đã có 5 năm “nên duyên” với trang phục dân tộc thi quốc tế qua các mẫu thiết kế như Nàng mây (Á hậu Lệ Hằng thi Miss Universe 2016), Tiên Dung (Á hậu Thùy Dung thi Miss International 2017), Huyền đăng hội (Á hậu Kiều Loan thi Miss Grand International 2019), Lá ngọc cành vàng (Á hậu Ngọc Thảo thi Miss Grand International 2020) và gần đây nhất là Blue Angel (Miss Grand International 2021)… người hâm mộ hầu hết đều tò mò về danh tính cha đẻ của những tuyệt tác đã làm nên dấu ấn Việt Nam trên các đấu trường quốc tế. 

Được biết, Thái Trung Tín (thường gọi Tín Thái), anh là cựu sinh viên chuyên ngành Thiết kế thời trang của trường Đại học Hoa Sen. Không chỉ gây ấn tượng với những mẫu thiết kế mang đậm phong cách cá nhân, Tín Thái cũng chính là người thiết kế và thực hiện những bộ trang phục dân tộc vừa hoành tráng về quy mô, vừa sâu sắc về ý nghĩa. Theo đó, tên tuổi của anh chàng tân binh này dần được biết đến rộng rãi qua cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2016.

Khi còn ngồi ở ghế giảng đường, Tín Thái đã đạt được thành tích vô cùng ấn tượng. Được biết, Nàng Mây chính là “bước đà” quan trọng trong sự nghiệp thiết kế của Tín Thái. Những năm sau đó, anh chàng 9x tài năng tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện nhiều bộ trang phục dân tộc khác cho đại diện Việt Nam khi đi thi quốc tế. 

Ngoài đời, Tín Thái là một người vui vẻ và hết sức hòa đồng. Anh chàng theo đuổi phong cách thời trang phi giới tính, hội tụ đủ sự mềm mại và thanh lịch của cả hai giới. Tín Thái gây ấn tượng với mái tóc bồng bềnh cùng thân hình “mình hạc xương mai”.

Là một người có tư duy thời trang tinh tế, Tín Thái luôn xuất hiện trong những bộ trang phục thời thượng có phong cách mix & match thông minh, làm tôn thêm nét đẹp phi giới tính của anh chàng. Không những vậy, chàng trai này còn là người rất cầu toàn, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Để đảm bảo sự hoàn thiện của từng mẫu thiết kế, Tín Thái luôn cố gắng tự tay làm mọi thứ trong khả năng để cho ra sản phẩm đúng với bản vẽ ban đầu và phù hợp với tinh thần mình muốn truyền tải. Điều này đã giúp mỗi bộ trang phục của anh tạo được ấn tượng sâu sắc về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Khác với những hình ảnh quen thuộc mỗi khi nhắc tới những bộ váy áo truyền thống, khán giả sẽ luôn gợi nhớ tới áo dài, áo tứ thân… sáng tạo lắm thì cũng chỉ là hình ảnh mẹ Âu Cơ với những hoạ tiết trống đồng, áo mão cồng kềnh. Tuy nhiên, “Nàng Mây” đã vượt ra khỏi “cái bóng” của lối nghĩ cũ kỹ ấy, mang đến hình tượng rất độc đáo, táo bạo nhưng vẫn có nhiều nét văn hoá rất Việt Nam ẩn chứa sau đấy.

Tác phẩm nổi bật tiếp theo phải kể đến như Tiên Dung mà Á hậu Thùy Dung mặc tại Miss International 2017, NTK chia sẻ: Tiên Dung được ra đời dựa trên hình ảnh con cò, loài vật gắn liền với người Việt từ thuở ấu thơ, qua lời ru rất đỗi quen thuộc… Bên cạnh ý nghĩa nhân văn của bộ trang phục, thì khâu chuẩn bị cho thiết kế này cũng vô cùng tỉ mĩ và đòi hỏi kỹ thuật cao. Được chế tác bằng kim loại, tạo hình, gò hàn tỉ mỉ, từng chi tiết đều được khắc đục bằng tay, mô phỏng gần nhất với hình ảnh cây tre Việt Nam.

Với Huyền Đăng Hội- bộ xiêm y giúp Á hậu Kiều Loan tỏa sáng tại Miss Grand International 2019 được đánh giá là một trang phục ấn tượng không kém. Được biết, ê-kíp của NTK Tín Thái đã mất hơn 2 tuần ròng rã để thực hiện bộ trang phục. “Huyền Đăng Hội” được đính kết bằng pha lê tạo hiệu ứng bắt sáng, cùng các chi tiết như mấn và cầu vai được xi mạ ánh vàng. Điểm đặc biệt của tác phẩm này chính là hơn 2000 bóng đèn led được đính vào thân áo, nhằm tái dựng hình ảnh Hội An về đêm sống động, lung linh, huyền ảo.

Không chỉ nổi bật về các họa tiết danh lam, thắng cảnh của Hội An được thêu tay tỉ mỉ và sắc nét, mà tổng thể bộ trang phục còn mang nét phá cách đặc biệt với phần thân trên bộ cánh là hình ảnh mạnh mẽ thì form dáng phần dưới lại mềm mại và tinh tế gấp bội. Phần thân váy áo được kết hạt đá và xi mạ ánh vàng thành tua rua tạo hiệu ứng ánh sáng. Tà áo như một đại cảnh hoa đăng về đêm với sự lấp lánh và huyền ảo bởi hiệu ứng đèn. 

Lá Ngọc Cành Vàng ra đời dựa trên ý nghĩa cái tên của nàng á Hậu Ngọc Thảo. “Lá ngọc cành vàng” cũng là biểu tượng cho cuộc sống vương giả của các gia đình hoàng tộc thời Nguyễn. Khác với các mẫu trang phục truyền thống thường thấy, Lá Ngọc Cành Vàng được thiết kế theo dạng body suit làm tôn dáng người mặc. Bộ trang phục này được đính kết tỉ mỉ với hàng trăm mảnh gương phản chiếu, góp phần tạo nên ánh sáng độc đáo. Điểm nhấn của bản vẽ này ở phần cánh được cách điệu thành dáng cây bonsai.

Và với Blue Angel – bộ trang phục dân tộc được Thùy Tiên mang đến Miss Grand International 2021 được đánh giá là thiết kế ấn tượng và đầy sáng tạo của nhà thiết kể trẻ này. Chia sẻ về trang phục cho Thùy Tiên thi Miss Grand International 2021, Tín Thái nói: “Tín sáng tạo mẫu thiết kế Thiên thần trên chiếc áo dài lấy cảm hứng từ màu xanh chiếc áo bảo hộ chống COVID, đôi găng tay boxing “đo ván” virus, cùng đôi cánh thiên thần và cặp rắn vàng quấn quanh ống tiêm tượng trưng biểu tượng ngành y. Thông qua trang phục này như gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên đoàn kết và đồng lòng bảo vệ sức khỏe người dân trong suốt thời gian vừa qua”. So với bản thiết kế gốc, nàng hậu trông có phần mềm mại hơn khi mặc trang phục dân tộc Blue Angel. 

Tác phẩm “Kén em” – Tác phẩm mang dấu ấn của 2 NTK Khoa Lỗ và Tín Thái, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Top 2 thiết kế trang phục dân tộc bắt tay nhau cùng thực hiện một bộ trang phục duy nhất

Sau mỗi tác phẩm, với Tín Thái nguồn sáng tạo trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ sở thích, quê hương đến ý nghĩa tên người mặc. “Mẫu số chung của sự sáng tạo là “cân bằng”. Sáng tạo dựa trên câu chuyện và tinh thần dân tộc như nấu một món ăn ngon cần “cân bằng” mọi gia vị. Mới trong cũ và cũ trong cái mới… Hơn hết, thiết kế chuyên chở câu chuyện dân tộc qua kỹ thuật hiện đại” – Tín Thái chia sẻ. Tín Thái là một NTK tài năng khi liên tiếp gắn tên mình với nhiều cuộc thi sắc đẹp thế giới, anh chàng 9X với công việc hậu trường thầm lặng nhưng vẫn sống hết mình với niềm đam mê thời trang.

Tổng hợp : Webtretho 

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ