Với chị Thảo, mỗi một lần sinh nở, chăm con thơ đều là 1 câu chuyện dài và chứa đựng không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt nhọc nhằn, khổ cực của người phụ nữ.
Chị Lê Thị Thanh Thảo 33 tuổi ở Long An, Đồng Nai mới sinh bé thứ 2 được 17 ngày. Vì là sinh lần 2, chị cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên chị chia sẻ, những ngày chăm con ở cữ thực sự chưa bao giờ vơi vất vả, thậm chí còn bị stress nặng. Với chị Thảo, mỗi một lần sinh nở, chăm con thơ đều là 1 câu chuyện dài chứa đựng không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt nhọc nhằn, khổ cực của người phụ nữ.
Sinh lần đầu thức trắng đêm chăm con 3 tháng trong viện
Chị Thảo mang thai lần đầu rất suôn sẻ và đẻ mổ mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên con chị hay trớ. Chị kể, do bản thân lần đầu làm mẹ chưa có kinh nghiệm nên cứ thấy con khóc lại cho bú thành thử em bé càng trớ nhiều khiến chị căng thẳng, áp lực vô cùng.
“Giấc ngủ của con khi ấy khá ngắn, cả ngày mình chỉ quanh quẩn với việc cho bú, thay tã, cho con ngủ, chẳng có thời gian chăm bản thân. Có những ngày mình chỉ được ngủ vỏn vẹn 2 tiếng”.
“Con được 4 tháng thì sốt, ói nhiều, gia đình vội đưa đi viện. Ban đầu bác sĩ khám nói bé sốt siêu vi bình thường nhưng bé sốt liên tục và sốt cao nên vợ chồng quyết định chuyển con lên bệnh viện Nhi đồng 1 – Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tiêu hoá, nằm 1 ngày thì tình trạng sốt và nôn ói của bé không giảm, lại có biểu hiện khó thở, bé yếu dần. Ngay hôm sau bác yêu cầu đưa bé đi siêu âm, khi bỏ thở oxi ra bé tím tái.
Làm xét nghiệm lấy tuỷ sống mới phát hiện bé bị viêm màng não và cấp cứu luôn. Ngay sau đó con phải thở bằng máy trong 20 ngày, ăn bằng sợi dây đưa vào mũi. Cũng từ đấy mình mất sữa”, chị Thảo nhớ lại những ngày đầu làm mẹ đầy gian nan.
Bà mẹ trẻ này tâm sự, những ngày ấy chị gần như không ăn không ngủ để lo cho con. Có những khi chị gần như ngã khuỵu, nhìn con trai bé bỏng yếu ớt nằm trên giường bệnh, trái tim người mẹ đau thắt, nhịp thở cũng nghẽn lại. May mắn con chị dần bình phục. Có điều khi được ra ngoài, bé rất yếu nhìn không khác gì bé sơ sinh, phải tập giữ cứng cổ, tập lật. Đây cũng là chặng đường đầy gian nan thử thách tiếp theo mà chị phải cùng con vượt qua.
“Hai mẹ con ở viện gần 3 tháng mới được về. Khi ấy trong lòng mình chỉ có 1 quyết tâm là bằng mọi cách chữa cho con hồi phục sức khỏe. Nhìn chung cũng gian nan nhưng vì con, mình nỗ lực cố gắng quên cả bản thân”, người mẹ trẻ kể.
Chị Thảo cho hay, con trai về nhà gần 1 tuổi vẫn cứ bò trườn chưa biết đi, chậm nói khiến ông bà nội ngoại 2 bên sang thăm cháu thương quá toàn khóc. Riêng chị lại chẳng dám để nước mắt rơi bởi chị hiểu phải nghị lực hơn nữa, cứng rắn hơn nữa mới có thể chăm sóc và làm điểm tựa cho con mau khỏe. May mắn qua 3 tuổi con trai chị bắt đầu bớt bệnh vặt, chủ yếu còn lại là viêm phổi, viêm phế quản. Nay cậu bé đang học lớp 2, chị Thảo mới đỡ vất vả đi được phần nào.
8 năm sau mới đủ dũng khí sinh thêm nhưng vẫn “sốc”
Cũng bởi chăm con đầu lòng quá vất vả nên chị Thảo gần như ám ảnh với cảnh nuôi con thơ. Phải mất 8 năm, sau khi bé lớn đã học lớp 2, sức khỏe ổn định bà mẹ trẻ này mới đủ dũng khí sinh lần 2.
Chị Thảo cho biết, lần 2 chị cũng đẻ mổ, con chào đời khỏe mạnh nhưng em bé khá quấy. Chồng chị đi làm suốt chỉ tối về phụ được vợ đôi chút, việc chăm con chủ yếu một mình chị lo. Tiếng khóc của con nhiều khi khiến mình rơi vào trạng thái trầm cảm, stress nặng.
“Mặc dù đã có kinh nghiệm sinh nở chăm con nhưng đúng là nuôi con thơ vất vả đủ đường và mỗi một lần ở cữ là 1 câu chuyện với nhiều cảm xúc riêng biệt trong đó có hạnh phúc, có mệt mỏi và cả những giọt nước mắt nhọc nhằn nữa. Tuy đã chuẩn bị tinh thần nhưng những ngày ở cữ lần 2 này mình vẫn thấy ‘sốc’ khi đêm nào cũng phải gần như thức trắng ôm con.
Song dù mệt mỏi nhưng mình vẫn luôn cố gắng hết sức để mang lại những điều tốt nhất cho bé, giúp con tròn giấc ngủ còn mẹ thức cũng không sao. Quả thật nếu không làm mẹ chắc mình cũng không nghĩ bản thân có thể mạnh mẽ được tới vậy”, chị Thảo tâm sự.