Ăn dặm luôn là chủ đề muôn thuở của các mẹ sau sinh, đặc biệt là đối với các mẹ mới có con tập đầu. Trong khi đó, kiến thức về ăn dặm đúng là một kho tàng rộng lớn khiến các mẹ không biết nên nghe theo quan niệm nào.

Một trong những quan niệm từ ngày xưa mà hiện nay vẫn còn nhiều mẹ áp dụng theo đó là hãy cho con ăn dặm sớm để con cứng cáp và hạn chế ăn thô để tốt cho hệ tiêu hóa của con hơn. Vậy có nên áp dụng quan niệm từ xưa này hay không, các mẹ theo dõi bài viết ngay sau đây nhé.

Tại sao phải đợi đến 6 tháng thì mới cho bé ăn dặm

Có rất nhiều mẹ cho con ăn dặm từ 4 tháng thậm chí sớm hơn mà không quan tâm là bé đã sẵn sàng hay chưa hoặc cơ thể bé đã có thể tiêu hóa thức ăn hiệu quả chưa. Nhiều mẹ cứ quan niệm rằng cho bé ăn dặm sớm để bé cứng cáp hơn, tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm và lý do vì sao thì mẹ có thể tham khảo thông tin ngay sau đây.

Từ khi bé sinh ra tới khoảng 6 tháng tuổi, bé chỉ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ là thức ăn tự nhiên nhất mà giàu dinh dưỡng nhất cho con. Quan trọng hơn cả, sữa mẹ là thức ăn phù hợp nhất cho bé ở giai đoạn này vì sữa mẹ sẽ được tiêu hóa trực tiếp ở ruột mà không cần cơ thể bé tiết thêm men tiêu hóa.

Đến khi bé được 6 tháng tuổi, hệ thống tiêu hóa của bé gồm dạ dày, gan, tụy, mật … và tuyến nước bọt đã gần như hoàn thiện để sẵn sàng cho những thức ăn đặc/rắn từ bên ngoài mà bé sẽ ăn vào.

Ăn thô có hại cho dạ dày của bé không?

Trên thực tế ăn thô không hại cho dạ dày mà lại giúp cho dạ dày và ruột của bé khỏe hơn với các lý do sau:

Thứ nhất việc làm nhỏ thức ăn là ở miệng chứ không phải ở dạ dày. Dạ dày chủ yếu là co bóp nhào trộn thức ăn với dịch tiêu hóa do gan, mật và tụy tiết ra.

Việc bé nhai sẽ làm tuyến nước bọt tiết ra dịch vị, cũng là một loại men tham gia vào quá trình tiêu hóa giúp dạ dày bé tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn.

Vì vậy khi ăn thô thì bắt buộc bé phải nhai để làm nhỏ thức ăn, từ đó giúp trộn dịch vị vào thức ăn khiến thức ăn được tiêu hóa nhanh và hiệu quả hơn. Khi thức ăn vào đến dạ dày thì sẽ được trộn thêm dịch tiêu hóa khác từ gan, mật, tụy. Cuối cùng thức ăn được lên mem và phân hủy thành dạng lỏng để thẩm thấu qua thành ruột nhanh chóng.

Việc các mẹ nghĩ rằng cho con ăn lỏng, nhuyễn là giúp cho con tiêu hóa dễ dàng hơn nhưng thực tế lại làm cho ruột quá tải khi thức ăn không được trộn men tiêu hóa một cách tự nhiên. Khi ăn thức ăn nhuyễn thì bé không cần nhai mà chỉ cần nuốt là xuống đến dạ dày, điều này khiến thức ăn không được trộn lẫn dịch vị.

Rồi khi vào đến dạ dày, dạ dày không cần co bóp nhiều thì cũng làm giảm lượng dịch tiêu hóa được trộn vào thức ăn. Nếu việc này xảy ra trong thời gian dài (bé ăn cháo loãng quá lâu) thì các tuyến tiết dịch trong cơ thể sẽ không còn tiết ra dịch nữa dẫn đến hiện tượng bé dễ chán ăn, biếng ăn.

Ngoài ra, khi thực phẩm cho bé ăn dặm không được tiêu hóa tốt thì khả năng hấp thụ dinh dưỡng của con cũng bị hạn chế rất nhiều, từ đó con khó lên cân và quá trình phát triển của con cũng bị hạn chế.

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ