Lễ tưởng niệm nam sinh dũng cảm cứu người đuối nước tại khuôn viên trường Đại học Khoa học, Đại học Huế thu hút hàng trăm sinh viên tham gia.

Những ngày qua, câu chuyện về Nguyễn Văn Nhã quên mình cứu 3 cô gái đuối nước đã khiến nhiều người rưng rưng cũng như nể phục trước lòng dũng cảm của nam sinh. Cứu được người nhưng Nhã không còn đủ sức để cứu chính mình và đã kết thúc ở quãng đẹp nhất đời người, để lại cho đời tấm gương đáng trân trọng.

Theo thông tin trên Tuổi trẻ, vào tối 4.5 vừa qua, 400 sinh viên, giảng viên… đã đến tổ chức lễ tưởng niệm cho Nguyễn Văn Nhã tại khuôn viên trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Những người có mặt đã cầm trên tay một nhánh hoa cúc trắng hoặc hoa hồng cùng ngọn nến để bày tỏ lòng cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của Nhã. Những ngọn đèn hải đăng cũng được thắp sáng trong khuôn viên trường và hình ảnh Nhã tươi cười khi còn sống được đặt ở nhiều nơi.

(Ảnh Internet)

Với những người trực tiếp có mặt trong lễ tưởng niệm hoặc cả những người xa lạ, chỉ nghe câu chuyện của nam sinh qua phương tiện truyền thông cũng nghẹn ngào tiếc thương cho Nhã. Chỉ còn 1 tháng nữa, anh chàng sẽ tốt nghiệp với tương lai rộng mở phía trước nhưng mọi thứ đã đóng lại mãi mãi.

Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, phó giám đốc ĐH Huế nghẹn ngào cho biết, sự ra đi của em Nhã là một mất mát quá lớn, sự thương tiếc vô cùng đối với gia đình, bạn bè, người thân, đối với ĐH Huế và Trường ĐH Khoa học.

“Soi mình vào những điều tử tế của Nhã để mỗi người cần sống tốt đẹp hơn, có trách nhiệm hơn – dù không làm “hiệp sĩ”, không thể là “anh hùng”, nhưng ít nhất hãy là một công dân có ích, có ý thức, làm tròn bổn phận của mình với cộng đồng nơi mình đang sinh sống”.

(Ảnh Internet)

Qua lời kể của bạn Lê Văn Nghĩa – một người bạn của Nhã – nam sinh xấu số vốn là người hòa đồng, động viên bạn bè trong học tập và hoạt động Đoàn trường dù hoàn cảnh của anh chàng vốn khó khăn: “Nhà của Nhã nghèo lắm, lại đông con nên bạn ấy sống rất giản dị. Bốn năm đại học bạn ấy chỉ đi học bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Để tiết kiệm Nhã thường đến ăn cơm ở các quán cơm xã hội”.

Khi tìm đến gia đình của nam sinh, nhiều người cũng lặng đi vì mọi thứ quá khó khăn. Có lẽ, mọi hy vọng của người nhà dành hết cho Nhã khi anh chàng sắp sửa tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân. Trong ngôi nhà lụp xụp ở vùng quê, bà nội của Nhã ngồi trên xe lăn, bố bị tai biến, mẹ thường đau ốm và anh trai bị câm… Tất cả dường như chết lặng trước nỗi mất mát lớn lao này, mọi thứ ở tương lai vẫn còn quá khó khăn với người ở lại.

Theo những chia sẻ trên truyền thông, câu chuyện về tấm gương dũng cảm của Nguyễn Văn Nhã đang được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngành chức năng xem xét công nhận Nguyễn Văn Nhã là liệt sĩ. Ở câu chuyện này, tuy có mất mát, có những giọt nước mắt tiếc thương đã rơi nhưng điều đẹp đẽ đọng lại chính là lòng tốt vẫn còn tỏa sáng, như ngọn lửa cần được duy trì.

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ