Tiện giải thích cho chị dâu thì em cũng đăng lên vì thấy có vẻ như nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về luật thông tuyến bảo hiểm y tế này. Mọi người ai còn đang thắc mắc, mơ hồ về nó thì xem ngay nhé!
Thông tuyền bảo hiểm y tế là gì
Trong cuộc sống có nhiều trường hợp tham gia BHYT mua thẻ ở một nơi nhưng vì nhiều lý do như chuyển nhà, chuyển chỗ làm, chỗ học… nên khi cần khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế gần nhất thì lại không sử dụng được thẻ BHYT đã mua trước kia.
Do đó, từ ngày 1/1/2016, luật bảo hiểm y tế đã sửa đổi và bổ sung về việc thông tuyến khám, chữa bệnh. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT thì: “Người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại một tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện sẽ có quyền được khám, chữa BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện trong cùng một địa bàn tỉnh”.
Những điều cần biết về thông tuyến bảo hiểm y tế
1. Hưởng 100% quyền lợi dù khám trái tuyến ở bệnh viện tuyến huyện
Người dân chỉ cần có thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân, ảnh hợp lệ, không cần giấy chuyển tuyến vẫn sẽ được khám, chữa và hưởng 100% chi phí khám, chữa tại một bệnh viện huyện khác.
– Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, mức hưởng BHYT từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2020 là 60%. Dự kiến sẽ là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước tại bệnh viện tuyến tỉnh
– Tại các bệnh viện trung ương, mức hưởng BHYT trái tuyến là 40%
2. Các bệnh viện được thông tuyến
Hiện nay, thông tuyến BHYT đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Các bệnh viện được thông tuyến là các cơ sở khám, chữa bao gồm: bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố, trung tâm y tế có chức năng khám chữa bệnh, trung tâm y tế có phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực.
3. Thông tuyến BHYT có áp dụng cho bệnh viện tư nhân?
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung năm 2014, đối với trường hợp người bệnh đến khám, chữa tại cơ sở y tế tư nhân có hợp đồng khám bệnh thì BHYT sẽ thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định riêng.
Trong trường hợp cơ sở y tế tư nhân không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT thì người bệnh sẽ không được BHYT chi trả bất kì khoản phí nào.
4. Năm 2021 bắt đầu thông tuyến bệnh viện tỉnh?
Tính tới thời điểm hiện tại, việc thông tuyến BHYT mới chỉ thực hiện ở các bệnh viện tuyến huyện. Theo lộ trình, tới năm 2021 thì các bệnh viện tuyến tỉnh/ thành phố mới bắt đầu thực hiện việc thông tuyến khám chữa BHYT này.
5. 3 ích lợi của việc thông tuyến
– Người có BHYT sẽ được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh mà không cần lo lắng về việc đúng tuyến hay trái tuyến nữa
– Người bệnh sẽ được tiếp cận nhanh các dịch vụ y tế chuyên sâu mà chỉ có một số bệnh viện lớn mới có.
– Những người đang đi công tác, du lịch mà cần phải khám, chữa gấp thì vẫn được hưởng quyền lợi từ BHYT.