Không chỉ có ông mà vợ của ông, bà Phạm Thị Trừ (80 tuổi) cũng một mức kính yêu và quan tâm tới mẹ chồng là cụ bà Trần Thị Nguy.
Theo tìm hiểu, gia đình ông bà có 13 người con nhưng ở cái vùng quê nghèo này không ai dư giả nên đã “tứ tán mần ăn”, mặc dù tuổi cao nhưng mỗi ngày còn nhìn thấy mẹ khỏe mạnh là niềm vui và động lực phấn đấu của hai ông bà.
Ngoài việc canh tác hơn 1 ha ruộng gần nhà, thời gian còn lại ông và vợ đều dành cho mẹ, ngoài việc ăn, uống, tắm rửa, hay quạt mát những lúc mẹ ngủ thì ông còn cõng Mẹ đi thăm hỏi người quen quanh xóm khiến ai cũng xúc động và nể phục. Mong ước lớn nhất của ông là mong sao cho mẹ hằng ngày ăn ngon, ngủ tốt, vui vẻ sống với vợ chồng ông và con cháu.
Bên cạnh đó, mỗi ngày ông Đức còn đạp xe đi chợ mua thức ăn, kiếm lá thuốc nam về cắt nhỏ, phơi khô cho cả gia đình uống chữa bệnh và giúp người trong xóm. Ở xứ biển xa xôi này, đa số hộ gia đình đều sử dụng củi để nấu ăn. Ông Đức cũng đảm nhận luôn công việc rất nặng nhọc là bổ củi…
Cứ đến 11g trưa là ông Đức có mặt bên mẹ già để cho cụ ăn. Còn bà Trừ luôn bên cạnh để quạt và cho cụ uống nước. Lo cho mẹ xong, ông Đức ăn trưa rồi đạp xe ra ruộng cách nhà chừng hơn 1km chăm sóc lúa đến chiều.
Vâng, nếu nhìn qua, đây là những công việc không có gì khó nhọc… với một người trẻ, nhưng với người già gần 90 tuổi, vẫn làm đều đặn mỗi ngày như vắt chanh, một lòng chăm sóc quan tâm cho mẹ, thật là hiếm có trên đời này.
Xúc động hơn, trong câu chuyện hiếu thảo ấy, không có sự tị nạnh giữa mẹ chồng nàng dâu, không có tranh cãi giữa chồng và vợ, giữa ‘mẹ anh – mẹ tôi’, ở đó chỉ có duy nhất một tình cảm gắn bó, máu mủ, thân thiết và chăm lo cho nhau đến tận cuối đời.
Ngẫm mà thấy có chút xấu hổ cho giới trẻ bây giờ, bởi nhiều người sống đang thờ ơ, vô cảm, lạnh nhạt với mẹ cha. Nếu không tin, hãy cứ tham dự một vài phiên tòa để thấy, cứ trung bình 10 vụ án, đã có đến 5,6 vụ là tranh chấp gia đình, con cái đòi tải sản, con cái hại mẹ cha.
Vậy cho nên, hình ảnh của cặp vợ chồng già đồng lòng chăm sóc người mẹ cao tuổi không chỉ là tấm gương mà còn là bài học. Chúng ta sống tốt để được yêu thương, chúng ta sống tốt để hưởng trái ngọt, sống thiện lương để con cháu đời sau còn nể phục.
Chợt nhớ cách đây không lâu ở khu Thới Trinh A, quận Ô Môn (Cần Thơ), cũng có một câu chuyện về người đàn ông tâm thần tên Nguyễn Văn Đợi vẫn ngày ngày nhặt ve chai, xin đi bổ củi thuê để chăm mẹ già là cụ Nguyễn Thị Đẹt hơn 90 tuổi.
Mỗi ngày, từ sáng sớm, ông Đợi lại cặm cụi đi nhặt ve chai, có hôm “trúng mánh” kiếm được 30,000 đồng. Những ngày có ai thuê bổ củi ông làm quần quật từ sáng đến chiều thu nhập được khoảng 100,000 đồng/ngày. Cứ thế, được bao nhiêu tiền ông gom lại để lo cho mẹ.
Nhưng cũng có nhiều hôm không ai thuê bổ củi, nhặt ve chai không được nhiều, hai mẹ con ông phải húp cháo qua ngày. Cứ sau mỗi lần đi làm về, ông Đợi đều đến nằm lên giường, nắm đôi bàn tay gầy guộc, ôm mẹ vào lòng, nói, “Tội nghiệp má quá, thương má lắm đó.”
Ngẫm mà thương, mà nể những tấm lòng hiếu thảo, dù họ đã già, đang bệnh hay nghèo khó thì vẫn luôn sống thiện lương, chân thành, ấm áp và đầy cao thượng. Nên nhớ, không ai có quyền được chọn cách mình sinh ra nhưng sống như thế nào để người ta nể trọng, yêu quý thì là do chúng ta quyết định.
Nguồn tham khảo: Zing.vn
Tổng hợp : Webtretho
Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ