Trong mùa dịch này, ngoài việc đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ hàng ngày, mình luôn chú ý đến chế độ ăn tăng sức đề kháng để giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại sự lây nhiễm đấy.
Hôm qua mình còn lướt mạng thấy thông tin một trong những hệ thống miễn dịch lớn nhất trong cơ thể con người chính là đường ruột, thông qua chế độ ăn uống tốt tạo môi trường vi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột, mà trong đó, ổi là 1 trong 4 siêu thực phẩm bảo vệ sức khỏe đường ruột tốt lắm đấy các mẹ ạ.
Dưới đây là 4 siêu thực phẩm giúp bạn bảo vệ sức khỏe đường ruột trong mùa dịch:
Quả ổi
Ổi là một loại trái cây bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe, đứng số một trong danh sách quả giàu vitamin C, gấp 4 lần so với quả cam. Nếu muốn tốt cho hệ miễn dịch thì ổi chính là một lựa chọn chính xác.
Trong Ổi có chứa nhiều thành phần quan trọng và góp phần hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật. Trong 100 g Ổi có chứa khoảng 126 mg Vitamin C, có thể đáp ứng khoảng 209% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Sử dụng Ổi thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, hệ thống tiêu hóa, tăng cường miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh lý.
Ngoài ra, các chất dinh dưỡng khác trong ổi cũng chứa lượng calo thấp và chất xơ cao có thể thúc đẩy nhu động ruột.
Cũng chính từ lý do này, nhiều chuyên gia khuyên mỗi ngày ăn một quả ổi có thể đáp ứng được các chất cần thiết cho cơ quan nội tạng, chẳng hạn như sắt, axit folic, canxi, chất xơ, protein, carbohydrate, vitamin A, B và C. Nó chỉ chứa khoảng 0,9g chất béo, 84 calo, so với táo, quả ổi chứa ít chất béo hơn 38% và ít calo hơn 42%, khiến nó trở thành một siêu thực phẩm khá toàn diện.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Sữa chua không đường
Theo PGS.TS.BS Lê Thị Mai, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa chua là sản phẩm thu được khi lên men lactic sữa động vật, có nhiều ích lợi đối với sức khoẻ mỗi người. Nhờ quá trình lên men này, một phần protein trong sữa phân giải thành các axit amin, các chất đường bột chuyển hóa thành đường lactoza dễ tiêu hóa và các chất thơm như axetoin, diaxetin cùng nhiều vi lượng quý hiếm được tạo thành.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, sữa chua còn có giá trị chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh đường ruột. Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi, ( Lactobacillus Acidophilus và Bifido bacterium), giúp bảo vệ hệ tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, ở ruột già, nơi chứa các cặn bã thối rữa là một nguồn gây nhiễm độc dần dần và liên tục cho cơ thể. Các vi khuẩn gây thối trong ruột cần môi trường kiềm để tồn tại và phát triển. Nhà sinh học Metchnikoff đã từng dùng sữa chua để acid hóa môi trường ruột, hạn chế các vi khuẩn có hại này.
Lúa mạch
Thành phần Β-glucan có trong lúa mạch đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm cholesterol và cải thiện khả năng miễn dịch. Ngoài ra, lúa mạch nguyên chất là một bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống lành mạnh của bạn vì lúa mạch chứa nhiều chất xơ hòa tan và không hòa tan.
Loại thực phẩm này còn chứa nguồn khoáng chất và vitamin rất tốt như mangan, magiê, selen, đồng, kẽm, sắt, kali, phốt pho, vitamin B và chất xơ, đáp ứng đủ nhu cầu chất dinh dưỡng cho cơ thể. Chất phytochemical có trong lúa mạch làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Ăn ít nhất 12g lúa mạch mỗi ngày có thể giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và đặc biệt bảo vệ đường ruột hiệu quả.
Hạt lanh
Hạt lanh chứa các chất dinh dưỡng như protein, axit béo và chất xơ. Chất xơ không hòa tan có trong hạt lanh có tác dụng kích thích nhu động ruột chống táo bón và giúp thúc đẩy vi khuẩn tốt cho đường ruột tăng trưởng. Bạn có thể ăn 1 muỗng cà phê hạt lanh hoặc ăn sáng bằng hạt lanh với yến mạch hoặc sinh tố.