Bức thư của một tử tù
Mẹ à,
Ngày mai con của mẹ phải ra pháp trường rồi. Con cũng không biết tại sao con lại phải đi đến bước đường cùng như thế. Nhưng hiện tại con cũng chẳng cảm thấy đau đớn hay sợ sệt, con chỉ muốn gặp mẹ và những kí ức trước đây chợt ùa về trong tâm trí con…
Năm con 3 tuổi, con chạy rất nhanh, có lần vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã chạy đến, đỡ con dậy, dỗ dành con và không quên mắng hòn đá: “Mẹ đánh chừa hòn đá nhé, hòn đá hư quá lại làm anh ngã xước cả đầu gối”.
Con không dám khóc, nhưng nghe xong câu nói của mẹ, con đã sà vào lòng mẹ và khóc một lúc lâu. Mẹ đã cho con biết rằng, lí do con ngã là do hòn đá, nhưng con lại không hiểu rằng, mẹ chỉ muốn dỗ dành cho con không khóc nữa.
Năm con 4 tuổi, có lần vì con muốn xem tivi nên không muốn ăn cơm. Thấy thế, mẹ đã nhẹ nhàng mang bát cơm ngồi cạnh con và đút cho con ăn.
Mẹ đã cho con biết cách tận hưởng cuộc sống, nhưng con lại không hiểu rằng, mẹ sợ con làm vãi cơm làm bẩn quần áo, rồi mẹ lại phải đi giặt.
Năm con 6 tuổi, mẹ đưa con đến cửa hàng đồ chơi nhân dịp Tết thiếu nhi, mẹ đã dặn là con chỉ được mua một món quà. Nhưng khi con mua được xe điều khiển từ xa thì con lại muốn mua thêm máy bay. Khi mẹ lắc đầu không đồng ý, con đã nằm vật xuống sàn ăn vạ đến khi mẹ chịu mua cho con mới thôi.
Mẹ đã cho con biết dùng chiêu này là con có thể đòi được đồ chơi mình yêu thích, nhưng con không hiểu rằng mẹ không muốn bị muối mặt trước chỗ đông người và làm mất thì giờ của những người khác.
Năm con 8 tuổi, con muốn tự mình giặt tất, mẹ sợ con giặt không sạch, con muốn rửa bát, mẹ sợ con làm vỡ bát, con muốn tự xới cơm, mẹ sợ con bị bỏng. Mẹ đã cho con thấy, trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm mà con không thể tự mình đối diện.
Nhưng con đã không hiểu được rằng mẹ chỉ không muốn mất công thu dọn những hậu quả mà con có thể sơ ý gây ra.
Năm con 10 tuổi, mẹ đã đăng kí cho mấy lớp phụ đạo văn hóa và học năng khiếu. Khi con cảm thấy mệt đến mức không chịu nổi, mẹ đã nỏi: “Nếu con không chịu được khổ thì làm sao nên người được”.
Mẹ đã cho con thấy học tập là việc rất cực khổ, nhưng con không hiểu rằng mẹ chỉ muốn con thành đạt để có ngày được mở mày mở mặt trước mọi người.
Năm con 13 tuổi, do sơ ý, con đã đá bóng và làm vỡ cửa sổ nhà người khác. Mẹ đã dùng tiền để bồi thường và dắt con đi xin lỗi họ.
Mẹ đã cho con biết rằng, khi gây ra chuyện chỉ cần nói “xin lỗi” là xong nhưng con đã không hiểu được người ta đã bắt nhà mình bồi thường quá nhiều khiến mẹ ấm ức, khó chịu.
Năm con 15 tuổi, con đòi học đàn piano, mẹ đã vay tiền để mua cho con một chiếc. Nhưng chỉ sau một tháng, con đã chẳng còn đụng đến nó nữa.
Mẹ đã cho con thấy, hóa ra không có tiền vẫn có thể sở hữu đồ mình thích, nhưng con lại không hiểu rằng mẹ đã phải nai lưng ra làm để trả được hết nợ.
Năm con 19 tuổi, đến giai đoạn chọn trường, mẹ nói rằng làm luật sư không những có nhiều tiền lại còn có địa vị trong xã hội và nhất định con phải họ ngành luật.
Mẹ đã cho con thấy rằng, chỉ cần con đi theo con đường mẹ vẽ ra là được, nhưng con không hiểu được mẹ chỉ muốn thông qua con để thực hiện ước mơ dang dở thuở thiếu thời.
Năm con 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới với lí do muốn gọi điện cho mẹ thường xuyên hơn. Mẹ đã không cân nhắc nhiều và chuyển ngay cho con 10 triệu đồng. Nhưng con chỉ dùng điện thoại để gọi điện cho bạn gái, khi nào nhớ ra con mới gọi cho mẹ.
Mẹ đã cho con thấy rằng mẹ là một ngân hàng miễn phí có thể chuyển tiền cho con bất cứ lúc nào, nhưng con đã không biết rằng mẹ đã nhiều lần chờ đợi cuộc gọi của con trong ngày sinh nhật mẹ.
Năm con 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, mẹ đã dùng tiền để con được vào làm tại một cơ quan nhà nước.
Mẹ đã cho con tất, 4 năm đại học chơi bời, ra trường vẫn có việc làm ổn định, nhưng con đã không biết rằng vì con mà mẹ phải vất vả chạy vạy, đi cầu cạnh biết bao người.
Năm con 27 tuổi, con yêu nhiều cô mà chưa có mối quan hệ nào được lâu dài, các cô gái đều nói con là người không có trách nhiệm, không trưởng thành. Mẹ nói với con rằng do duyên chưa tới, do con chưa gặp được người phù hợp mà thôi.
Mẹ đã cho con thấy rằng những cô gái không lấy được con là do họ kém phúc phận nhưng con lại không hiểu được vì con, mẹ đã phải đi nhiều nơi để tìm cho con người ưng ý.
Năm con 32 tuổi, do đánh bạc thua và nợ nhiều tiền, tuy tức giận đến mức sinh bệnh nhưng mẹ vẫn cố gắng trả hết nợ cho con.
Mẹ đã cho con thấy, dù con làm gì nên tội thì mẹ vẫn gánh giúp con nhưng con lại không biết được rằng vì con mà mẹ đã tiêu hết số tiền mẹ dành dụm tuổi già.
Năm con 35 tuổi, khi con biết mẹ chẳng gánh được giúp con nữa, con đã làm liều, cướp của giết người. Khi nghe họ tuyên án tử hình, mẹ đã khóc và trách ông trời không công bằng, vất vả cả đời vì con mà cuối cùng lại ra nông nỗi này.
Cuối cùng con đã biết, vì mẹ yêu con nên hết lần này đến lần khác cướp đoạt đi cơ hội trưởng thành của con, bóp nghẹt khả năng sinh tồn của con, lấy đi trách nhiệm đối với cuộc đời của chính con.
Mẹ đã dùng phương pháp sai lầm và vất vả cả đời vì con cái, để đổi lấy sự đau khổ cho cả 2 thế hệ. Hóa ra giáo dục con cái không có cơ hội để lặp lại lần thứ 2. Mẹ hãy bảo trọng!
Ngày mai con phải đi rồi. Hy vọng ở một thế giới khác, con có thể học được cách có trách nhiệm với chính mình, tự mình tìm được hạnh phúc cho chính mình…
Bức thư của một CEO
Mẹ à,
Ngày mai con của mẹ sẽ bắt tay vào một dự án mới. Để có được thành công như ngày hôm nay, tất cả là nhờ công dạy dỗ của mẹ. Ngày bé, con hay trách mẹ sao không đối xử dịu dàng với con như mẹ của những bạn khác, nhưng đến giờ con đã hiểu thấu suốt những gì mẹ dạy con.
Năm con 3 tuổi, con chạy rất nhanh, có lần vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã không đỡ con dậy vì mẹ muốn con tự đứng dậy và muốn con những lần sau phải cẩn thận hơn.
Mẹ đã dạy con phải biết chịu trách nhiệm với những hành động của mình.
Năm con 4 tuổi, vì mải xem tivi nên con không muốn ăn. Mẹ bảo không ăn thì nhịn đói nhé, ai ngờ mẹ cho con nhịn đói thật, lúc con vào bếp thì chẳng tìm được thứ gì ăn cả.
Mẹ đã dạy cho con biết, phải tự chịu trách nhiệm với sự bướng bỉnh của mình.
Năm con 6 tuổi, mẹ đưa con đến cửa hàng đồ chơi nhân dịp Tết thiếu nhi, mẹ đã dặn là con chỉ được mua một món quà. Nhưng khi con mua được xe điều khiển từ xa thì con lại muốn mua thêm máy bay. Khi mẹ lắc đầu không đồng ý, con đã nằm vật xuống sàn ăn vạ, mẹ đã quay lưng bước ra khỏi cửa hàng. Con sợ mẹ đi mất nên vội đứng dậy lau nước mắt chạy theo mẹ về nhà.
Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn của bản thân.
Năm con 8 tuổi, con muốn tự mình giặt tất, mẹ đã dạy con cách giặt tất sao cho sạch, con muốn rửa bát, mẹ dạy con cầm bát đĩa khi trơn sao cho khỏi trượt tay rơi xuống đất, con muốn tự xới cơm, mẹ dạy con cách cầm muôi cơm xới sao không bị bỏng.
Mẹ đã dạy cho con biết phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Năm con được 10 tuổi, mẹ thấy các buổi học thêm của con kín mít, mẹ nói rằng : “Đến lớp hãy cố gắng học, khi nghỉ hãy chơi cho thỏa thích, nếu còn thời gian thì đọc thêm sách vở, thì con sẽ không sợ thua kém ai cả“.
Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước sở thích của mình.
Năm con 13 tuổi, do sơ ý, con đã đá bóng và làm vỡ cửa sổ nhà người khác. Mẹ đã đưa con đến cửa hàng để mua kính, sơn và đinh, sau đó mẹ đã bảo con giúp mẹ cùng lắp lại cửa kính cho họ. Sau đó còn trừ tiền tiêu vặt của con vào tháng sau.
Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước những sai lầm của bản thân.
Năm con 15 tuổi, con đòi học đàn piano, nhưng mẹ lại mua cho con kèn acmonica. Mẹ bảo: “Thổi được kèn ác-mô-ni-ca đi đã rồi hãy nói đến chuyện mua đàn piano”. Con đã thổi kèn ác-mô-ni-ca cho đến bây giờ, còn nguyện vọng muốn chơi đàn piano, con đã quên từ lúc nào không biết.
Mẹ đã dạy cho con biết phải kiên trì và có trách nhiệm với chính kiến của mình.
Năm con 19 tuổi, con chuẩn bị thi vào đại học, mẹ đã giúp cùng con phân tích con yêu thích gì, con có khả năng làm gì, và để cho con tự quyết định chuyên ngành mà mình muốn theo đuổi.
Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm cho tương lai của bản thân.
Năm con 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới, mẹ nói rằng điện thoại cũ chưa hỏng thì không được đổi. Nếu như con nhất định muốn đổi thì tự kiếm tiền mà tự mua.
Nhờ đi dạy thêm mà con kiếm đủ tiền để mua điện thoại mới, thực ra con cảm thấy vui sướng vì đạt được một điều gì đó bằng chính bản thân mình có giá trị hơn hẳn một chiếc điện thoại mới.
Năm con 24 tuổi, sau khi con tốt nghiệp đại học con đã muốn tự gây dựng sự nghiệp. Mẹ đã khuyên con không nên nóng vội, mà hãy bắt đầu làm những việc mà con yêu thích, khi có kinh nghiệm rồi hãy tính.
Hai năm sau, con quyết định mở công ty, mẹ nói, nếu như con có thể chấp nhận một kết quả tồi tệ nhất, thì hãy mạnh dạn và đặt tâm vào mà làm.
Mẹ đã cho con vay 300 triệu đồng, và yêu cầu con 4 năm sau phải trả. Con đã vỗ ngực và nói, con không những trả tiền cho mẹ, mà còn tặng mẹ một căn hộ nữa. Mẹ đã dạy con biết có trách nhiệm với sự nghiệp của chính mình.
Năm con 27 tuổi, con đã đưa một cô gái thông minh và xinh đẹp về nhà, đó là lần đầu tiên mẹ khen ngợi con trước mặt cô ấy.
Mẹ còn nói, chuyện vợ chồng là tự con quyết định, chỉ cần chúng con thành tâm thành ý thì mẹ đã rất hạnh phúc rồi. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự có trách nhiệm với hạnh phúc của bản thân.
Năm con 32 tuổi, con đã đưa chìa khóa của một căn hộ mà con mua để tặng mẹ, khi cầm chìa khóa mẹ lập tức quay lưng ra sau. Nhìn thấy đôi vai mẹ khẽ rung rung, con biết rằng mắt mẹ đang nhòa đi vì hạnh phúc.
Mẹ đã dạy cho còn biết phải có trách nhiệm với lời hứa của mình.
Năm con 35 tuổi, công ty của con không ngừng mở rộng, các dự án đến với chúng con nườm nượp. Con vẫn thường dạy cho con của con biết phải có trách nhiệm với bản thân mình, giống như mẹ đã từng dạy con khi xưa.
Con hy vọng rằng chúng sẽ làm được những điều còn to lớn hơn nữa.
Con yêu mẹ. Con cám ơn mẹ!
Mỗi đứa trẻ như một mầm cây nhỏ, sự vun trồng, chăm bón, tỉa tót cành cây mỗi ngày sẽ tạo nên thành quả khác biệt trong tương lai. Trên hành trình làm cha, làm mẹ của mình, có lẽ mỗi phụ huynh đều nên tâm niệm một điều:
Hãy tin tưởng và trao cho con cơ hội được vấp ngã, được thất bại, được trải qua đớn đau và tiếc nuối… để học cách trưởng thành, học ách vượt qua nỗi sợ hãi để đi tới thành công.
Theo Giadinhmoi