Mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp nổi bật và phong phú hơn hẳn, bởi sự góp mặt của những chú cá chép vàng óng ánh – một nét đặc trưng không thể thiếu trong nghi lễ truyền thống này.
Trước khi chuẩn bị mâm cỗ tươm tất đón đêm Giao thừa thì cứ ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người Việt mình lại tất bật dâng lên bàn thờ những mâm cúng đầy đặn, những chiếc mũ sặc sỡ và cả những thoi vàng thoi bạc bằng hàng mã để tiễn các vị Thần bếp lên chầu trời.
Mâm cúng ông Công ông Táo gồm gà luộc, bánh chưng hành muối, bắp bò ngâm tiêu, canh măng móng giò, canh bóng thả, rau cải xào nấm hương, xôi gấc, nem rán, giò lụa. Ảnh: Nhung Ngo
Mâm cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Dù trong hoàn cảnh giàu có hay khiêm tốn, mỗi người đều khao khát biểu đạt lòng biết ơn sâu sắc của mình đến với Táo quân, hi vọng rằng năm mới sẽ đầy an lành, mạnh khỏe và hạnh phúc. Để thể hiện điều này, mâm cúng luôn được chuẩn bị công phu và đầy đủ những lễ vật truyền thống.
Mâm cỗ cúng trong dịp này thường có một bộ vàng mã ba chiếc mũ Táo quân độc đáo, gồm hai chiếc mũ nam với cánh chuồn điển hình và một chiếc mũ nữ không cánh chuồn, đi kèm theo đó là ba bộ trang phục (hai bộ nam và một bộ nữ) cùng ba đôi hài xinh xắn theo đúng phong tục. Để tăng thêm phần trang nghiêm, người ta còn có thể bày biện thêm tiền giấy, thoi vàng, thoi bạc và những chú cá chép giấy thể hiện trọn vẹn ý nguyện của gia chủ, nhất là trong trường hợp không sử dụng cá chép sống.
Ảnh: @Ngô Tuyết Mai, @Nhung Ngo
Trên mâm cúng ông Công ông Táo, hình ảnh cá chép vàng lấp lánh là một phần không thể thiếu, với niềm tin rằng chúng là phương tiện đưa các vị thần lên cõi trời. Theo truyền thống, người ta thường chọn cá chép sống, đặt trong chậu hoặc bát nước trong veo và thả nhẹ nhàng những bông hoa tươi thắm trên mặt nước, tạo nên một không gian thờ cúng vừa thiêng liêng vừa tràn đầy sức sống.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cũng có những món cơ bản trong mâm cỗ của người Việt như:
– 1 con gà luộc cánh tiên ngậm hoa hồng (nhiều nơi thay bằng thịt heo luộc, quay hoặc vịt quay)
– 1 đĩa bánh chưng
– 1 bát canh măng mọc hoặc canh bóng thả/ canh miến mộc nhĩ
– 1 đĩa xào thập cẩm
– 1 đĩa nem rán
– 1 đĩa xôi gấc
– 1 đĩa giò (có thể cắt tạo hình cho đẹp)
– Nhiều nhà có thêm xôi hình cá chép hoặc thạch hình cá chép ngụ ý việc chuẩn bị phương tiện cho các Táo lên chầu trời luôn đủ đầy.
Ảnh: @Đậu Food, @Nhà hàng Bể cá, @Vũ Thu Hương
– Món chè/bánh đặc trưng theo vùng miền như chè kho, bánh cốm, bánh su sê, bánh nếp,…
– Bên cạnh đó còn có đĩa quả ngọt, hoa tươi, trà bánh, vì khi xưa quan niệm dâng cúng đồ ngọt để Táo quân lên tâu trình cho “ngọt giọng”, nói lời hay ý đẹp. Cũng chính vì giáp Tết Nguyên đán, hoa quả cũng đa dạng và sẵn, nhiều nhà bày luôn mâm ngũ quả trên mâm cỗ để thêm sự đủ đầy, chu đáo.
Ảnh: Vũ Thu Hương
Nhìn chung, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nhà và văn hóa của mỗi vùng miền, các món ăn trong mâm cúng có thể thêm hoặc bớt, nhưng đều là các món ăn mang ý nghĩa may mắn, tốt lành. Trong ngày lễ cúng ông Công ông Táo không bắt buộc phải cúng lễ mặn, gia chủ có thể cúng lễ ngọt, lễ chay đều được, miễn là sắp xếp cẩn thận thể hiện tấm lòng của gia chủ là được. Và đương nhiên dù cúng lễ nào cũng không thể thiếu được cá chép. Khi cúng xong, cá chép sẽ được mang phóng sinh, thả nhẹ nhàng xuống sông, suối sạch gần nhà.
Cúng ông Công ông Táo vào ngày giờ nào tốt lành nhất?
Theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp nên việc chọn ngày và giờ cúng tốt lành để mọi việc thuận lợi, suôn sẻ luôn được người dân coi trọng. Vậy lễ cúng ông Công ông Táo năm 2024 tức năm Quý Mão 2023 vào thời gian nào sẽ tốt lành?
Ngày 18 tháng Chạp, tức ngày 28/1/2024 Dương lịch có khung giờ đẹp: Tỵ (9h-10h59), Mùi (13h-14h59).
Ngày 20 tháng Chạp, tức ngày 30/1/2024 Dương lịch có khung giờ đẹp: Tỵ (9h-10h59), Mùi (13h-14h59).
Ngày 21 tháng Chạp, tức ngày 31/1/2024 Dương lịch có khung giờ đẹp: Thìn (7h – 8h59), Ngọ (11h – 12h59).
Ngày 23 tháng Chạp, tức ngày 14/1/2024 Dương lịch có khung giờ đẹp: Thìn (7h-8h59), Tỵ (9h-10h59), Ngọ (11h – 12h59).