Cô gái tên Đặng Thị Thanh (24 tuổi, sống tại xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được gia đình phát hiện trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng cô vẫn không qua khỏi. Sau khi tiến hành điều tra và khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định buổi tối hôm trước đó Thanh dùng máy sấy để sấy tóc sau khi tắm gội xong. Do chiếc máy bị hở điện nên cô đã bị điện giật.
Dù vụ việc này đã xảy ra cách đây vài năm nhưng giờ cứ mỗi khi cầm vào chiếc máy sấy tóc là em lại nhớ tới. Máy sấy tóc dù là vật dụng được dùng trong cả mùa đông lẫn mùa hè, tiện lợi thật đấy nhưng cũng tiềm ẩn muôn vàn nguy hiểm. Đừng ai nghĩ rằng đây chỉ là trường hợp hy hữu xảy ra bởi nếu cứ chủ quan thì chính chúng ta cũng có thể rơi vào những tình huống nguy hiểm tương tự.
Để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, em nghĩ chúng ta nên nhớ kỹ những lưu ý khi dùng máy sấy tóc em từng đọc được trên mạng sau đây.
Cô gái bị điện giật tử vong do dùng máy sấy tóc (hình minh họa – Nguồn internet)
1. Không dùng máy sấy tóc khi thấy thiết bị phát ra âm thanh bất thường
Nếu bật máy sấy tóc nhưng chị em lại nghe thấy âm thanh bất thường thì không nên tiếp tục sử dụng bởi đó là dấu hiệu cho thấy có vật thể bị mắc kẹt bên trong, đôi khi là sợi tóc, mảnh giấy… Nếu cố dùng thì chắc chắn máy sấy sẽ bị nóng lên và phát nổ bất cứ lúc nào. Lúc này, các mẹ nên tắt máy rồi quan sát, nếu không thể tự lấy vật bị mắc kẹt bên trong ra thì hãy mang nó tới quán sửa chữa.
2. Không dùng máy sấy tóc để sấy quần áo hoặc làm ấm người
Ở một bệnh viện thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc; các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ chân để cứu một em bé mới 4 ngày tuổi. Nguyên nhân là do y tá sử dụng máy sấy tóc để làm ấm người cho những đứa trẻ sau khi tắm nhưng lại quên tắt khi rời đi. Kết cục là khiến cho em bé kia bị bỏng nặng ở 1 chân.
Đó là minh chứng rõ nhất cho việc không nên dùng máy sấy tóc để sưởi ấm người. Ngoài ra, nhiều người cũng thường lấy máy sấy để sấy khô quần áo, tất vào mùa đông hoặc những ngày mưa nhiều mà không biết rằng việc làm này rất nguy hiểm. Khi để đầu máy sấy tóc vào trong ống quần, ống tay áo, ống tất hoặc đặt ở cự ly quá gần và bật máy trong suốt thời gian dài sẽ khiến nhiệt không thể thoát ra ngoài. Cuối cùng là máy sấy nóng lên và có thể bốc cháy.
3. Không dùng máy sấy tóc trong phòng tắm
Nhiều khách sạn, gia đình vẫn thường lắp máy sấy ngay trong phòng tắm để tiện sử dụng khi vừa gội đầu xong. Thế nhưng, cũng giống như trường hợp của cô gái ở Đồng Nai; các mẹ có thể bị điện giật ngay lập tức nếu chẳng may ổ cắm của máy sấy bị hở rồi tay lại chạm vào khi đang ướt hoặc có nước bắn lên. Tốt hơn hết, nên để máy sấy ngoài khu vực phòng tắm và chỉ sử dụng khi tay đã khô ráo.
4. Không dùng máy sấy tóc rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Chỉ cần tìm kiếm trên Facebook, các trang bán hàng online là chị em sẽ dễ dàng mua được một chiếc máy sấy tóc với giá siêu rẻ, chỉ từ 89k đến 150k. Thế nhưng, các loại máy này không hề có tem bảo hành và những thông tin về nhà sản xuất, nguồn gốc cũng rất mập mờ. Máy sấy rẻ tiền thường là hàng kém chất lượng, sử dụng linh kiện rởm nên độ nguy hiểm chắc chắn sẽ cao hơn gấp 3 lần hàng chính hãng.
Nguồn: Thông tin tổng hợp