Có lẽ rất nhiều ông bố, bà mẹ đã ít nhất một lần từng phạm những điều cấm kỵ khi trẻ mè nheo, khóc lóc để được ăn vạ.
Một trong những điều dễ khiến các ông bố bà mẹ bực bội, nổi giận là khi con cái ăn vạ. Một số người vì quá tức giận có thể làm cho mọi việc thêm nghiêm trọng. Bố mẹ có biết, đâu là những điều cấm kỵ khi trẻ ăn vạ mà dù giận đến mấy bố mẹ cũng nên kiềm chế?
Dưới đây là 8 điều cấm kỵ khi trẻ ăn vạ mà bố mẹ không nên làm. Nhưng rất tiếc, có lẽ rất nhiều ông bố, bà mẹ đã từng phạm những điều cấm kỵ này ít nhất một lần trong đời khi trẻ mè nheo, khóc lóc để được ăn vạ khiến bố mẹ vừa xấu hổ vừa bực bội.
1. “Giơ cao tay” khi bé ăn vạ
Ảnh minh họa: k.sina
Rất nhiều ông bố bà mẹ mắc sai lầm này. Khi con ăn vạ, bất kể là ở nhà hay ở chốn đông người, phần lớn bố mẹ đều vì không kiềm chế được nên dùng bạo lực với trẻ, phát vào mông con thậm chí đánh con thật mạnh tay. Đây là điều cấm kỵ khi trẻ ăn vạ vì nó không thể giải quyết được vấn đề mà trái lại còn khiến trẻ tự ti sợ hãi. Chưa hết, con còn học từ bố mẹ rằng, mỗi khi cần giải quyết vấn đề, hãy thô bạo và sử dụng nắm đấm với người khác.
2. Giữ chặt tay chân bé để con không thể giãy giụa
Khi ăn vạ, nhiều bé không chỉ mè nheo khóc lóc mà còn nằm lăn ra đất thậm chí còn giãy giụa. Vì không biết cách làm sao để con ngừng ngay việc này, nhiều bố mẹ liền giữ chặt tay chân bé khiến bé càng cáu giận và giãy giụa mạnh hơn.
3. Tranh cãi với con khi bé ăn vạ
Những lúc bé ăn vạ không phải là lúc để dạy dỗ, để nói lý lẽ hay để tranh cãi với con. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lại ra sức làm điều này đến cùng mà không biết chúng không những không làm cho tình hình tốt hơn, trái lại còn khiến bé bướng bỉnh hơn. Thay vì tranh cãi với con đến cùng, bố mẹ có thể ôm con và vỗ nhẹ bé hoặc bình tĩnh làm con xao nhãng bằng một trò chơi, một câu chuyện nào đó.
4. Nhượng bộ ngay lập tức khi bé ăn vạ
Trái lại với những ông bố bà mẹ tìm cách thuyết phục hay tranh cãi với con đến cùng, một số bố mẹ lại vội vàng nhượng bộ con ngay lập tức khi bé ăn vạ, và lý do họ đưa ra là: không muốn xấu hổ, thôi thì chiều bé cho xong chuyện, chỉ một lần thôi mà. Thực tế thì, sau lần ăn vạ và được nhượng bộ, trẻ sẽ ngày càng ăn vạ nhiều hơn, vì trẻ học được rằng, mỗi khi cần đáp ứng điều gì đó, chỉ cần khóc lóc, nằm lăn ra đất giãy giụa là bố mẹ sẽ đồng ý ngay thôi.
5. Dọa con khi bé ăn vạ
Dọa dẫm con là điều cấm kỵ khi trẻ ăn vạ. Khi con ăn vạ, thay vì bình tĩnh giải quyết mọi việc, nhiều bố mẹ sẽ dùng cách dọa dẫm trẻ. Chẳng hạn như đòi méc cô giáo, đòi bỏ đói con, đòi bỏ con một mình, thậm chí có người còn dọa ma con, dọa ông kẹ… Việc dọa dẫm này của bố mẹ có thể khiến trẻ nín khóc ngay tức thì nhưng từ đó bé sẽ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, lầm lì, trẻ còn rất ghét những người được bố mẹ đem ra dọa.
6. Châm chọc, mỉa mai khi trẻ ăn vạ
Ảnh minh họa: Sohu
Khi con ăn vạ, nhiều bố mẹ sẽ tìm cách chế giễu, châm chọc, mỉa mai con với ý nghĩ bé sẽ bẽ mặt mà chấm dứt hành động ăn vạ. Tuy nhiên, bố mẹ không biết rằng, điều này có thể khiến con cảm thấy xấu hổ, căm ghét mọi người. trẻ còn có nguy cơ học theo cách này của bố mẹ để ứng xử với mọi người, luôn tìm cách chế giễu người khác. Bé cũng trở nên buồn bã, tự ti.
7. Tức giận với con
Hầu như tất cả mọi ông bố bà mẹ đều cảm thấy vô cùng tức giận khi trẻ ăn vạ, đặc biệt là ở những nơi đông người. Lúc này bố mẹ chỉ muốn hét lên, bắt trẻ im lặng, bắt trẻ nín khóc. Bố mẹ cần bình tĩnh để con nói những gì chúng nghĩ, làm những gì chúng thích, để con biểu lộ cảm xúc của mình, và chờ con bình tĩnh trở lại mới giải quyết vấn đề.
8. Cố gắng giải quyết vấn đề ở nơi đông người
Khi con ăn vạ ở nơi công cộng, nhiều bố mẹ vì quá căng thẳng, tức giận nên tìm cách giải quyết mọi chuyện ngay tại chỗ mà quên mất rằng đây là điều cấm kỵ khi con ăn vạ, điều này có thể làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng. Việc này vừa làm ảnh hưởng đến người khác vừa có thể khiến bố mẹ căng thẳng, thậm chí mắc sai lầm vì phải nghe lời khuyên từ những người khác. Việc này cũng khiến bé cảm thấy xấu hổ. Do đó, thay vì cố gắng giải quyết mọi chuyện ở nơi đông người, bố mẹ có thể đưa con đến nơi khác để nói chuyện riêng với bé.