Có lẽ trong nghề sư phạm, thiệt thòi nhất vẫn là những thầy cô giáo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Họ không những nhận lương thấp hơn bạn bè đồng nghiệp mà cái khổ, cái cực cứ đeo bám mãi không thôi.

Nhưng tình yêu thương vốn dĩ không phân biệt hèn sang, nhiều tiền hay ít bạc, các thầy cô đến với nghề chính là bằng cái tâm muốn gieo chữ cho học trò, cũng như câu chuyện của Tiêu Vận Kỳ – thầy giáo vượt sông mỗi ngày để đến trường dạy học.

Thầy Kỳ chèo sông đi dạy mỗi ngày (Ảnh cắt từ clip, nguồn Saostar)

Theo tìm hiểu, thầy giáo Kỳ cũng là thầy giáo duy nhất của trường tiểu học Tam Giang tại Cám Châu, Giang Tây và học sinh của thầy cũng chỉ có 3 em. Vì có quá ít người, thầy thường sử dụng phương pháp chơi trò chơi để làm khuấy động bầu không khí.

Ngoài ra, thầy Kỳ cũng thường hay học hỏi thêm những kinh nghiệm giảng dạy trên Internet vì không muốn học sinh của mình cảm thấy khác biệt với những học sinh trên thành phố.

Được biết, bắt đầu từ học kỳ mùa thu năm 2018, số học sinh tại trường tiểu học Tam Giang giảm xuống triệt để. Học sinh quá ít khiến không có ai tự nguyện đến trường giảng dạy, bên trên cũng không có động thái điều thêm giáo viên về. Thầy Tiêu Vận Kỳ là giáo viên duy nhất, dạy 3 em tất cả các môn học.

Lớp học chỉ còn 3 em (Ảnh cắt từ clip, nguồn Saostar)

Thậm chí thầy cũng chính là người xuống bếp nấu cơm trưa và chơi đùa với các em. Câu chuyện khiến không ít người vô cùng cảm động và cũng cảm phục với hành động của thầy Kỳ:

“Hôm qua còn sôi máu vì ông thầy trên trường phố đánh học sinh, hôm nay xem được tin này thấy ấm lòng quá, ước gì ai cũng có cái tâm như vậy”; “Chỉ có 3 học sinh đi học thì đúng là chẳng có ai muốn đến dạy, nhưng vẫn cảm phục thầy quá”; “Mong rằng 3 em ấy sẽ không phụ kỳ vọng của thầy…”

Hóa ra trên thế giới này, vẫn có những con người thực sự cao đẹp từ nhân cách và thầy Kỳ là minh chứng điển hình nhất. Nếu nói về lương, hẳn là thu nhập của thầy rất thấp, cộng với sức khỏe như hiện nay, thầy có thể kiếm một công việc ổn định hơn, thậm chí về nhà trồng rau chăn bò có khi còn khấm khá, được ăn no mặc ấm.

Vậy mà thầy không quản ngược xuôi, nắng hay mưa đều chèo thuyền đi dạy, tinh thần và lòng yêu thương của thầy chẳng ai có thể sánh kịp. Trách nhiệm ấy, không phải để làm màu hay lòe bịp thiên hạ mà xuất phát từ tâm hồn cao thượng của thầy.

Thầy giáo vượt sông dạy học trò mỗi ngày (Ảnh cắt từ clip, nguồn Saostar)

Vậy mà nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn đó những ‘ác quỷ’ đội lốt giáo viên, cần phong bì mới chú tâm giảng dạy, cần thanh tra mới bắt đầu soạn giáo án, khi chụp ảnh mới xoa đầu, ôm hôn học sinh.

Còn thầy Kỳ, dù một lớp chỉ có 3 em nhưng thầy vẫn luôn cố gắng, không ngừng tìm tòi để nâng cao khả năng sư phạm. Chỉ một hành động đơn giản vậy thôi mà khiến bao người phải xuýt xoa nể phục, thậm chí là rơi nước mắt.

Còn nhớ cách đây không lâu, trên hòn đảo hẻo lánh của Nhật, một ngôi trường cấp 2 tên là Tobishima đã mở cửa sau nhiều năm im ắng, chỉ vì một em học sinh muốn được đi học. Để hoàn thành ước mơ của em, các thầy cô giáo được triệu tập trở lại, họ thay phiên nhau dạy đủ tất cả các môn cho cậu bé Shibuya Arata – nhân vật chính của trường.

Tại đây, em được học rất nhiều bộ môn, từ khoa học thường thức đến âm nhạc, hội họa, thậm chí là cả thư pháp, võ thuật. Dù là môn chính hay phụ, tất cả đều rất tập trung với sứ mệnh của mình. Thậm chí trường học còn không ngần ngại bỏ tiền mời các giáo viên từ vùng khác đến dạy và bồi dưỡng thêm kiến thức cho cậu bé.

Trường học ở Nhật chỉ có 1 học sinh (Ảnh: Zing.vn)

Có lần trường còn tự xuất ra 100 triệu yên chỉ vì mua bổ sung các dụng cụ học tập về cho Shibuya thực hành. Hàng tháng trường học còn mời các giảng viên nước ngoài, sắp xếp các buổi giao lưu với giảng viên để giúp cậu bé có thể phát âm và học tiếng Anh nhanh nhất.

Cuối cùng, trải qua 3 năm rèn luyện, cậu bé Shibuya Arata chính thức hoàn thành khóa học. Ngày cậu bé đọc diễn văn tốt nghiệp cũng là ngày ngôi trường đóng cửa trở lại. Khi biết được, ai cũng rơi nước mắt, bởi câu chuyện về ‘nhiều thầy dạy 1 trò’ tưởng như hoang đường vô lý lại quá đỗi chân thật, và đẹp như một bức tranh bước ra từ truyện cổ tích.

Vâng, giáo dục chân chính là như thế đó các mẹ ạ, không một ai được phân biệt hèn sang hay cao thấp, người giàu hay kẻ nghèo, tài giỏi hay ngu dốt. Đã là thầy cô thì phải có nghĩa vụ dạy dỗ trò bằng cái tâm và cái tài của mình. Và số lượng học sinh không quan trọng bằng chất lượng bài vở, dù chỉ có một người cũng phải hoàn thành sứ mệnh được giao.

Thầy Kỳ tự tay nấu cơm cho các em (Ảnh cắt từ clip, nguồn Saostar)

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thương lắm những thầy cô vì học trò mà hy sinh hạnh phúc, nhất là những ai đang giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa. Họ đã cống hiến tuổi xuân, sức khỏe và tương lai của mình để giúp các em nghèo gắn bó với từng con chữ.

Tính ra nghề giáo viên bây giờ vẫn còn ‘bạc lắm’, ai hiểu thì thương, ai không hiểu thường chê bai giễu cợt. Dẫu vậy, nếu so với những bảo mẫu lương cao, nhữngng giáo viên trường ‘5 sao’… mà lại nhẫn tâm đánh trẻ con thì người như thầy giáo vượt sông đến trường, thực sự đáng được trân trọng và được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa.

Nguồn tham khảo: Saostar

https://saostar.vn/the-gioi/thay-giao-cheo-be-tre-vuot-song-moi-ngay-chi-de-day-mot-lop-3-hoc-sinh-6741123.html

Tổng hợp : Webtretho