Công nghệ dùng hóa chất tẩm màu cho gà và bơm nước nhằm làm tăng trọng lượng

Phóng viên của VTC16 đã thâm nhập vào 1 cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, kết quả là được chứng kiến người làm ở đây dùng xi lanh để bơm nước vào từng con gà. Mỗi ngày, với cách thủ công này thì cơ sở có thể tiến hành bơm nước cho khoảng 200 đến 300 con gà. Tại một cơ sở khác, người chủ còn sẵn sàng đầu tư một chiếc bình nén khí. Mỗi ngày, chiếc máy này có thể bơm nước tối đa vào 500 con gia cầm. Việc bơm nước vào gà, gia cầm sẽ giúp tăng trọng lượng lên khoảng 200gr/con (tương ứng với số tiền là 20.000 nghìn đồng).

Các vị trí thường được dùng để bơm nước vào gà là lườn, cổ, đùi và cánh. Theo các chuyên gia, gà bị bơm nước thì phần thịt cũng sẽ bị biến đổi về mùi vị và chất lượng. Đồng thời, bên trong thịt bị nhão và tạo thành các kẽ hở cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển. Đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là khi người bán dùng nước ao hồ, sông suối không đảm bảo vệ sinh để bơm vào gà sẽ làm cho thịt có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng, vi khuẩn E.coli, dĩ nhiên kéo theo đó là con người có thể bị tiêu chảy và ngộ độc nguy hiểm tính mạng.

Bơm nước vào gà vịt (ảnh cắt từ clip của VTC16)

Ngoài ra, những con gà đẻ thải loại sau khi thịt xong sẽ có màu trắng nhợt nhạt không mấy bắt mắt, thường được bán với giá 100.000 nghìn đồng/kg và rất khó bán. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận thì các lò giết mổ gia cầm đã dùng tới “bột sắt” để nhuộm cho da gà có màu vàng bắt mắt, bán 150.000 nghìn đồng/kg.

Chỉ cần 1 thìa cafe “bột sắt” hòa lẫn với khoảng trên dưới 4 lít nước là đã có thể biến con gà từ trắng bệch thành vàng ươm ngon mắt sau vài giây. Tùy vào mục đích của người bán, muốn da gà vàng nhiều hay ít mà người ta sẽ nhúng gà trong thời gian dài ngắn khác nhau. 1 túi “bột sắt” này có giá 30 nghìn đồng và có thể dùng trong rất nhiều lần. Việc ăn phải gà nhuộm “bột sắt” trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư. Đây là chất bị cấm sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Ngoài ra, theo tiến sỹ Khải (GĐTT Tư vấn tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hóa điện hóa) thì chất dùng để nhúng gà không phải là bột sắt bởi trong thực tế: Bột sắt bị nam châm hút còn chất dùng nhúng gà lại không. Thêm vào đó, khi ông tiến hành 1 thí nghiệm: Cho chất dùng để nhúng gà ra bát, tiếp tục đổ bột sắt ra 1 bát thứ 2 rồi lần lượt đổ nước nóng vào 2 bát trên thì bát bột sắt chuẩn vẫn giữ nguyên màu đen còn bát có chứa chất nhúng gà lại tan, chuyển sang màu vàng đỏ. Theo ông, đây là 1 chất đa tinh thể, vô cùng độc hại chứ hoàn toàn không phải là bột sắt.

Gà được nhúng vào nồi hóa chất (ảnh cắt từ clip của VTC16)

Cách nhận biết gà bị tiêm nước và nhuộm màu bằng hóa chất

– Dấu hiệu nhận biết gà bị tiêm nước: Gà mới thịt xong sẽ có màu da vàng nhạt, tươi nhưng sau khi bơm nước xong thì chuyển sang nhợt nhạt. Nhìn da gà căng bóng, mập mạp rất ngon mắt, khi sờ tay vào thì thấy nhão. Da ở các bộ phận trên gà căng phồng lên và không còn bám sát thịt.

– Dấu hiệu nhận biết gà nhuộm màu bằng hóa chất: Gà nhuộm hóa chất thường có da vàng ươm nhưng thịt bên trong sau khi mổ ra vẫn có màu trắng nhợt nhạt. Thêm vào đó, gà thả đồi, gà ta cũng chỉ có màu vàng nhạt chứ ít khi vàng sậm như khi nhúng hóa chất.

Tổng hợp : Webtretho