Sáng sớm, chồng tôi sang siêu thị mua bánh mì ăn sáng, mua thêm ít rau củ cho các bữa trong ngày và mang về một chai dầu xả cho tôi.
Anh nói: “Em thử dùng loại này xem tóc có đỡ rụng không. Anh đọc kỹ các thành phần, xem hết lượt rồi và thấy có vẻ loại này ổn nhất”. Dù tôi rất hiếm khi dùng dầu xả tóc, nhưng rất cảm kích trước sự quan tâm của chồng.
Khoảng hai tháng nay, thi thoảng tôi lại nhận được những niềm vui lấp lánh như thế. Có hôm là “em có muốn uống trà sữa không, anh mua cho”. Có hôm là “anh đi làm về qua khu này bán nhiều đồ ăn nấu sẵn, thấy cũng ngon, hôm nào mua về ăn tối thử nhé”.
Chồng tôi về nhà sẽ làm mọi việc để vợ có thời gian dạy con học hoặc làm việc thêm để kiếm tiền. Tôi cần chuyển khoản để mua áo quần hay đồ dùng trong nhà, tôi sẽ gọi anh…
Những điều nho nhỏ như thế trước đây tôi không hề cảm nhận được. Mặc dù chồng tôi không phải là típ người chi li, nhưng tôi luôn phải trốn tránh khai thật mọi khoản chi tiêu với anh. Việc lớn bé trong nhà, tôi luôn một mình cố gắng lo liệu, tiền tháng nào hầu như cũng âm. Chưa kể nhiều khoản như mua thêm chút đồ mỹ phẩm, áo quần cho mình, tôi đều không thoải mái vì sợ chồng nói lãng phí.
Mười năm trong hôn nhân, tôi hạn chế trong việc kiếm tiền. Làm công việc tự do, thu nhập bấp bênh nên tôi không tính số tiền của mình cố định trong chi phí sinh hoạt gia đình. Chồng tôi đưa hết tiền để tôi giữ, nhưng tôi chỉ tiêu theo kiểu có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu mà không có những kế hoạch cụ thể. Tiền chồng tôi kiếm ra, tôi không tiết kiệm được. Nếu anh hỏi, tôi sẽ gân cổ nói rằng vì tiền chi tiêu sinh hoạt quá nhiều và bắt đầu kể lể để lấp liếm cho sự ẩu đoảng của mình.
Chồng tôi thường im lặng và chấp nhận, nhưng dường như anh luôn cảm thấy không đồng ý với cách chi tiêu của vợ. Còn tôi, không biết vì đâu, tôi đã luôn nghĩ rằng chồng phải đưa tiền cho vợ giữ thì mới thể hiện được sự tin tưởng và tình yêu. Hoặc ít ra là phần lớn những người xung quanh tôi đều vậy. Tôi không đủ tự tin để đưa tiền cho chồng giữ, không muốn mình không phải là người “cần cân nảy mực” trong nhà. Tôi không thể thừa nhận được rằng mình lại kém trong khoản chi tiêu hơn chồng hoặc không phải là người đảm đang. Tôi muốn mình chu toàn mọi việc.
Nhưng rồi tôi nhận ra, bản thân đang cố che đậy rất nhiều nỗi sợ hãi bên trong. Đến khi tôi làm mất chứng minh nhân dân, không thể làm lại được giấy tờ ngân hàng và không chuyển khoản online được thì tôi đành để chồng nhận tiền hộ. Những khoản mà người khác trả cho tôi, tôi gửi số tài khoản của chồng để anh nhận. Tôi bắt đầu lại thấy vui khi ít nhất mình cũng có thể đưa được tiền cho chồng, thay thế cái cảm giác nhàm chán mười năm nay là cứ phải hỏi tiền của anh.
Tôi chia sẻ với chồng về những khoản chi cần phải trả như học phí của con, tiền đi chợ, tiền mua áo quần cho con, tiền đi cà phê, đi chơi của cả nhà… Anh đều trả hết mọi thứ, không kêu ca gì. Thu nhập của tôi không nhiều nhưng vì gửi hết cho anh nên anh cũng cảm thấy được tin tưởng. Anh thể hiện là một người có khả năng xuất sắc trong việc giữ tiền, quản lý tài chính.
Anh nói với tôi về việc trích ra một khoản tiết kiệm hàng tháng, cố gắng tạo ra một quỹ dự phòng. Ở phía tôi, tôi cố gắng để không chi tiêu quá nhiều vào những khoản cá nhân nữa. Tôi cần gì sẽ nói với anh. Anh chủ động chuyển tiền để phòng khi tôi cần mua gì. Còn tôi không muốn anh chuyển nhiều, tôi nói rằng tôi hạn chế chi tiêu những khoản không cần thiết để tiết kiệm tốt hơn nữa.
Mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu thay đổi theo hướng thẳng thắn và chân thành. Những khoản trước đây như là im lặng để mua đồ cho cha mẹ mình, bây giờ tôi cũng tự tin nói với anh. Tôi không còn muốn giấu giếm anh điều gì nữa, muốn rằng vợ chồng cùng cố gắng vì mục tiêu chung.
Có hôm tôi nói: “Em bây giờ phải chấp nhận một sự thật rằng anh là người quản lý tiền bạc giỏi hơn em. Em rất tin tưởng anh”. Anh nhận được sự khích lệ như thế thì càng cố gắng làm tốt công việc của mình.
Chồng tôi mỗi ngày lại đọc nhiều hơn những quyển sách về tài chính, nghe các tập podcast về đầu tư và chia sẻ lại với vợ. Anh cũng quan tâm nhiều đến những chi tiết nhỏ liên quan đến tôi.
Từ hôm để chồng giữ tiền, tôi nhận ra mình có nhiều thời gian hơn để tập trung vào công việc, để chơi với các con, xem phim hay chăm sóc bản thân. Những điều mà trước đây tôi luôn cảm thấy vướng mắc trong cuộc sống vợ chồng thì nay đều đã được giải quyết. Tôi không quan tâm quá nhiều đến quỹ đen hay những chuyện như chồng sẽ phản bội mình và mang hết tiền cho người khác, vì tôi tin tưởng anh và chỉ muốn sống trong hiện tại.
Viết bài này, tôi không khuyên người khác đưa tiền cho chồng giữ, tôi chỉ muốn góp thêm một tiếng nói rằng, đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn, cuộc đời sẽ đổi thay. Thực tế là tư duy quản lý tài chính của người chồng thường tốt hơn người vợ, và đã là một gia đình thì nên nhìn về mục tiêu chung thay, vì chạy theo nỗi sợ của mình.