11h trưa chủ nhật, Lê Thành (24 tuổi, nhân viên marketing) gọi điện về nhà. Cha anh nhấc máy. Chưa kịp nghĩ nhiều, Thành hỏi luôn: “Mẹ đâu rồi ạ?”. Ngay sau đó, điện thoại được cha chuyển cho mẹ.

Vẫn luôn như vậy. Sống xa nhà từ năm cấp ba, hiện đã tốt nghiệp đại học, đi làm hơn hai năm, Thành chưa từng có một cuộc nói chuyện tử tế với cha.

Thành thương cha nhưng anh không có thói quen tâm sự với người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà.

Trong trí nhớ của 9X, cha luôn ít nói, nghiêm khắc.

Những đứa con như Thành thường không nhớ đã bao lâu rồi mình chưa gọi điện hỏi thăm cha, lần cuối cùng nói chuyện trực tiếp với cha là khi nào.

Càng trưởng thành, con cái càng xa cách cha mẹ. Với đủ lý do, chúng ta dường như đang eo hẹp những câu hỏi han, lời yêu thương với chính đấng sinh thành.

Bao lâu rồi chúng ta chưa gọi điện hỏi thăm cha mẹ? Ảnh: Getty

Bao lâu rồi chúng ta chưa gọi điện hỏi thăm cha mẹ?

‘Con bận lắm’

Từ lúc vào Sài Gòn làm việc đến nay, Thành nhớ số lần anh nói chuyện qua điện thoại với cha chỉ tính trên đầu ngón tay. Mỗi cuộc gọi kéo dài chưa đầy một phút và luôn kết thúc bằng: “Con biết rồi. Thế thôi, con bận lắm”.

Thành không phải là một người ít nói, thậm chí trong đám bạn thân, anh là đứa hoạt ngôn, biết pha trò. Nhưng riêng với cha, 9X khá kiệm lời. Anh không biết nên nói chuyện gì với cha.

“Kể chuyện công việc thì cha không hiểu. Hỏi thăm lại sợ khách sáo, nhạt nhẽo”, Thành chia sẻ.

Thế nên, sau khi nghe vài ba câu dặn dò của cha, Thành tìm đủ lý do để cúp máy. Và “bận”, với anh, là cái cớ chính đáng, gọn gàng nhất.

Cha nghiêm khắc nhưng bao dung, cứng rắn nhưng yêu thương con hết mực. Ảnh: Chux Trux.

Cha nghiêm khắc nhưng bao dung, cứng rắn nhưng yêu thương con hết mực

Lori Gottlieb, tác giả cuốn Những khởi đầu hạnh phúc, viết trên The Atlantic: “Từ quan điểm của những người con từng thương yêu, kính trọng cha mẹ mình, nhiều bậc phụ huynh cũng muốn con cái đối xử như vậy với họ. Họ muốn con gọi cho mình mỗi ngày hay dành ngày nghỉ về thăm quê.

Tuy nhiên, ngày nay, những đứa con có thể mất vài tuần để gọi lại sau hàng chục cuộc gọi nhỡ từ cha mẹ, từ chối đến thăm vì bận rộn và không bao giờ chia sẻ cuộc sống, công việc”.

Nhà văn cho rằng nguyên nhân chủ yếu của vấn đề là khoảng cách thế hệ. Người trẻ cảm thấy họ không tìm được sự lắng nghe, chia sẻ từ cha mẹ. Nhưng họ không hề biết những hành động của mình đang làm các bậc phụ huynh chạnh lòng, thậm chí tổn thương sâu sắc.

Cha đã già từ bao giờ?

“Con có đang rảnh không? Cha nói cái này”.

Đang ngồi uống cà phê cùng nhóm bạn thời đại học, Phương Nhi (28 tuổi, nhân viên văn phòng) nhận được tin nhắn từ cha.

Dòng tin nhắn làm Nhi ngờ ngợ. “Từ bao giờ cha lại khách sáo, phải rào trước đón sau với mình như vậy?”, Nhi tự hỏi.

Ngẫm lại, cô nhận ra gần một tháng nay mình không gọi điện về nhà. Bận rộn với dự án mới của công ty, Nhi luôn lạnh lùng cắt ngang những tin nhắn hỏi thăm từ cha mẹ bằng một câu ngắn ngủn: “Con bận”.

Cha Nhi tái phát bệnh hen phế quản hơn hai tuần trước nhưng cô không hề biết gì

Empty

Cha luôn là người đàn ông vĩ đại nhất đối với con. Ảnh: Delsol.

Cha luôn là người đàn ông vĩ đại nhất đối với con

Ngay trong tối hôm đó, cô bắt xe về quê. Hơn sáu tiếng xe chạy từ Sài Gòn về Đắk Lắk, Nhi gần như không ngủ được.

 Vừa về đến nhà, cô gái 28 tuổi oà khóc không khác gì một đứa trẻ khi nhìn thấy cha.

Ông gầy hẳn đi. Lần đầu tiên, Nhi nhận ra người cha gần 60 tuổi đã già đến thế.

Nhưng cha đã già từ bao giờ? Từ những ngày cô bắt đầu vào đại học, từ ngày cô nhận tháng lương đầu tiên hay trong những ngày cô “bận”?

Nhi không biết bởi trong suy nghĩ của cô cha luôn là người đàn ông to lớn, khỏe mạnh, có thể đèo cô trên chiếc xe đạp băng băng qua mọi con dốc những ngày cô 3-4 tuổi.

Dường như với Nhi, thời gian của cha đã “đóng băng” ở thời điểm đó. Chỉ có cô là trưởng thành và ngày càng rời xa ông.

Cha ơi!

Chưa cần đến những lời yêu thương, mong nhớ, Thanh Chung (25 tuổi, kỹ sư xây dựng) không nhớ nổi lần cuối cùng mình gọi “Cha ơi!” là khi nào.

“Cha” là từ đầu tiên Chung biết nói. Mẹ Chung kể lúc còn bé anh vẫn quấn cha nhất nhà. Nhưng càng lớn, cha con càng xa lạ, một phần vì cả hai đều ít nói và trầm tính.

Thế nhưng, Chung biết tất cả là do anh chưa bao giờ thực sự dành thời gian cho cha.

Đêm giao thừa thay vì ở nhà phụ cha dọn bàn thờ, bày biện mâm cúng tổ tiên, Chung còn bận đi xem bắn pháo hoa. Không ở nhà xem bóng đá với cha, Chung nói anh bận lê la cùng đám bạn ở ngoài quán.

Tình thương của cha là món quà tuyệt vời nhất của tạo hóa. Ảnh: First Cry.

Tình thương của cha là món quà tuyệt vời nhất của tạo hóa.

“Cha ơi!”, “Con yêu cha” hay “Con nhớ cha” tưởng như là những câu nói đơn giản nhưng sao quá khó để thốt ra với những đứa con như Chung.

Có một nghịch lý, chúng ta rất dễ nói yêu thương ai đó, ngoại trừ cha của mình. Nói một câu yêu thương vốn là điều dễ dàng, nhưng sao khi dành cho cha lại trở nên khó khăn đến thế?

Tình yêu của cha dành cho các con là vô điều kiện nên cha chưa bao giờ mong muốn được đáp lại bằng vật chất. Cha chỉ muốn thấy con hạnh phúc và trưởng thành.

Tuy nhiên, cũng đừng bao giờ vì thế mà lấy lý do “Con bận”, kể cả bận trưởng thành, để vô tâm, thờ ơ với đấng sinh thành.

Không chỉ là Ngày của Cha, 365 ngày, hãy yêu thương cha nếu còn có thể!