Hoa đậu biếc là thứ được rất nhiều chị em phụ nữ sử dụng để chế biến thành các món ăn. Những món được làm từ hoa đậu biếc đều rất đẹp mắt, đôi khi nhìn tới mê mẩn. Bản thân mình cũng vậy, mình hay gọi mấy thứ được chế biến từ hoa đậu biếc là mang màu sắc của bầu trời.
Mình vốn nghĩ hoa đậu biếc đẹp mà có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bằng chứng là mình thấy nhiều người mua về uống các kiểu. Thế mà hôm nọ, mình phải nhập viện vì nuốt nhầm hạt đậu biếc đấy.
Bình thường, mình mua ở ngoài chợ là chỉ có mỗi cái cánh hoa thôi nên cũng không biết, mà cũng chẳng nghe ai nói. Cái hôm bữa sang nhà hàng xóm, thấy có cây nên xin một ít về làm thạch cho con ăn. Mình cứ nghĩ hạt của nó cũng giống mấy loại hạt kiểu hướng dương cơ, nên bỏ vào miệng ăn thử. Ối dời ơi, thế là mắc ói và, chồng mình phải cho đi viện nằm cấp cứu đấy. Sợ thực sự luôn.
Sau đó, mình về tìm hiểu trên báo thì thấy có thông tin này thật, còn cảnh báo là phải cẩn thận vì có thể gây nhiễm độc tố. Thế mà bao lâu nay mình chẳng hề hay biết gì. Đúng là ngố tàu thế cơ chứ. Cụ thể mình chia sẻ ở bên dưới để các mẹ cùng biết nha.
Hoa đậu biếc được nhiều mẹ yêu thích sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn. Ảnh minh họa, nguồn: Eva
Hoa đậu biếc có bộ phận chứa độc tố, nên cẩn thận khi sử dụng
Theo Ths. Lê Thanh Bình (Đại học Dược Hà Nội), khi dùng hoa đậu biếc để pha trà, làm đẹp nên lưu ý vì hoa đậu biếc có bộ phận chứa độc tố là hạt và rễ.
Hạt đậu biếc thì chứa khoảng 12% chất dầu. Nó có khả năng gây độc khi nhai nuốt phải. Khi bị ngộ độc, bạn có biểu hiện ói, đi ngoài nặng.
Ths. Bình cho hay: Trong thực tế đã ghi nhận một số ca nhiễm độc tố do ăn phải hạt đậu biếc, chủ yếu là trẻ em. Do đó, ông nói rằng: Nhà có trẻ nhỏ phải cẩn thận nhắc nhở trẻ không chơi, không ăn hạt đậu biếc để tránh bị nhiễm độc tố.
Còn BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thoa (trưởng khoa nội tổng quát 1, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM) thì nói rằng: Hoa đậu biếc có một bộ phận chứa độc tố là hạt. Hạt hoa đậu biếc có chứa khoảng 12% chất dầu. Vì thế, nếu ăn trực tiếp thì sẽ kích thích niêm mạc hệ tiêu hóa gây ói, đi ngoài nặng, thậm chí là nhiễm độc tố.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp ghi nhận người bị ngộ độc do ăn nhầm hạt đậu biếc. Với những nhà có trẻ nhỏ, cần lưu ý nhắc các bé không được chơi, không được ăn hạt đậu biếc vì có thể gây nhiễm độc tố. Nghiêm trọng hơn, với những phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng hoa đậu biếc vì nếu không may nuốt phải hạt rất nguy hiểm. Trong đó có chứa nhiều anthocyanin, chất này có thể gây co bóp tử cung, ảnh hưởng đến thai nhi và mẹ.
Ngoài hạt thì trên cây đậu biếc cũng còn một bộ phận nữa cũng chứa độc tố, đó là rễ. Ths. Lê Thanh Bình cho hay: Rễ cây đậu biếc có vị chát, đắng. Trong đó có lượng nhỏ độc tố để điều chế thuốc tẩy, thuốc xổ, thuốc trị rắn cắn, côn trùng cắn… Vì thế, có thể gây ói nếu ăn phải.
Mặc dù hạt và rễ cây đậu biếc có chứa độc tố, song ở một số quốc gia, chúng lại được dùng làm thuốc để giải nhiệt. Tuy nhiên, cần lưu ý là phải dùng đúng liều lượng kẻo gây hại sức khỏe.
Cần phải cẩn trọng khi dùng hoa đậu biếc. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu
Vậy phải dùng thế nào mới an toàn cho sức khỏe?
Theo lương Y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), y học cổ truyền cho hay: Hoa đậu biếc có tác dụng giảm chứng lo âu, rất tốt cho người bị bệnh trầm cảm. Nó có khả năng an thần, lợi tiểu, giải nhiệt, làm đẹp da…
Mặt khác, hoa đậu biếc còn dùng để kích thích tiết insulin, giúp kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Dù vậy, các chuyên gia cho hay: Kể cả người khỏe mạnh bình thường, nếu sử dụng quá liều lượng có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể. Do đó, mỗi ngày chỉ uống 1 – 2 ly trà hoa đậu biếc (tương đương với 5 – 10 bông).
Với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người đang trong chu kỳ, chuẩn bị phẫu thuật, người già, đang dùng thuốc chống đông máu… thì nên hạn chế sử dụng.
Đây là những thông tin mà báo chí đã đề cập cả rồi nè các mẹ, mà có khi nhiều người giống mình chẳng biết ý. Mong là sau bài này, không mẹ nào gặp phải tình huống như mình nữa, chứ mình dính 1 lần, đúng là sợ tới già luôn ấy.
Nguồn: Tổng hợp