Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội những ngày qua tăng cao, trong đó số ca mắc là trẻ em không ít. Các bác sĩ cảnh báo cha mẹ không nên cho con dùng loại thuốc này.

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội cha mẹ tuyệt đối không dùng thuốc kháng virus cho trẻ.

Lý do trước tiên là trẻ nhỏ mắc Covid-19 thường nhẹ, ít có trường hợp diễn biến nặng. Trong trường hợp này trẻ sẽ tự khỏi và không cần dùng đến thuốc kháng virus. Nếu dùng thuốc kháng virus trẻ có nguy cơ biến biến nặng, đối mặt với nguy cơ biến chứng.

Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh: “Như liên quan đến phụ nữ có thai và cho con bú không dùng được bởi sẽ liên quan đến các vấn đề đột biến gen. Hiện chưa có nghiên cứu gì về tác hại của thuốc kháng virus cho trẻ nhỏ nên không dùng cho trẻ”.

Cũng cùng quan điểm này, bác sĩ Nhi khoa Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà cảnh báo cha mẹ không nên dùng thuốc kháng virus cho trẻ em.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ em không có chỉ định dùng thuốc kháng virus SARS-CoV-2, trừ duy nhất một loại là Remdesivir. Đây là thuốc đường tĩnh mạch, phụ huynh không thể mua vì có nguy cơ tai biến nặng. Có một số nghiên cứu cho rằng Remdesivir có tác dụng với trẻ mức độ nặng và nguy kịch (các trường hợp này đều nhập viện) và phải sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia Nhi khoa.

Theo bác sĩ Cường thì trẻ em không nên dùng thuốc kháng virus vì lợi tích của thuốc kháng virus không rõ ràng và chưa có bằng chứng thuốc này giúp trẻ mau khỏi bệnh và hiệu quả.

Loại thuốc này tiểm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ nhỏ như phản vệ, sốc phản vệ do quá mẫn với thuốc, buồn nôn, tiêu chảy, tổn thương gan, tăng men gan. Trẻ phải đánh giá chức năng thận trước khi dùng (mức lọc cầu thận > 30ml/ph), nếu thận không tốt có thể gây tổn thương thận, phát ban ngoài da.

Những lưu ý khi điều trị F0 là trẻ nhỏ tại nhà

 

Nếu trẻ là F0, cha mẹ cần cho con cách ly tại phòng riêng, không ăn chung với gia đình, không dùng chung vật dụng hàng ngày với các thành viên khác. Ngoài ra cha mẹ cần nghiêm túc thực hiện những việc dưới đây:

– Đo thân nhiệt cho con ít nhất 2 lần mỗi ngày hoặc đo khi bé có biểu hiện bị sốt.

– Khai báo y tế cho con hằng ngày qua các ứng dụng được Bộ Y tế công bố.

– Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol cho trẻ. Liều dùng được khuyến cáo là 10 – 15mg/kg/lần, mỗi 4 – 6 tiếng uống một lần, không quá 4 lần/ngày.

– Nếu trẻ có triệu chứng ho, cha mẹ có thể cho con uống thuốc ho nhưng ưu tiên sản phẩm bằng thảo dược.

– Cho con uống nhiều nước và bổ sung điện giải nếu bé bị sốt hoặc tiêu chảy, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm mà không có chỉ định từ bác sĩ.

– Cho bé mặc quần áo thoải mái, phòng cách ly đảm bảo khô thoáng, sát khuẩn vật dụng, bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Vệ sinh cá nhân cho trẻ mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối sinh lý, rửa tay, sát khuẩn thường xuyên.

– Cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua các bữa ăn để cung cấp năng lượng và tăng sức đề kháng cho con. Trường hợp bé còn bú mẹ thì mẹ nên ăn uống đủ chất để con được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.

– Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Đồng thời, hướng dẫn bé các bài tập vận động thường xuyên, nâng cao sức khỏe.

Khi nào cần đưa trẻ F0 đến bệnh viện?

Thời gian ủ bệnh ở trẻ nhỏ nhiễm Covid-19 từ 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày. Các triệu chứng khởi phát thường gặp là ho, sốt, mệt mỏi, đau họng, nghẹt mũi, nôn, tiêu chảy,… Nếu bị nhẹ và được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể tự hồi phục sau 1-2 ngày.

Nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần liên hệ ngay với nhân viên y tế:

– Trẻ sốt cao, đỏ mắt, đỏ môi, chân tay sưng phù, phát ban, đau họng…

– Trẻ nôn ói, co giật, khó thở

– Trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc, không tỉnh táo.

Đồng thời, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số về mạch, nhịp thở, huyết áp, SpO2 cho con. Nếu trẻ có nhịp thở nhanh trên 40 lần/phút (trẻ từ 1 – 5 tuổi) và trên 30 lần/phút (trẻ 5 – 12 tuổi) hoặc SpO2 dưới 95% thì phải báo ngay với nhân viên y tế để được hỡ trợ kịp thời.

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ