Ánh lên trong mắt mẹ khi nhìn thấy tôi là niềm vui ngập tràn hạnh phúc, hơi ấm trong vòng tay mẹ lan tỏa khắp xung quanh. Và cả nỗi đau trong mắt bà khi nhìn tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng – đến tận cuối đời, mẹ vẫn lo lắng xem ai sẽ thay bà chăm sóc tôi trong những năm tháng sau này.
Có lẽ, trên đời này, sẽ không có một tình yêu nào lớn lao như tình yêu mẹ. Mẹ là chỗ dựa, là bình yên, là tình yêu vô điều kiện, là vỗ về ủi an. Dù con có lớn thế nào đi nữa, trong lòng mẹ, con vẫn mãi là đứa trẻ nhỏ bé cần được mẹ che chở, hy sinh.
Và cũng chẳng có nỗi đau nào có thể so sánh được nỗi đau mất mẹ.
Đó là nỗi đau khi bạn nhận ra rằng mình đã vĩnh viễn mất đi người sẽ yêu thương bạn đến hết cả cuộc đời, người luôn ở đằng sau sẵn sàng dang tay ôm bạn vào lòng sau những sóng gió cuộc sống, người sẽ luôn bao dung cho mọi sai lầm, và dành cả trái tim để quan tâm tới bạn mỗi ngày. Một nỗi đau của sự mất mát, của sự cô đơn và bơ vơ đến tận cùng.
Mỗi nỗi đau là không giống nhau, nhất là khi người mẹ mà bạn yêu thương nhất cõi đời nói lời vĩnh biệt. Thế nhưng, những ai từng trải qua nỗi đau này đều thấu hiểu sự tuyệt vọng và lạnh lẽo đến nhường nào khi phải đối mặt với những ngày tiếp theo trong cuộc sống, những ngày mà rồi đây sẽ mãi mãi thiếu đi dáng hình người phụ nữ ấy.
Ngày hôm nay, Ngày của mẹ – tôi xin được dành bài viết này cho những ai đã và đang trải qua nỗi đau cùng cực khi không còn mẹ ở bên. Bởi nỗi đau ấy là quá lớn, nhưng cũng chính từ những nỗi đau, chúng ta mới có những bài học để trưởng thành, biết yêu thương và trân trọng hơn. Bài viết này ghi lại 3 bài học lớn nhất mà người viết đã học được, sau sự ra đi của mẹ mình vì căn bệnh ung thư quái ác.
“Đã vài chục năm trôi qua kể từ ngày mẹ qua đời. Sự trống rỗng vì mất mát ấy vẫn đeo bám tôi. Đến tận bây giờ, khi đã gần 30 tuổi, tôi vẫn nhớ bà rất nhiều. Nỗi đau khôn nguôi ấy đã dạy cho tôi ba bài học, đủ để trải qua tháng năm tuổi thơ khó nhọc vì không có mẹ mà vẫn thấy bình an trong lòng.
Một người bạn yêu thương từ giã cõi đời; trái tim bạn như vỡ ra làm trăm mảnh. Buồn thương tiếc nuối là điều ai cũng trải qua, nhưng mỗi người sẽ chọn cách đau buồn khác nhau. Có người hoài khóc, có người giận dữ, ai đó thấy tội lỗi và sợ hãi hay cả bình yên. Không ai có thể nói được rằng, phải như nào mới là buồn thương đau khổ.
Tôi đã khóc khi mẹ qua đời, và tôi đã khóc trong đám tang bà khi dàn hợp xướng trường học cất lên câu hát “Đừng sợ hãi”. Những năm sau đó, tôi không còn khóc nhiều nữa – không phải vì tôi không còn nhớ hay thương bà, chỉ là cảm xúc đã đổ dồn sang những điều khác – có khi là sợ hãi, đôi lúc là giận dữ.
Và rồi nỗi buồn ập đến với tôi đột ngột khi tôi bước qua tuổi 20. Khi một người bạn thân hỏi tôi về mẹ, tôi vỡ òa trong cảm xúc vì đã dồn nén những câu chuyện về mẹ quá lâu, không chia sẻ với ai ngoại trừ người thân trong gia đình. Tôi thấy nhẹ lòng sau nhiều năm sống trong đau khổ.
Những ngày của Mẹ luôn khiến tôi thấy khó khăn. Cái ngày tôi phải chọn áo cưới, thiếu vắng mẹ khiến tôi mất phương hướng. Đôi khi, vào những ngày bình thường, hình bóng mẹ hiện về trong tâm trí khiến tôi suy sụp. Đáng nhẽ ra, mẹ sẽ cùng tôi đi thử áo cưới và khen rằng, trông tôi thật tuyệt trong bộ váy này. Tôi không nhớ một bữa ăn do chính tay mẹ chuẩn bị như thế nào nữa; chỉ nghĩ đến đó thôi khiến lồng ngực tôi đau nhói và bụng dạ nôn nao. Nỗi nhớ mẹ và cảm giác mất mát ấy, nó đã chuyển từ nước mắt sang vô vàn cảm xúc trên khắp cơ thể.
Sẽ không có một điều gì như là sự nhẹ nhõm tận cùng. Không phải bạn cứ khóc mới là buồn, và nỗi đau sẽ chẳng nguôi ngoai qua dần năm tháng. Nhưng chấp nhận tất cả những cảm xúc đó sẽ khiến bạn thấy thoải mái hơn.
Đúng, không ai có thể thay thế mẹ được. Tình yêu của mỗi đứa trẻ cho bà mẹ là khác nhau, và sẽ không có người mẹ nào yêu tôi như cách mẹ tôi thương yêu tôi được. Giữa cuộc đời này, tìm đâu được người chăm sóc khi ta ốm, dẫn lối ta qua những biến cố cuộc đời, lắng nghe và yêu thương chúng ta vô điều kiện?
Với một bà mẹ, đứa trẻ luôn là ưu tiên đầu tiên. Chúng ta biết được điều đó, cảm nhận thấy kể cả khi mẹ không nói ra. Mẹ tôi đã sung sướng biết bao ngày tôi chào đời – một bé gái khỏe mạnh. Người ta nói rằng mẹ đã gọi tôi là thiên thần nhỏ của mẹ.
Giữa biết bao nhiêu sự sống trên thế giới, tôi và mẹ đã tìm được nhau một cách đầy phép màu và kỳ diệu – đó không phải điều tuyệt vời nhất rồi sao? Sẽ không ai có thể thay thế mẹ được – người yêu thương tôi hơn cả chính bản thân bà. Ánh lên trong mắt mẹ khi nhìn thấy tôi là niềm vui ngập tràn hạnh phúc, hơi ấm trong vòng tay mẹ lan tỏa khắp xung quanh. Và cả nỗi đau trong mắt bà khi nhìn tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng – đến tận cuối đời, mẹ vẫn lo lắng xem ai sẽ thay bà chăm sóc tôi trong những năm tháng sau này.
Ai sẽ là người chuẩn bị bữa ăn cho tối mỗi ngày tới trường? luôn khiến tôi ngạc nhiên với những con búp bê xinh đẹp, từng món đồ chơi tôi luôn ao ước? Bà cũng là người dạy tôi biết cách cư xử, biết đứng dậy khi vấp ngã, lên tiếng trước điều bất công, gạt nước mắt bước qua những thất bại cuộc đời.
Tôi luôn tìm hình bóng của mẹ giữa đời thường; những con người ấm áp, đầy lòng trắc ẩn và sự tử tế như mẹ tôi. Một người vừa có sự hài hước nhưng cũng kiên cường mạnh mẽ. Đâu đó quanh tôi, có những người ẩn chứa tính cách như vậy nhưng không phải tất cả. Và cũng không ai giống mẹ tôi cả; sẽ chẳng có một ai trên thế giới này có thể thay thế mẹ trong cuộc sống và cả trong lòng tôi cùng gia đình.
Không ai có thể thay mẹ, đó là điều tôi không thể phủ nhận, nhưng luôn có những người ở xung quanh yêu thương bạn hoặc ai đó cho bạn yêu thương. Bạn còn anh chị em, bố và bao bạn bè khác. Họ có thể không biết chính xác những điều bạn cần hay làm sao để giải quyết vấn đề của bạn, có người ở bên cạnh lúc buồn cũng thật tuyệt vời. Hãy nhớ rằng, ai cũng có vấn đề trong cuộc sống và bạn không phải người duy nhất biết buồn. Đừng thu mình trong nỗi buồn riêng và nghĩ rằng, bạn là kẻ bất hạnh nhất trên đời.
Có thể những thành viên trong gia đình sẽ không thể ở bên bạn mọi lúc, nhưng nếu chấp nhận rộng vòng tay đón nhận những con người mới mẻ – ai đó sẵn sàng yêu thương bạn hoặc để bạn yêu thương, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn, hoặc ít nhất, bạn tìm được người để trút bầu tâm sự.
Tôi may mắn khi có một người cha vô cùng tận tâm và yêu thương gia đình. Bố vẫn hay gọi điện để xem tôi có ổn không; ông thấy lo lắng khi tôi buồn, vui sướng hạnh phúc khi biết tin tôi sắp kết hôn. Bố luôn lắng nghe mọi chia sẻ và tin tưởng tôi với mọi quyết định trên đường đời. Tôi có một người chồng yêu thương tôi bằng tất cả trái tim, chấp nhận tôi với mọi cung bậc cảm xúc. Và cả những người bạn xung quanh – những người tôi biết rằng họ thực sự quan tâm đến tôi bằng thấu cảm và sự tận tình.
Sự ra đi của một ai đó quan trọng trong cuộc sống là một lần để ta nhìn lại những mối quan hệ xung quanh và biết cách trân trọng mọi thứ hơn. Đó là khi tôi biết mình cần về thăm bố thường xuyên mỗi dịp nghỉ lễ, liên lạc với những người bạn thân cách nửa vòng trái đất, và dù đã kết hôn lâu vẫn thỉnh thoảng nhắn tin cho chồng mình: “Dạo này anh vẫn ổn chứ?”. Cuộc sống vốn dĩ ngắn ngủi và mong manh, đâu ai biết trước được khi nào sẽ là ngày cuối cùng cuộc đời? Sự ra đi của mẹ khiến tôi nhận ra điều quan trọng không phải chúng ta còn sống được bao lâu mà chúng ta còn đối xử tốt với nhau bao lâu nữa”.
Chúng ta không ôm nỗi buồn và niềm đau để lớn lên, nhưng đó sẽ là chất mùn của cuộc sống, để ta gieo vào đó sự bình an và nhìn nó trưởng thành với tất cả sự thấu hiểu tròn vẹn. Mất mát không phải điều đáng sợ, buồn thương cũng vậy – đáng sợ hơn cả là khi ta cứ kéo lê mất mát ấy như gánh nặng cuộc đời mà không bao giờ biết cách vơi đi nỗi buồn.