–Khi trở thành F0, xông hơi là phương pháp nhiều người áp dụng tại nhà để chữa trị bệnh. Vậy phương pháp này có thực sự tốt và cách thức xông như nào là chuẩn nhất?
Nhiều chuyên gia cho biết, xông hơi có tác dụng kích thích đề kháng của cơ thể, nhưng việc này không thể diệt được virus như nhiều người vẫn nghĩ.
Theo các chuyên gia, xông có thể giúp cho tình trạng viêm mũi họng, nghẹt mũi giảm đi ít nhiều, từ đó giúp người bệnh dễ chịu hơn nhưng không nên lạm dụng xông.
Bởi vì khi xông mũi hay xông hít bằng tinh dầu đều là những cách để làm ấm vùng mũi, sát khuẩn đường mũi, giảm phù nề, giúp bớt sổ mũi, nghẹt mũi. Thế nhưng, nếu thực hiện quá nhiều hoặc xông quá nóng sẽ làm tổn thương niêm mạc, khi đó lại càng bị nghẹt mũi nặng hơn.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết khi xông mọi người có thể sử dụng các thảo dược đơn giản, dễ kiếm. Nếu không có các loại lá này, có thể mua viên tinh dầu xông về cho vào nước cũng được.
Khi xông vùng mũi họng thì cần làm sạch mặt tạo điều kiện cho da và lỗ chân lông tiếp xúc với nhiệt và ẩm tốt hơn. Trước khi xông nên uống một ít nước và ăn nhẹ.
Cách nấu một nồi thuốc xông toàn thân tại nhà gồm 3 loại lá như sau:
– Lá có tinh dầu, có tác dụng sát trùng đường hô hấp: lá bưởi, lá chanh, lá tía tô, lá kinh giới, lá sả, lá hương nhu, lá bạc hà,…
– Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá trúc, đậu săng, lá duối.
– Lá có tác dụng kháng sinh: lá hành, lá tỏi, bồ công anh, kim ngân hoa, sài đất…
Các loại lá trên, bạn lấy mỗi thứ một ít, rửa sạch rồi cho vào nồi cùng khoảng 2-3 lít nước, đun sôi. Đặc biệt những lá có tinh dầu cho vào sau khi nước đã sôi, đậy kín vung, đun sôi lại khoảng 10-15 phút thì bắc ra.
Khi xông chùm chăn kín cả người nếu xông toàn thân. Còn nếu xông vùng tai mũi họng thì chỉ cần lấy khăn bông trùm kín đầu, chỉ nên cho 1 cốc nước xông nhỏ, không để chậu nước to vì có thể ngã vào gây bỏng. Bởi vì thực tế, đã có trường hợp bị bỏng vì úp mặt vào chậu nước xông.
Khi xông như vậy, tinh dầu từ các loại lá này bốc lên, bạn sẽ thấy rất dễ chịu. Sau khi xông hơi xong thì cần lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh trực tiếp thổi vào người, tốt nhất nên ở phòng kín gió.
Ngoài ra, người bệnh có thể ăn thêm cháo, súp. Có thể nấu cháo tía tô với thịt bằm, cháo tía tô với lòng đỏ trứng gà sẽ giúp bạn dễ nuốt, bổ sung dinh dưỡng, ra mồ hôi và nhanh khỏi bệnh hơn.
Một số lưu ý khi xông hơi để chữa bệnh như sau:
– Xông hơi mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng một số người không nên xông, bao gồm: Trẻ em, người già, người hạ huyết áp, người có bệnh mãn tính, ung thư, phụ nữ đang đến chu kỳ, bà bầu.
– Sau khi xông hơi, tốt nhất mọi người nên uống một ly nước ấm, hoặc trà gừng, soup hay cháo nóng, sẽ giúp làm ấm cơ thể và dễ chịu hơn.
– Với trường hợp xông toàn thân, chỉ nên xông cách nhật hoặc trong quá trình theo dõi Covid-19 tại nhà. Mỗi lần xông không quá 20 phút.
– Một số trường hợp về sức khỏe, về tâm lý cần lưu ý không nên xông hơi.
– Cần chú ý một số vấn đề có thể gặp khi xông hơi như: mất nước và chất điện giải, hạ huyết áp, tăng nhịp tim, khô da…