Dạy con như thế nào cho phải để con nhớ, không tiếp tục mắc lỗi chứ không phải là cách để trút giận khi con cái không làm đúng theo ý của bố mẹ. Điều này thể hiện quyền lực, sự nóng giận, thậm chí bất lực của của người lớn trong việc dạy con và người gánh chịu hậu quả, không ai khác, chính là những đứa trẻ.

Những ngày vừa qua, đọc thông tin về việc cô bé 12 tuổi (ở Hà Đông, Hà Nội) bị mẹ ruột bạo hành và bị người tình của mẹ xâm hại khiến chúng ta không khỏi xót xa, thậm chí phẫn nộ.

Khoan nói về việc em bị xâm hại, điều này sẽ được pháp luật điều tra và trừng trị thích đáng kẻ đã xâm hại em. Điều tôi muốn đề cập ở đây là hành xử của bà mẹ, người đã ra tay đánh đập đứa con ruột nhẫn tâm và những tổn thương cả về thể chất và tinh thần mà những đứa trẻ phải gánh chịu khi bị chính người thân yêu nhất bạo hành.

11 Lý Do Tạo Ra Khoảng Cách Giữa Cha Mẹ Và Con Cái - TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHCLấy ví dụ từ chính bản thân tôi, năm nay 34 tuổi, đã là ông bố của hai cậu con trai nhỏ. Nhưng quả thực đến thời điểm này, khi nhắc lại những ký ức thủa nhỏ, tôi vẫn không thể quên được những trận đòn roi của bố ngày xưa.

Nó là những vết roi mây quất ngang người; là má in hằn 5 hình ngón tay với cái tát như trời giáng của bố; là thâm tím chân khi bị cả khúc gỗ hay cái đòn gánh phạng vào hay là cảm giác sợ hãi khi bị trói 2 tay vào gốc cau đứng chịu phạt…

Nỗi ám ảnh ấy là ký ức buồn nhưng cũng giúp tôi đúc rút nhiều bài học xương máu để bây giờ, tôi không bao giờ lựa chọn cách dạy con bằng roi vọt dù nhiều lúc, sự ngang bướng, lì lợm của cậu con trai lớn cũng đã chạm đến giới hạn chịu đựng của một ông bố như tôi.

Ngày xưa các cụ vẫn có câu nói: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay “Không có đòn roi thì không nên người”. Có thể với một số người, việc đánh răn đe mỗi khi con hư cũng phần nào khiến con sợ và đem lại chút hiệu quả, nhưng đây không thể là một hình thức lạm dụng để dạy con.

Chúng ta, ai cũng từng là một đứa trẻ, trải qua các giai đoạn phát triển tự nhiên. Ở mỗi độ tuổi, suy nghĩ và hành động lại có sự khác nhau. Sự ngang bướng, thích làm theo ý mình, thậm chí là nổi loạn là điều khó tránh khỏi, nhất là trong giai đoạn dậy thì. Đó là tâm sinh lý lứa tuổi.

Nhưng trong mắt những bậc phụ huynh, những đứa con luôn là những đứa trẻ phải nghe lời bố mẹ; phải làm theo suy nghĩ áp đặt của người lớn; phải học hành thật giỏi giang cho bằng bạn, bằng bè nên đôi khi, con cái không đạt được những kỳ vọng ấy, bố mẹ dùng đòn roi để khống chế, để cho vào khuôn khổ.

Nhiều ông bố, bà mẹ cứ hễ thấy con có lỗi là lôi ra đánh; con bị điểm kém cũng đánh; con làm phật ý bố mẹ cũng bị “ăn đòn”, thậm chí, phát hiện con ở tuổi dậy thì có người yêu, lập tức người lớn lao vào đánh chửi cảnh cáo, buộc chấm dứt mối quan hệ yêu đương…

Và cũng không ít trường hợp, thay vì phân tích cho con việc đúng việc sai, điều nên và không nên làm trong từng độ tuổi thì kèm theo những trận đòn roi là vô số những lời lẽ khó nghe, nhục mạ của người lớn – những ngôn từ không hề phù hợp với lứa tuổi con trẻ.

Điều tôi muốn nói ở đây là dạy con như thế nào cho phải để con nhớ, không tiếp tục mắc lỗi chứ không phải là cách để trút giận khi con cái không làm đúng theo ý của bố mẹ. Việc đánh con như vậy không dừng lại ở mức độ đánh răn đe mà hành động đánh con còn thể hiện quyền lực, sự nóng giận, thậm chí bất lực của của người lớn trong việc dạy con và người gánh chịu hậu quả, không ai khác, chính là những đứa trẻ. Và bố mẹ sẽ chẳng thể hình dung, sau những trận đòn roi, con trẻ sẽ bị tổn thương về thể chất và tâm lý nặng nề đến mức nào.

Vậy nên, dù là trong hoàn cảnh và lý do như thế nào, việc bình tĩnh xử lý vấn đề luôn cần được ưu tiên. Dùng bạo lực để áp đặt, dạy con chỉ mang giá trị tức thời, không có giá trị định hướng đối với đứa trẻ. Và cũng không nên bao biện, đánh con mới là thương con. Đôi khi, bạo lực không làm cho đứa trẻ ngoan hơn mà vô hình chung lại đẩy bố mẹ với con cái dần xa cách nhau hơn!