Hãy đọc và suy ngẫm xem bạn đã đối xử với bố mẹ của mình như thế nào nhé!
Câu chuyện buồn về cha và con
Câu chuyện của người cha và cô con gái này thực sự cảm động khi bắt đầu và kết thúc rất buồn.
“Vào ngày con được sinh ra, cha sung sướng vô cùng và rồi cha đi đến quảng trường của bệnh viện, nơi thờ Chúa để cảm ơn Ngài đã ban cho cha một báu vật vô giá. Sau khi hút điếu thuốc cuối cùng, điếu thuốc mà cha đã cai hơn trăm lần mà chẳng thể bỏ, cha tự hứa rằng sẽ cai hẳn thuốc lá, đến nay cha đã cai được 28 năm.
Sau đó, cha và mẹ li hôn, cha đã từ bỏ tất cả tài sản chỉ với một điều kiện: dẫn con theo. Cha luôn lo sợ có ai đó cướp đi bảo bối duy nhất nên đêm nào cũng không ngủ được.
Có nhiều lúc, con bị sốt cao vào giữa đêm. Ông đưa con gái đến bệnh viện và rơi nước mắt vì lo lắng. “Chuyện gì đã xảy ra với con vậy cha?”, con hỏi. Cha liền bảo: “Không sao cả, con sẽ khỏe lại thôi. Cha yêu con rất nhiều”. Con gái lau nước mắt cho cha mình và nói: “Con cũng yêu cha”.
Con dần dần lớn lên và ngày càng xa cha. Cho đến một ngày, con về nhà và dẫn theo bạn trai. Khi đó cha vừa vui vì con có thêm một người có thể cùng con chia sẻ, chăm sóc con nhưng cha cũng rất buồn vì con sẽ dần dần xa cha, con có biết lúc đó cha như thế nào không?
Một người lạ gọi cha là cha vợ đã đưa con gái của cha đi, rồi con cũng kết hôn và sinh con, rồi dần dần xa khỏi vòng tay cha.
Lúc đó, mỗi tuần con đều gọi điện về cho cha một lần, rồi con bảo bận công việc, con chỉ gọi cho cha mỗi tháng một lần nhưng cha vẫn vui vẻ trò chuyện cùng con, và con bảo bận chăm con nhỏ và công việc, cha mòn mỏi chờ điện thoại của con cả nửa năm nhưng vẫn không có cuộc gọi đến.
Mặc dù nhà chồng và nhà ta chỉ cách nhau có một tiếng chạy xe, nhưng cha lại ngỡ rằng mình cách con hàng vạn dặm. Cha đau lắm chứ, nhưng càng đau hơn đó là những lời thăm hỏi lạnh nhạt của con mỗi khi gọi đến.
Cha bị bệnh và phải nhập viện. Một mình cha cô đơn trong phòng bệnh trong khi những bệnh nhân khác con cháu tới thăm rất đông. Cha thật sự ghen tị với họ và cũng hi vọng một ngày nào đó, con sẽ đến thăm cha. Thật hạnh phúc khi con đã đến thăm cha nhưng chỉ được hai lần, lần nào con cũng vội vã ra đi vì bận công việc.
Cha nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ hoàn toàn tốt đẹp và con gái của cha sẽ nghĩ về điều đó một lần, thậm chí con sẽ nghĩ cách chăm sóc cha. Tuy nhiên, cha đã lầm to, con đã không chăm sóc cha vì lý do công ty con có rất nhiều việc, con kiếm người thay con chăm sóc cho cha, đó là một bảo mẫu xa lạ.
Cuối cùng, cuộc đời cha đã đi qua sinh, lão, bệnh rồi giờ đến tử. Trái tim cha đã khô héo vì cô đơn, bị con cái bỏ mặc.
Cha sống đến từng tuổi này rồi, chỉ trong 3 tháng thôi, cha đã ngộ ra nhiều điều, cảm ơn con đã kiếm “người giữ cha” tốt. Cha đã đưa ra ý định này: Tiền thuê nhà ở Thượng Hải quá đắt, cha quyết định để lại nhà cho cô Trần tốt bụng, tiền tiết kiệm của cha không nhiều nhưng đủ cho con lấy chồng và sinh con, giờ cha chỉ còn hơn 800.000 tệ lương hưu, để cho cô nốt vậy.”
Báo hiếu cha mẹ trước khi quá muộn
Mẹ bạn tôi vừa qua đời. Bạn tự trách bản thân bởi còn nhiều lời hứa với mẹ chưa thực hiện. Bạn từng muốn đưa mẹ đi du lịch, mua cho mẹ thứ này, thứ kia hay đơn giản chỉ là nghỉ trọn vẹn một ngày về thăm mẹ. Nhưng rồi, công việc cứ cuốn bạn đi, lo toan cuộc sống cứ chiếm hết tâm trí, thỉnh thoảng nhớ thì tự biện minh “để sau cũng được”.
Sự lần lữa đó khiến bạn không có cơ hội để làm cho mẹ những điều đơn giản nhất để giờ đây phải sống trong sự hối tiếc khôn nguôi. Nỗi ân hận đó không chỉ của riêng bạn tôi mà còn của rất nhiều người. Bởi chúng ta thường dự định làm rất nhiều điều để báo hiếu cha mẹ nhưng luôn chờ đợi đến một thời điểm thích hợp với một điều kiện cụ thể nào đó.
Muốn mua cho cha mẹ thứ này thứ kia nhưng tiền bạc không dư dả, muốn đưa cha mẹ đi chơi lại không có thời gian. Cứ thế, rất nhiều người không kịp thực hiện điều đó vì cha mẹ ngày càng già yếu, trong khi cuộc sống càng nhiều mối bận tâm.
Chị đồng nghiệp của tôi đã chọn cách báo hiếu rất thiết thực. Cha mẹ chị đã ngoài 70 tuổi và đang sống cùng gia đình em trai chị. Hằng ngày, chị đi làm nhưng luôn tranh thủ nấu món ngon hoặc mua thức ăn bổ dưỡng mang qua cho cha mẹ. Cứ đều đặn như thế, chị không quên ngày nào. Áo quần của cha mẹ chị cũng tự tay sắm không thiếu thứ gì, từ cái khăn quàng đến đôi tất. Cuối tuần, chị dành nửa ngày về với cha mẹ. Ngồi bên cha mẹ bóp chân, bóp tay, lắng nghe ông bà trò chuyện.
Chị bảo, chẳng cần đưa cha mẹ du lịch ở những nơi sang trọng, chỉ cần thỉnh thoảng đưa ông bà về thăm quê là đủ. Người già thường hướng về quê hương, bà con thân thuộc nhưng không dám lên tiếng vì sợ con cháu bận việc. Nếu chủ động đưa cha mẹ về quê, họ sẽ cảm thấy rất vui.
Báo hiếu không cần đến những lễ mừng thọ rình rang, xây lăng, đắp mộ thật lớn khi cha mẹ qua đời. Bởi cha mẹ không cần các con làm điều gì to tát mà đơn giản chỉ là một cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe, một chút quan tâm lúc trái gió trở trời, thậm chí chỉ là dành ít thời gian trò chuyện, lắng nghe tâm tư cha mẹ là đủ.
Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy nhưng mấy người làm được cho cha mẹ mình. Để rồi, khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ sống hoài trong hối hận vì những điều chưa kịp làm. Bởi vậy, nếu ai vẫn đang canh cánh trong lòng những dự định báo hiếu cha mẹ thì hãy thực hiện ngay từ bây giờ, chẳng cần đợi đến khi đủ tiền, dư thời gian…
4 điều nên làm cho cha mẹ trước khi quá muộn
Gặp cha mẹ nhiều hơn
Người cao tuổi thường cảm thấy cô đơn, muốn an hưởng tuổi già bên cạnh con cháu. Thế nhưng nhiều người trẻ đi học, đi làm xa nhà, mỗi năm chỉ về thăm cha mẹ đôi lần vào dịp lễ, Tết.
Dù cuộc sống nhiều áp lực, gánh nặng cơm áo gạo tiền, học hành hoặc thăng tiến trong xã hội, bạn vẫn có cách sắp xếp thời gian cho cha mẹ nhiều hơn. Thời gian không chờ người già yếu, đấy là tài sản quý giá nhưng cũng hao mòn nhanh nhất.
Kiên nhẫn lắng nghe
Ở chặng cuối cuộc đời, người già có xu hướng sống với ký ức và hoài niệm. Bạn hãy tập cho mình thói quen lắng nghe những câu chuyện kể đi kể lại. Ngày xưa bé, cha mẹ cũng từng kiên nhẫn trả lời hàng trăm câu hỏi ngây ngô của bạn.
Tuổi già thường nảy sinh bất ổn tâm lý như trầm cảm, buồn bã, lo lắng… Thấu hiểu điều này, con cái nên động viên, quan tâm, thủ thỉ chia sẻ để cha mẹ bớt ưu phiền.
Thể hiện yêu thương
Nhiều người cho rằng, con cái giàu có, cha mẹ ắt được an nhàn. Tiền bạc có thể xây được nhà cao cửa rộng, sắm quần áo xa xỉ hay những thức quà đắt đỏ… Song với người già, cao lương mỹ vị không quý bằng chai mật ong rừng, hộp bánh quy thơm giòn mà con cháu tận tay biếu tặng cùng tấm thiệp nắn nót ghi lời yêu thương. Người giúp việc túc trực phục vụ cũng không ấm áp bằng vòng tay ôm ấp của các con.
Có nhiều cách giúp bạn thể hiện yêu thương với đáng sinh thành. Ngoài việc thường xuyên gọi điện thoại tâm tình, bạn cũng có thể gửi tin nhắn hỏi thăm mỗi ngày, kết thúc bằng thông điệp “#LU (love you) – Con yêu cha mẹ” sau mỗi đoạn trò chuyện. Đó chính là suối nguồn tươi trẻ nuôi dưỡng tinh thần cho người cao tuổi.
Về ăn cơm
“Về ăn cơm” cũng là tên ca khúc do nhạc sĩ trẻ Sa Huỳnh sáng tác. Tiếng gọi thân quen mỗi ngày của cha mẹ khiến nhiều người nhớ về tuổi thơ quây quần bên mâm cơm gia đình. Ngay cả khi con cái khôn lớn, người già vẫn có thói quen chờ đông đủ thành viên mới dùng bữa. Vậy nên, dù bận rộn đến mấy, bạn cũng đừng quên về sớm ăn cơm cùng cha mẹ.