Khi còn sống, nhất định bạn không được chần chừ, chờ đợi 2 việc này.
2 việc tuyệt đối không nên chờ đợi trong đời
1. Hiếu kính với cha mẹ
Trên thế giới này, có vô số việc có thể chờ đợi nhưng hiếu kính với cha, mẹ thì không. Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng, không biết đã có bao nhiêu người con muốn chăm sóc bù đắp cho cha, mẹ nhưng song thân không thể đợi được đến lúc đó.
Từ khi chúng ta ê a học nói cho đến khi trưởng thành xây dựng cuộc sống riêng, thử hỏi từng giai đoạn trong quá trình đó, có giai đoạn nào không có tâm huyết của mẹ, cha?
Chúng ta khôn lớn thành người cũng là lúc cha, mẹ già đi từng ngày, vì thế, kính hiếu với cha mẹ là việc phải đặt lên đầu, càng sớm càng tốt. Ơn dưỡng dục nặng tựa núi cao, nếu không thể báo đáp, cả đời người làm con sẽ phải sống trong hối tiếc.
2. Chăm sóc sức khỏe bản thân
Sức khỏe là vốn liếng căn bản nhất của cuộc đời mỗi con người, chớ dại dột hay xem nhẹ mà đợi đến khi có bệnh đầy người mới hối không kịp.
Khi còn trẻ, con người ta có thể mang bán sức lấy tiền mà ít ai nhận thức rõ rằng, khi về già, có mang bao nhiêu tiền ra cũng khó có thể đổi được sức khỏe và mạng sống.
Trách nhiệm trên vai càng nặng, càng phải coi trọng sức khỏe của bản thân, đừng thấu chi sinh mệnh mà hãy tranh thủ lúc còn khỏe mạnh dẻo dai vận động, tăng cường thể lực, thể chất cho bản thân.
4 điều quan trọng cần làm trong đời
1. Học cách im lặng
Tuy rằng nói ra những suy nghĩ trong lòng với người khác một cách cởi mở có thể sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm, giống như bỏ xuống được tảng đá trong lòng vậy, nhưng cảm giác này chỉ là tạm thời.
Trong bất cứ cuộc xung đột nào, những cảm xúc không thể khống chế được sẽ khiến bạn dễ trở nên cố chấp, đôi bên khó mà trao đổi, hòa hợp được, mối quan hệ cũng có thể vì việc này mà bị tan vỡ. Còn khi bạn thử hiểu và quản lý cảm xúc của mình, bạn sẽ có thể đối diện với xung đột một cách lý tính và tập trung vào việc giải quyết vấn đề giữa đôi bên một cách bình tĩnh. Vì thế, hãy học cách im lặng, suy nghĩ nhiều lần trước khi mở miệng nói.
2. Tăng trí tuệ cảm xúc (EQ)
Chỉ số trí tuệ cảm xúc cao hay thấp cho thấy chúng ta có khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân cũng như của người khác và dùng điều này vào việc khống chế hành vi của bản thân và cân đối các mối quan hệ. Kết quả của các cuộc nghiên cứu nhiều năm qua cho thấy, “chỉ số EQ” là sự khác biệt quan trọng giữa người có biểu hiện xuất sắc với những người khác, bởi vì họ có thể chuyên tâm cho một mục tiêu nào đó và có được thành tựu đáng kinh ngạc.
TalentSmart đã làm một cuộc thử nghiệm EQ và 33 kỹ năng làm việc quan trọng khác, họ nhận ra rằng “EQ” có thể dự đoán được biểu hiện trong công việc của các nhân viên tại sở làm, và 90% người biểu hiện xuất sắc có EQ khá cao.
3. Quản lý thời gian
Chúng ta thường hay dành rất nhiều thời gian và tinh lực cho những việc cấp bách mà đôi khi bỏ qua những điều thật sự quan trọng.
Một ngày trôi qua, cuối cùng sau khi bạn đánh dấu vào tất cả các nhiệm vụ cần làm trên danh sách thì mới phát hiện cả ngày mình chỉ toàn làm những việc gấp gáp và không quan trọng cho lắm, mà hoàn toàn không phân chia công việc nặng nhẹ.
Vì vậy, lên kế hoạch trước khi làm việc và sử dụng thời gian một cách hiệu quả có thể giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu mỗi ngày và cũng có thể dùng thời gian và sức lực vào những việc thật sự quan trọng, cố gắng làm tốt hơn.
4. Lắng nghe
Khi chúng ta lắng nghe người khác nói, thật ra đa phần đều đang tự suy nghĩ xem bản thân mình nên nói gì tiếp theo mà không hề chú ý từng câu từng chữ mà người kia nói. Nhưng lắng nghe thì nên chú trọng việc hiểu suy nghĩ của đối phương chứ không phải cứ luôn phân tâm suy nghĩ nên trả lời thế nào.
“Lắng nghe” là kỹ năng đặc biệt quan trọng trong quan hệ giao tiếp, chúng ta cũng có thể rút ra được kinh nghiệm từ những lời người khác nói và nâng cao bản thân. Và ngoài từng lời từng chữ nói ra, giọng điệu, cử chỉ và ẩn ý trong lời nói cũng có thể bộc lộ một chút thông tin, vì thế luyện tập khả năng quan sát cẩn thận và chú ý lắng nghe có lợi cho chúng ta trong các mối quan hệ giao tiếp.