“Ở cái tuổi đúng ra phải ở nhà được con cháu săn sóc, cụ lại phải còng lưng ra đường bán hàng rong với chiếc xe đẩy. Cụ mím môi, nhắm chặt mắt như cố gắng gồng mình chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt này”.

Những hoàn cảnh khó khăn, vất vả luôn là hình ảnh khiến nhiều người thấy cảm động và không kìm nén được cảm xúc. Và cảm xúc xót xa này dường như được nhân lên gấp bội khi nhân vật chính trong những câu chuyện ấy là người già và trẻ nhỏ. Vừa mới đây, trong một trang mạng xã hội được đông đảo bạn trẻ quan tâm, theo dõi, có một bài đăng kể về hoàn cảnh của một cụ bà nghèo.

Giữa tất tả ngược xuôi người qua kẻ lại, bà cụ vẫn phải hàng ngày oằn mình với công cuộc mưu sinh bằng việc bán những thứ hàng rong ít người để ý đến. Trên gương mặt với những nếp nhăn phủ đầy, trong đôi mắt cơ cực ánh lên một sự lo lắng, mệt mỏi, khắc khoải nhiều cảm xúc. Đình kèm với những hình ảnh bà cụ ngồi nơi đường chiều đông đúc cộ xe qua lại, trang này cũng không quên để lại một vài dòng thông tin.

“Anh mình có đi qua đây và chụp lại khoảnh khắc này. Một bà cụ tuổi “gần đất xa trời” ngồi bán rong tại vòng xuyến ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Ai đi qua nhớ ghé mua ủng hộ bà cái kẹo, điếu thuốc nhé!”.

Ngay khi vừa được đăng tải, hình ảnh cụ bà gục mặt bên gánh hàng rong đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của cư dân mạng. Rất nhiều lượt yêu thích cũng như chia sẻ đã được để lại. Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của bà cụ, rất nhiều người dùng mạng đã không nén được cảm xúc và đã để lại những bình luận chia sẻ.

“Mấy lần đi xe bus qua cũng thấy cụ ở đấy. Bởi vì nhìn cụ già quá mà vẫn phải mưu sinh làm mình lại nhớ đến bà cụ mình, rồi lại nghĩ linh tinh. Giả sử đấy là người thân của mình thì sao? Rồi cứ thế mình không cầm nổi nước mắt”.

“Thật sự không bao giờ dám xem hết những hình ảnh như thế này. Thương mà không làm gì được. Không biết những lúc trái gió trở trời đau ốm có ai chăm sóc cho cụ, lúc lạnh cắt da cắt thịt liệu có đủ áo ấm mặc không?”.

“Thật sự nhìn những cụ ông, cụ bà thấy rất thương và tội. Mỗi lần mình gặp đều biếu ông/bà 5, 10 nghìn. Sức có hạn, cũng biết vài đồng bạc của mình chẳng làm ông/bà đỡ khổ, nhưng ít nhất bát cơm của ông/bà có thêm chút cơm hoặc miếng thịt”.

Ở cái tuổi mà nhiều người hay sum vầy bên con cháu, vui thú điền viên, hưởng trọn cái phúc của cuộc sống an yên, đâu đó vẫn còn có những mảnh đời vẫn phải tất bật với công cuộc mưu sinh, chắt chiu từng giọt nhỏ để kiếm miếng cơm manh áo. Nhiều người thắc mắc, “con cháu họ đang ở đâu?”. Một câu hỏi tưởng chừng như hiển nhiên đấy nhưng chua chát vô cùng vì có mấy ai biết được câu trả lời.

Thôi thì cứ để những câu hỏi như vậy bị bỏ ngỏ. Bởi cho dù biết hay không biết câu trả lời, chúng ta vẫn có thể xót xa cụ, bằng chính sự cảm thông và tương thân cũng như lòng trắc ẩn của mỗi con người mà, phải không?