Lên thành phố tiếp tục hành trình mưu sinh, kiếm tiền, học hành với khát khao đổi đời, ước mong làm giàu… Những đứa con xa quê bỏ lại xóm làng, bỏ lại mẹ cha, ông bà ở phía sau với bao kỳ vọng.
Giá như Tết kéo dài không chỉ là 9 ngày mà là 90 ngày, 900 ngày… chẳng phải để ăn chơi không làm lụng đâu, mà chỉ để những đứa con xa nhà được ở lại với gia đình mình thêm một chút nữa. Ai đi xa mới thấm cảm giác sung sướng, hân hoan khi được về nhà sau cả năm trời học tập, sinh sống, làm việc ở thành phố. Rồi sự luyến tiếc chia li vì hết Tết lại kéo nhau lên thành phố.
Chẳng ai muốn xa quê, chẳng ai muốn tha hương, chẳng ai muốn sống một nơi mà không có bố mẹ, họ hàng, anh chị em, gia đình của mình. Vì mưu sinh, vì ước mơ đổi đời, vì khát khao được làm giàu mà họ chấp nhận điều đó. Với những người đi làm lâu năm có thể cảm xúc đã chai lỳ, họ đã quá quen với việc này nhưng với sinh viên, những bạn trẻ năm 1, năm 2 mới chập chững vào đời đã phải tự mình bươn chải chốn thị thành thật không dễ dàng chút nào.
Những ngày Tết đang vui vẻ bên gia đình, có mẹ có cha, có ông bà nội ngoại, có họ hàng, có làng xóm… ra ra vào vào, mỗi người hỏi han một câu, râm ran cả nhà. Nay lên phòng trọ, đối diện với 4 bức tường trắng, lạnh lẽo, vô tri vô giác; đối diện với những bữa cơm bụi vội vàng, đối diện với những người xa lạ chỉ muốn bật khóc ngon lành.
Vali lên thành phố, ba mẹ nhét cho bao nhiêu thứ, cái bánh chưng, hộp bánh, gói kẹo, bó rau, con gà, thịt cá… Ông bà thì chạy vội theo xe, dúi vào tay đứa cháu mấy trăm ngàn, mong nó lên thành phố học hành chăm chỉ, sống tốt, khoẻ mạnh. Ngay cả đứa em cũng lấy tiền lì xì ra đưa cho chị với lời dặn: “Chị ở trên phố cần tiền hơn em mà.”
Ba ngày Tết cũng hết, những cuộc vui chơi cũng chấm dứt, chúng ta lại cuốn vào thực tại với những nỗi lo cơm áo gạo tiền, những cái deadline dí ở cổ, những đống bài tập chất chồng, những hoá đơn tiền phòng, tiền điện, tiền nước. Cuộc chiến mưu sinh lại tiếp diễn để chờ 12 tháng sau có một cái Tết ấm no hơn.
Có đứa cháu đi học xa nhà, ông bà chẳng biết nó làm gì trên đó, học hành ra sao, nhưng lần nào lên thành phố ông bà cũng đứng tiễn cho đến khi bóng cháu xa dần mới thôi. Năm nay là năm đầu tiên ăn Tết không có ông bà, cũng là năm đầu chẳng có ai tiễn cháu ra đến đầu làng nữa.
Ở trọ mà, đứa nào cũng ăn vội ăn vàng sau những giờ học, giờ làm mệt mỏi. Ba mẹ cứ bắt mang thật nhiều đồ, nhét lấy nhét để bao nhiêu thứ với lời dặn: Chịu khó mang nặng một tý, lên đấy có cái mà ăn con à.
Đang đi học chẳng mừng tuổi ông bà được đồng nào, Tết về ông bà còn lì xì mình rất nhiều coi như tiền cho cháu đi học. Lúc xe chạy ông còn dúi vội mấy trăm nghìn. Nhìn những đồng tiền cũ được ông sắp xếp cẩn thận chỉ muốn oà khóc thật to.
Vali mỗi lền về quê lên sau Tết mang đủ thứ, trên thành phố có hết nhưng chẳng rõ nguồn gốc, chẳng biết đâu là an toàn. Đồ siêu thị thì đắt, nên đồ quê vẫn là thứ ngon nhất, an toàn nhất.
Sau Tết có lẽ là dịp rủng rỉnh nhất của những đứa con xa nhà, ai ai cũng mừng tuổi thêm tiền. Chỉ ước học thật nhanh, đi làm có tiền đền đáp lại công ơn cũng như sự kỳ vọng của mọi người.
Trước khi về mang bao nhiêu sách vở với ý nghĩ ngày Tết mình không đi đâu chơi, sẽ chỉ ở nhà ôn thi, học bài mà thôi. Ấy thế mà chồng sách mang về nay mang đi, chưa đụng vào một cuốn, chỉ tổ nặng vali!
Hành trình lên thành phố cũng chẳng dễ dàng chút nào, về quê đã chen chúc, đi lên còn chật chội không kém. Đủ thứ hành động không văn minh của xã hội tụ về hết trên chuyến xe vào thành phố.
Ở trọ ngoài này chẳng ai quản, tự do tự tại, thế nhưng những ngày mới ra nhớ lắm cảm giác ở nhà rộng thênh thang, nói nói cười cười, đông vui suốt ngày. Căn phòng trọ bé xíu thực sự là nỗi ám ảnh chẳng thể diễn tả nên lời. Người thì nhiều, đông đúc nhưng chẳng ai quen, gặp nhau dù biết nhau cũng không kịp nói câu chào. Ở phố bao năm, mình vẫn không thể là một phần của nơi nào, cứ thấy lạc lõng, xa lạ.
Thương phận mình nơi xứ lạ một thì thương bố mẹ ở nhà lo lắng cho mình đến mười. Có đứa con cưng một thân một mình bươn chải ở đất khách quê người, ai mà không xót cơ chứ.
Tạm biệt quê hương, mọi người ở lại mạnh giỏi, con lên phố tiếp tục hành trình mưu sinh, kiếm sống, tiếp tục công cuộc học hành vất vả với ước mơ đổi đời, có một cuộc sống giàu sang hơn.