Ngay cả khi xung quanh bạn không có F0 nào thì cũng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là phòng dịch. Vì rất có thể vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây dịch.
Những ngày vừa qua, TP.HCM đang tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Trong số đó có cả công tác khoanh vùng, “vét” xét nghiệm và có rất nhiều khu phố may mắn không xuất hiện F0 nào.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của bác sĩ Trương Hữu Khanh (hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), tại những nơi ít hoặc không có F0, bà con cũng đừng vội mừng.
Nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cả một khu phố. (Ảnh: Báo Dân Sinh)
Chia sẻ với Người Lao Động, vị bác sĩ cho biết, kết quả xét nghiệm Covid-19 chỉ có tác dụng trong một thời điểm nhất định. Rất có thể, ở hiện tại, mọi người âm tính không phải là vì không có bệnh, mà là đã nhiễm nhưng đang ủ, không chuyển sang dương tính vì lượng virus trong cơ thể chưa phát triển nhiều.
Mọi người phải hiểu, lý do khiến cho số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng cao dù toàn thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội là bởi F0 vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng. Chưa kể, bệnh nhân nhiễm Covid-19 có đến 60%-70% người không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thậm chí dù có biểu hiện nhưng cũng không phân biệt được rõ với bệnh cảm thông thường. Vì vậy không thể nhận diện F0 tuyệt đối.
Tóm lại, dù cả khu phố đều âm tính đi chăng nữa thì mọi người cũng phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Nếu cứ chủ quan “giao lưu” trở lại thì bạn sẽ rất dễ tiếp xúc với F0. Mà có thể lúc xét nghiệm, F0 đó âm tính nhưng khi gặp mình, họ đã chuyển biến nặng hơn và đã là dương tính rồi.
Công tác xét nghiệm được thực hiện đảm bảo an toàn phòng dịch. (Ảnh: Công An Nhân Dân)
Hiện nay, có rất nhiều địa phương đang nghĩ đến phương án “tái hoà nhập” khi tỉ lệ vaccine bao phủ cộng đồng được nâng cao. Tuy nhiên, những nơi này cũng đề cao thực hiện theo nguyên tắc “chậm mà chắc”, tức là nới lỏng dần chứ không phải ngay lập tức, mọi người đều có thể hoạt động trở lại như khi chưa từng có dịch.
Bởi theo vị bác sĩ chia sẻ với Người Lao Động: “Việc “thả lỏng” quá sớm sau 1-2 đợt xét nghiệm từng là lý do khiến nhiều khu phố bị phong tỏa nhiều lần đến khi hết F0. Không có chuyện virus ủ trên 14 ngày. Khu nào bị phong tỏa cả tháng vì cứ phát hiện F0 “lai rai” là do có người cách ly sai.”
Bà con phải luôn suy nghĩ như này: “Nếu không “vét” thì sẽ lây thêm cỡ nào? Nếu không giãn cách thì lây thêm cỡ nào? Nếu giãn cách mà không “vét” thì giãn cách đến bao giờ?”. Như vậy chúng ta mới có thể dần kiểm soát được dịch bệnh một cách an toàn, chắc chắn.
Một khu vực được phong toả để phục vụ công tác phòng chống dịch. (Ảnh: HCDC)