Chuyện là, chị họ của tôi than phiền, chị ở nhà nội trợ, không đóng bảo hiểm xã hội nên sinh con chẳng được gì; ngoài việc chồng chị được hưởng 5 ngày nghỉ hưởng chế độ xã hội theo quy định, còn lại chẳng được hưởng khoản trợ cấp nào khi vợ sinh con.

Chị nói thêm, sao cuộc sống quá vô lý, nữ đóng bảo hiểm xã hội thì khi sinh con được hưởng chế độ thai sản đến 06 tháng, còn nam đóng thì chả được gì…

Hình minh họa (Ảnh trái: pixapay.com; Ảnh phải: TTXVN)

Như vậy là chị họ của tôi đã hiểu sai vấn đề, nên tôi phải tư vấn một cách kỹ lưỡng cho chị ấy, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định: “Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”. Như vậy, nếu chồng chị có tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ theo quy định của pháp luật thì khi chị sinh con sẽ được hưởng 02 lần mức lương cơ sở (hiện nay, mức lương cơ sở theo Điều 3 của Nghị định số 38/2019/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1,49 triệu đồng tháng), tức là nhận được 2,98 triệu đồng.

Thứ hai, tham gia bảo hiểm xã hội mang tính chất có đóng thì có hưởng; an sinh xã hội – người này hỗ trợ người khác; nên việc người chồng có tham gia bảo hiểm xã hội thì được hưởng chế độ thai sản kiểu nam (nghỉ khi vợ sinh) và trợ cấp một lần khi vợ sinh con. Còn lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ thì được hưởng chế độ thai sản 06 tháng (06 tháng này nghỉ việc để chăm sóc con; cho con bú…); bởi vậy lao động nữ cũng cần phải tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng quyền lợi khi sinh con, sau này được hưởng lương hưu…

Theo Webtretho

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ