1. Xôi đỗ đen
Nguyên liệu
300g đỗ đen, 3 bát con nếp, 2 thìa nhỏ muối, 2 thìa canh đường, 2 thìa nhỏ dầu ăn, vừng, lạc rang vàng
Cách làm:
Đỗ đen rửa sạch, nhặt bỏ những hạt đậu hỏng. Ngâm đậu qua đêm
Nếp đãi sạch, ngâm đậu vào nước lạnh, để qua đêm, thêm vào thố đậu một thìa nhỏ muối.
Đổ đậu vào nồi, cho thêm nước lạnh, thêm một thìa nhỏ muối, đun sôi đến khi ăn thử thấy hạt đậu mềm. Tắt bếp, đổ đậu lên rổ cho ráo nước.
Trộn lẫn đậu và nếp, đổ vào chõ hấp xôi.
Tiếp theo thêm đường vào nồi xôi, xới đều, đậy kín nắp.
Đun tầm từ 10 đến 15 phút, rưới đều dầu ăn lên bề mặt xôi, dùng đũa xới đều (bạn có thể thêm nước cốt dừa tùy theo ý thích). Hấp đến khi xôi chín, hạt đầu mềm.
Vừng, lạc, giã nhỏ, trộn vào bát vừng muối và đường.
Múc xôi ra bát, bên trên rắc vừng và lạc
2. Xôi đỗ xanh
Nguyên liệu:
400gr gạo nếp
200gr đỗ xanh (nên chọn loại đỗ xanh mà lòng của nó màu xanh, không nên chọn loại có lòng màu trắng vì đó là đậu đã để lâu dễ gây sượng)
Một thìa cà phê muối tinh
Cách làm:
Gạo nếp và đỗ xanh ngâm trước khoảng hai giờ, sau đó vo sạch để ráo nước. Riêng đỗ xanh cần vo và đãi cho sạch vỏ.
Khi gạo và đỗ đã ráo nước thì cho vào nồi cơm điện, đồng thời cho thìa muối tinh trộn đều.
Đổ nước sao cho ngập phần gạo khoảng 0,5cm. Cắm điện, đợi khi sôi thì mở nắp, nhanh tay đảo đều rồi đóng kín. Khi nồi cơm điện chuyển sang nút ủ ấm thì đợi thêm khoảng 10 phút là xôi đã chín tới.
Mách nhỏ: Để món xôi ngon hơn nên ăn kèm với ruốc, lạp sườn hoặc thịt kho đã chuẩn bị từ trước. Cầu kì hơn nữa thì ăn cùng với thịt gà luộc.
3. Xôi đỗ đỏ
Nguyên liệu
500 gam gạo nếp ngon, 300 gam đậu đỏ, 200 gam dừa nạo khô, 50 gam mè trắng
Gia vị : muối, đường
Cách làm:
Tương tự cách nấu xôi đậu xanh còn vỏ, bạn nên ngâm đậu đỏ trong nước lạnh ít nhất 1-3 tiếng hay tốt nhất là qua đêm cho đậu đỏ thấm đủ nước, nhanh chín mềm khi nấu cũng như tiết kiệm năng lượng và thời gian hầm mềm đậu.
Ngâm trong nước lạnh chừng 1-2 tiếng rồi vo sạch nếp trộn chung với đậu đỏ đã ngâm mềm với chút muối ăn.
Khi nấu xôi đậu đỏ, bạn cũng dùng cách nấu xôi đậu xanh bằng chỏ để có món xôi dẻo mềm như ý. Nấu sôi già nồi nước chỏ hấp chừng 10 phút thì cho nếp trộn đậu đỏ vào rải đều trên xửng hấp rồi đậy nắp tiếp tục hấp cho xôi đậu đỏ chín mềm chừng 40 phút là được.
Trong khi chờ xôi đậu đỏ chín thì ngâm dừa khô nạo trong nước nóng chừng 10 phút thì vắt ráo nước cốt dừa rồi nêm vào chút đường, muối.
Khi xôi đậu đỏ chín mềm, hạt nếp nở to, đậu đỏ bở ra bột và còn thơm lừng mùi nếp quyện với nước dừa béo ngậy khiến ai cũng thích thú khi dùng điểm tâm sáng bằng món xôi đậu đỏ nóng sốt, dẻo ngon cùng muối mè rang vàng
4. Xôi ngô
Nguyên liệu:
200g gạo nếp, 200g hạt ngô nếp, 100g đậu xanh bỏ vỏ, 100g đậu phộng/lạc rang sẵn, 50g vôi tôi, 5g muối; 120g đường; 2 củ hành tím; dầu ăn
Cách làm:
Ngâm gạo nếp và đậu xanh trong nước ấm khoảng 30 phút. Trong thời gian đó, cho vôi tôi cùng 1 lít nước vào một tô lớn, khuấy đều lên rồi để yên cho vôi lắng xuống, hớt lấy một phần nước vôi trong phía trên.
Đặt một chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho hạt ngô nếp và một lượng nước vôi trong xâm xấp mặt ngô vào, mở lửa vừa, nấu trong khoảng 30 phút để hạt ngô tróc vỏ.
Đổ hạt ngô ra một chiếc rổ, vừa xả nước vừa chà nhẹ tay cho vỏ ngô tróc hết ra khỏi hạt. Lược bỏ vỏ, lấy thịt ngô.
Vo sạch gạo nếp rồi đem nấu chín cùng hạt ngô bằng nồi cơm điện.
Rửa sạch đậu xanh và đem hấp cách thủy trong 20 phút.
Sau khi hấp, mang đậu xanh đi nghiền nát.
Đặt một chiếc nồi nhỏ lên bếp, mở lửa vừa. Cho đậu xanh nghiền cùng 80g đường vào, đảo đều liên tục đến khi đường tan, đậu xanh hơi ướt thì tắt bếp.
Giã nhỏ đậu phộng/ lạc rang và trộn với 5g muối, 40g đường để làm muối mè.
Bóc vỏ, cắt nhỏ hành tím. Đặt một chiếc chảo nhỏ cùng một ít dầu ăn lên bếp, mở lửa lớn. Khi dầu nóng, thả hành tím vào phi nhanh. Khi hành chuyển sang màu vàng thì tắt bếp, vớt hành phi ra để ráo dầu.
Dọn xôi ngô ra chén/ dĩa, rắc đậu xanh, muối mè và hành phi lên dùng cùng.
Lưu ý: Trong quá trình sên đậu xanh, chỉ để lửa nhỏ, tránh làm đậu xanh bị cháy khét.
Khi nấu xôi, chú ý canh lượng nước ít hơn khi nấu cơm vì ngô hút nước nhiều, dễ bị nhão.
5. Xôi lá nếp
Nguyên liệu:
Cho phần nấu xôi: 4 bát gạo nếp, lượng nước vừa đủ để nấu xôi, 20 lá dứa tươi, 1/2 muỗng cà phê muối
Phần rắc lên xôi: Dừa nạo sợi, vừng, 60g đường, 5g muối
Cách làm:
Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ cho vào máy xay, xay mịn. Lọc lấy phần nước cốt của lá dứa.
Gạo đãi sạch cho đến khi trong nước. Để ráo, Đổ gạo, lá dứa và nước vào trong nồi cơm điện. Đảo đều. Rồi bật nồi cơm ở chế độ “Cook”. Nấu cho đến khi công tắc nồi bật sang nút giữ ấm. Mở nồi, đảo đều xôi rồi đậy vung, bật nút “Cook” nấu thêm 10-15 phút nữa để xôi được chín đều.
Hạt vừng rang chín. Cho vừng vào túi, đập dập vừng một chút cho vừng thêm thơm.
Trộn đường vào với hạt vừng, muối, để sang một bên.
Cho xôi lá dứa ra đĩa, cho dừa nào lên trên, rắc hỗn hợp vừng lên rồi thưởng thức!
6. Xôi gấc
Nguyên liệu:
Gạo nếp, 1 quả gấc, một ít dừa nạo, nước cốt dừa, đường trắng
Cách làm:
Ngâm gạo nếp với nước pha ít muối để qua đêm (từ 6-8 tiếng).
Bổ đôi quả gấc, vét hạt gấc ra bát, cho một thìa rượu trắng với ít muối rồi trộn đều.
Gạo đổ ra rổ để ráo, cho phần thịt gấc vào cùng, dùng tay bóp hạt gấc và trộn để phần thịt gấc được trộn đều với gạo nếp.
Cho nước sôi vào nồi cơm điện, ấn nút “Cook”, cho gạo trộn gấc vào giá hấp của nồi cơm, chọc vài lỗ để hơi nước lên trên dễ dàng hơn. Trong quá trình nấu bạn đảo xôi vài lần để xôi được chín đều.
Sau hai lần ấn nút “cook” là xôi chín lúc này bạn cho nước cốt dừa và đường vào xôi và đánh đều. Lượng đường tùy theo sở thích ăn ngọt của gia đình bạn. Đậy nắp nồi và để thêm 10 phút nữa cho đường và nước cốt dừa thấm đều vào hạt xôi là được.
Cho xôi gấc ra đĩa, rắc dừa tươi bào sợi lên ngay lúc xôi còn nóng để ăn cùng.
Từng hạt xôi gấc đỏ thắm, xem lẫn mùi thơm, béo ngậy của nước cốt dừa và dừa tươi, những miếng xôi gấc dừa ngon ngọt, đẹp mắt sẽ làm một món mà bạn nên thử nấu cho gia đình mình thưởng thức.
7. Xôi vò gấc
Nguyên liệu:
Gạo nếp cái hoa vàng: 300gr, đậu xanh đã cà vỏ: 100gr
Gấc: 200gr ruột gấc cả hạt (nếu thích xôi có màu đỏ đậm hơn nữa thì tăng thêm lượng gấc)
Rượu trắng: 1 thìa ăn phở
Đường: 1 thìa ăn phở (nếu thích ăn ngọt có thể cho thêm)
Muối: 1 thìa cà phê vơi
Mỡ gà (dầu ăn): 1 thìa nhỏ
Cách làm:
Đậu xanh ngâm nước khoảng 5 tiếng cho đậu nở căng, đem đãi sạch, nhặt bỏ hạt đậu bị đen.
Gạo nếp cũng đem ngâm nước khoảng 5-6 tiếng cho nở. Đãi sạch, để cho gạo thật ráo nước rồi xóc gạo với muối.
Gấc bổ đôi, dùng thìa xúc lấy phần thịt gấc cho vào bát. Thêm 1 chút rượu trắng rồi dùng tay bóp nhuyễn.
Trộn đều gạo nếp với thịt gấc, nặn bỏ hạt gấc. Thêm chút đường vào gạo rồi xóc đều cho đường, gấc và gạo trộn đều vào nhau.
Cho đậu xanh vào nồi hấp, hấp cho đậu chín mềm.
Chút đậu đã chín mềm vào cối giã nhuyễn. Sau đó nắm đậu thành những nắm tròn nhỏ, dùng dao thái đậu thành những lát thật mỏng. Làm lặp đi lặp lại động tác nắm đậu rồi thái khoảng 2-3 lần, khi thấy đậu thật nhuyễn và tơi là được.
Trong lúc giã đậu xanh thì cho gạo nếp vào nồi, hấp chín. Khi gạo chín thành xôi, lấy 1/2 chỗ đậu xanh đã thái nhuyễn trộn đều với xôi. Sau đó hấp xôi thêm khoảng 10 phút nữa.
Chút xôi ra mâm, tải mỏng đều để xôi nhanh nguội. Trộn đều xôi với chút mỡ gà và ½ chỗ đậu xanh còn lại. Dùng tay vừa trộn vừa xoa nhẹ để đậu xanh bám đều vào xôi và tơi ra thành từng hạt.
8. Xôi lá cẩm
Nguyên liệu:
200g dừa nạo, 20g lá cẩm (tùy thích màu đậm hay nhạt, có thể tăng hay giảm lượng lá cẩm)
400g gạo nếp, ít mè trắng rang vàng, đường trắng, nước cốt dừa (không bắt buộc)
Cách làm:
Đun 80-100g đường (tùy thích ngọt nhiều hay ít) với 75g nước, vài cọng lá dứa. Đun tan đường thì cho dừa vào, sên cho nước cạn, dừa chuyển trong là được.
Gạo nếp vo sạch, để ráo.
Đun 450ml nước với lá cẩm, đun sôi, đậy nắp.
Lược qua rây, tán lá cho ra được nhiều màu, lấy màu lá cẩm. Đong lại còn 400ml nước lá cẩm.
Cho nếp và nước lá cẩm nóng vào nồi cơm điện (tỷ lệ 1 nếp, 1 nước) ấn nút nấu, nấu cho xôi chín.
Giai đoạn này muốn xôi béo thì khi nấu xôi, bớt lại ít nước, xôi nấu chín sẽ khô, khi xôi chín thì cho thêm nước cốt dừa, đảo đều, ấn nút lại lần nữa.
Xới xôi ra đĩa, cho dừa sên lên trên, rắc ít đường và mè rang vàng.
9. Xôi cốm
Nguyên liệu:
450g cốm, 100g đậu xanh, 60g đường cát, dừa nạo sợi, 3 thìa súp dầu ăn
Cách làm:
Ngâm đậu xanh với nước ấm trước ít nhất 6h để đậu xanh nở.
Cho đậu xanh vào nồi đế dày, thêm nước ngang với mức đậu, đặt lên bếp đun sôi.
Chắt hết nước, vặn nhỏ lửa nấu đậu xanh tiếp, cho đến khi đậu xanh bở là được. Cách làm này sẽ tiết kiệm thời gian hơn là đồ mà vẫn đảm bảo đậu chín, bở và tơi.
Đậu xanh sau khi nguội, dùng chày nghiền mịn.
Trộn cốm với dầu ăn. Đặt nồi hấp lên bếp, đổ cốm vào, lưu ý là cho ít nước trong nồi và để lửa nhỏ để tránh nước sôi trào lên cốm. Đồ kỹ cho đến khi thấy hạt cốm dẻo là được.
Lấy cốm ra tô, thêm đường và dừa nạo vào trộn đều. Thêm đậu xanh đã nghiền vào, trộn đều lên. Đợi xôi nguội là có thể thưởng thức.
10. Xôi lạc
Nguyên liệu:
Gạo nếp: 300g, lạc: 150g, dừa nạo: 100g, muối: 2 thìa
Cách làm:
Lá nếp rửa sạch, cắt khúc, xay nhuyễn lọc lấy nước cốt. Gạo nếp vo sạch, ngâm nước lá nếp qua đêm. Lạc đem luộc chín.
Gạo nếp sau khi ngâm đổ ra rá xóc với 2 thìa muối, rồi cho lạc vào xóc đều, trải lên trên lớp dừa nạo. Sau đó đem hấp cách thủy, khoảng 40-45 phút. Xôi lạc chín xới đều lên là được.
Cho xôi lạc ra bát nếu thích bạn có thể ăn cùng với ít muối vừng cũng rất ngon nhé.
11. Xôi xéo
Nguyên liệu:
300gr gạo nếp, 100gr đậu xanh cà vỏ, 2 thìa cà phê bột nghệ
Gia vị: dầu ăn, muối, hành khô
Cách làm:
Gạo nếp vo sạch, ngâm với nước cùng 2 thìa cà phê bột nghệ, 1 thìa cà phê muối để 8 tiếng qua đêm. Sáng hôm sau bạn vo lại gạo cho sạch, vớt ra rổ cho ráo nước.
Cho gạo vào xửng hấp 20 phút. Thỉnh thoảng dùng đũa xơ lên để gạo chín đều. Miết tay thấy hạt gạo không còn nhân là được.
Đậu xanh ngâm trước 4 tiếng, vo sạch để ráo nước trộn cùng với 1/2 thìa cà phê muối. Cho đậu xanh vào xửng hấp, dùng đũa tạo vài lỗ trên mặt xửng để đậu được chín đều. Hấp đậu khoảng 15-20 phút, các bạn kiểm tra bằng cách dùng tay miết thấy đậu mịn là được.
Đậu chín cho máy xay hoặc cối giã mịn. Nắm chặt đậu thành những nắm tròn. Chúng ta nên nắm đậu khi đậu còn ấm thì viên đậu sẽ kết dính tốt, khi thái mỏng đậu không bị tơi ra.
Hành khô bóc vỏ, thái thành những miếng mỏng. Nên thái hành trước khi phi khoảng vài tiếng để hành khô lại thì khi phi hành sẽ giòn rụm. Lưu ý: Khi phi dầu phải ngập mặt hành nên các bạn chọn chiếc nồi nhỏ hoặc chảo lòng sâu để tiết kiệm dầu. Cho hành vào khi dầu nóng già, vặn lửa liu riu. Khi hành vừa chuyển sang màu vàng thì tắt bếp, không nên đun lâu vì chút nữa hành sẽ chuyển sang màu đậm hơn.
Vớt hành ra giấy thấm dầu hoặc cho ra rổ thưa mắt để dầu ráo. Xôi chín cho ra dĩa, dùng dao thái mỏng đậu xanh lên mặt xôi. Sau đó rắc hành phi và rưới một ít dầu dùng để phi hành lên trên để xôi xéo thơm ngon, đậm đà.
12. Xôi trắng lạp xưởng
Nguyên liệu:
400g gạo nếp, chút muối
2 cây lạp xưởng, 16 tai nấm hương khô, non nửa bát tôm khô, 2 củ hành tím
Xì dầu, hành phi
Cách làm:
Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước khoảng 20 – 30 phút cho mềm. Sau đó cho vào nồi cơm điện cùng với chút muối và nước sao cho cao hơn mặt gạo một chút (khoảng 1/4 đốt ngón tay) rồi bật nút nấu.
Lạp xưởng thái nhỏ, nấm hương ngâm mềm rửa sạch rồi cắt nhỏ, tôm khô ngâm nước khoảng 10 phút cho hơi mềm rồi để ráo, hành củ bóc vỏ thái mỏng.
Cho vào chảo chút dầu rồi đun nóng, cho hành củ vào phi thơm rồi cho tiếp nấm hương, lạp xưởng vào xào, nêm vào nhân chút xì dầu.
Cho tiếp tôm khô vào, thêm chút nước lã để xào nhân cho chín, ráo nhưng không bị khô quá. Khi nhân đã chín đều thì tắt bếp, rắc vào nhân ít hạt tiêu rồi trộn đều.
Xới xôi trắng ra đĩa, rải nhân lên trên. Có thể dùng kèm với hành phi và xì dầu.
13. Xôi vò
Nguyên liệu:
500 gr gạo nếp ngon, 250gr đậu xanh cà vỏ, 1 muỗng cà phê muối, 2 thìa đường, 2 thìa dầu ăn.
Cách làm:
Gạo vo sạch, ngâm khoảng 8 tiếng qua đêm. Rửa lại gạo cho sạch, để thật ráo nước sau đó cho 1/2 thìa cà phê muối trộn đều. Lưu ý là gạo phải để thật ráo nếu không nấu xôi hạt gạo sẽ không được tơi, dính liền với nhau. Nếu cẩn thận hơn, các bạn có thể lấy khăn bông thấm đều hạt gạo.
Đỗ xanh ngâm trước 4 tiếng, rửa sạch, để ráo nước, trộn cùng 1/2 thìa cà phê muối. Cho đỗ vào xửng hấp chín. Dùng đũa tạo lỗ trên mặt xửng để đỗ được chín đều.
Hấp đỗ khoảng 15- 20 phút là đỗ chín. Các bạn dùng tay miết hạt đỗ thấy mịn là được.
Cho đỗ vào máy xay, xay nhuyễn. Cho 1/2 đậu xanh xay nhuyễn trộn cùng gạo nếp.
Cho 2 thìa dầu ăn trộn cùng để hạt gạo bóng bẩy, béo ngậy, khi nấu không bị dính vào nhau.
Đeo bao tay vò nhẹ để hạt gạo được bao bọc quanh 1 lớp đậu xanh. Đây chính là điều làm nên cái tên của món xôi này.
Cho gạo vào xửng hấp chín, tạo lỗ trên mặt xửng để gạo chín đều.
Hấp khoảng 20 phút là gạo chín, dùng tay miết hạt gạo thấy không còn nhân là được. Lưu ý trong quá trình hấp cứ khoảng 5-10 phút thì các bạn dùng khăn bông lau hết phần nước ở nắp vung để nước không chảy xuống giúp hạt gạo được khô ráo.
Cho xôi ra mâm, trút hết 1/2 đậu xanh còn lại đảo đều.
Cho xôi tiếp vào xửng hấp thêm khoảng 5 phút là được. Xôi chín, các bạn cho ra mâm, đợi xôi nguội cho thêm 2 thìa đường vào trộn đều để xôi có vị ngọt nhẹ.
Thế là chúng ta đã có món xôi vò béo ngậy, thơm ngon. Mỗi hạt xôi được bao quanh một lớp đậu xanh bùi bùi. Từng hạt tơi mịn tách rời nhau ra nhưng vẫn dẻo thơm, mềm mại. Các bạn có thể ăn xôi vò cùng vị thanh nhẹ của chè hoa cau.
14. Xôi hạt sen
Nguyên liệu:
500gr gạo nếp ngon, 150gr hạt sen khô, 2 thìa nhỏ muối
Cách làm:
Vo gạo nếp và nhặt vỏ hạt nép nếu có, sau đó cho gạo vào một âu phù hợp và ngâm với nước trong thời gian từ 1-2 tiếng.
Cùng lúc đó, rửa hạt sen khô nhiều lần cho sạch rồi chuẩn bị một âu riêng có nước rồi ngâm hạt sen thời gian khoảng 1 tiếng.
Thời gian sau 1 tiếng, cho hạt sen vào nồi (hoặc nồi áp suất) hầm cho hạt sen được chín mềm.
Khi hạt sen chín đồng thời cũng là lúc ngâm gạo đủ thời gian. Vớt gạo ra, để cho ráo nước. Tiếp theo cho hạt sen đã chín mềm vào trộn cùng gạo và nêm thêm chút muối trắng cho xôi có vị đậm đà. Tiếp tục, cho gạo vào hạt sen đã trộn lẫn cùng nhau vào xửng hấp.
Hấp với nhiệt lửa to và hấp trong thời gian từ 30-35 phút là xôi chín dẻo, hạt sen bở và nở ra hoà quyện cùng hạt xôi vô cùng thơm ngon.
15. Xôi cá rô hấp lá sen
Nguyên liệu:
500g cá rô, 400g nếp, 30g cà rốt, 10g nấm hương, 10g mộc nhĩ
Hành tím phi, muối, tiêu, hạt nêm, lá sen
Cách làm:
Ngâm nếp qua đêm, sau khi ngâm, vo sạch, để ráo nước. Trộn nếp với chút mỡ gà, muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, nước cốt dừa, đem hấp trong 10 phút.
Cá rô làm sạch vẩy, gỡ lấy thịt, thái miếng vừa ăn. Cà rốt, nấm hương, nấm rơm, mộc nhĩ thái nhỏ. Cho dầu ăn vào chảo, xào chung cá với các nguyên liệu. Sau đó trộn chung với xôi.
Hấp xôi thêm 5 phút cho thấm gia vị. Sau đó, cho xôi vào lá sen hấp thêm khoảng 10 phút. Xôi chín, rắc hành phi lên trên.
16. Xôi dừa
Nguyên liệu
300g gạo nếp, 1/2 quả dừa bánh tẻ, 150g đường hoa mai, 1 ít vừng rang
Cách làm:
Gạo nếp vo sạch, đem ngâm vào nước lạnh qua đêm hoặc nếu muốn nhanh bạn đem ngâm gạo vào nước hơi ấm chừng 3 giờ. Gạo sau khi nở đều, xả qua vòi nước mạnh rồi để ráo.
Trong lúc đó, nạo cùi dừa thành sợi nhỏ.
Đặt nồi hấp lên bếp, đổ 1 ít nước vào đáy nồi. Bật bếp đun sôi nước. Trộn gạo với dừa, đảo đều.
Khi nước trong nồi hấp bắt đầu bốc hơi, bạn đổ gạo vào, dàn đều bề mặt, rồi giảm bớt lửa.
Đồ xôi dừa chừng 15 phút thì lấy đũa đảo đều xôi lên. Sau đó rưới 2 thìa cà phê dầu ăn lên bề mặt xôi, trộn đều. Việc rưới dầu ăn 1 phần giúp xôi không bị khô phần nữa giúp hạt xôi được bóng hơn. Đồ tiếp chừng 10 phút nữa là xôi chín. Bạn có thể kiểm tra bằng cách nhìn hạt xôi đã nở đều, đảo đũa thấy dẻo. Và mùi thơm của dừa và gạo quện vào nhau ngào ngạt.
Dỡ xôi ra một tô lớn, thêm đường vào, trộn đều lên. Công đoạn này phải thực hiện ngay khi lấy xôi ra bởi khi đó xôi còn nóng, đường mới tan hết được.
Tiếp theo cho vừng rang vào trộn đều lên, đổ xôi vào một bát ăn cơm, nén chặt xuống. Sau đó úp ngược bát con lên trên một đĩa tròn có đường kính bằng hoặc to hơn 1 chút xíu so với bát nén xôi. Xôi có thể ăn nóng hoặc nguội đều ngon.
17. Xôi sắn
Nguyên liệu:
1 củ sắn (khoảng 500 gr), gạo nếp, thịt mỡ, hành lá; Hành khô, lạp xưởng (ăn kèm nếu thích)
Cách làm:
Sắn bóc vỏ, rửa sạch, cắt dọc để bỏ phần sơ, rồi cắt thành những miếng nhỏ bằng đốt ngón tay cái để khi nấu sắn nhanh mềm.
Ngâm sắn trong nước vo gạo có thả chút muối từ 4-6 tiếng để loại bỏ bớt nhựa độc của sắn.
Ngâm gạo nếp với nước sạch từ 4-6 tiếng đề gạo đồ được ngon.
Thịt mỡ bỏ bì thái nhỏ. Lạp xưởng thái nhỏ bằng đốt ngón tay. Hành khô bóc vỏ thái lát. Hành xanh thái nhỏ để sẵn.
Sau thời gian ngâm gạo nếp và sắn. Bạn xả lại bằng nước sạch để ráo. Sau đó trộn gạo nếp với sắn thêm một thìa con muối vào xóc đều.
Cho thịt mỡ vào chảo, rán cho đến khi thành tóp mỡ thì vớt phần tóp ra, phần mỡ chảy dùng để phi hành khô.
Đảo chín lạp xưởng trên chảo mỡ rồi để riêng.
Phần mỡ còn lại đang sôi bạn cho hành lá thái nhỏ và 1 thìa nước mắm ngon, rồi trút phần tóp mỡ đảo nhanh và tắt bếp luôn.
Xôi sắn được nấu chín khi gạo và sắn chín mềm. Trong quá trình đồ xôi nếu muốn ngon hơn bạn chuẩn bị thêm 1 thìa canh nước cốt dừa rưới lên bề mặt xôi và trộn đều để xôi thêm vị cốt dừa thơm ngon.
Giờ món xôi và các nguyên liệu đã xong để lên bát. Bạn đơm xôi ra bát, rưới mỡ hành lên bề mặt xôi, cho lạp xưởng và hành phi lên trên là bạn đã có một bát xôi sắn thơm ngon, hấp dẫn.
18. Xôi nếp cẩm
Nguyên liệu:
200g nếp cẩm, 100g đậu xanh bóc vỏ, 400ml nước dừa, 100ml nước cốt dừa, 60g đường, 4g muối, 5g bột năng, một ít dừa bào
Cách làm:
Đem ngâm nếp cẩm và đậu xanh trong nước ấm khoảng 1 tiếng.
Vo sạch nếp cẩm, cho vào nồi cơm điện cùng 400ml nước dừa và 2g muối rồi đem nấu.
Lược bỏ nước bẩn, đem đậu xanh hấp cách thủy trong 30 phút.
Khi đậu xanh chín mềm, bắt xuống, nghiền nát. Đặt một chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho đậu xanh nghiền cùng 20g đường vào, mở lửa nhỏ. Sên, đảo đều khoảng 2 phút rồi tắt bếp.
Đặt một chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho 100ml nước cốt dừa, 100ml nước sạch, 2g muối, 40g đường, 5g bột năng vào, mở lửa nhỏ. Khuấy đều đến khi hỗn hợp sánh lại thì tắt bếp.
Lấy xôi nếp cẩm ra bát, ăn kèm cùng đậu xanh nghiền và nước cốt dừa.
Lưu ý: Khi sên đậu xanh, tránh để lửa to sẽ làm đậu bị cháy.
19. Xôi pate
Nguyên liệu:
2 bát ăn cơm gạo nếp
Patê bạn có thể mua sẵn hay tự làm, muối, hành phi vàng
Cách làm:
Nếp đãi sạch, ngâm nếp vào nước lạnh, khi ngâm bạn nhớ hòa vào nếp ít muối, ngâm qua đêm.
Hôm sau đổ nếp ra rổ cho ráo nước, rồi cho nếp vào chõ hấp xôi, hấp chín .
Khi ăn bạn múc xôi ra bát, phía bên trên múc ít patê, rồi múc ít hành phi rưới lên bề mặt. Đơn giản nhưng đã có bát xôi ngon lành.
20. Xôi gà
Nguyên liệu:
300gr gạo nếp, 2 đùi gà, 50gr lạc, hành lá
Gia vị: dầu ăn, muối, đường, nước tương, tiêu, tỏi, hành khô băm nhỏ
Cách làm:
Lạc cho vào nồi luộc chín, vớt ra xả với nước lạnh.
Gạo nếp vo sạch cho vào nồi cơm điện.
Cho lạc và 1 thìa cà phê muối vào đảo đều. Đổ nước xâm xấp mặt gạo mang đi nấu chín. Khi nồi chuyển sang nút hâm dùng muôi xơ lên để gạo chín đều.
Đùi gà rửa sạch, để ráo nước, dùng nĩa xâm mặt cho ngấm gia vị. Cho 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 1 muỗng nước tương, 1 muỗng tỏi băm nhỏ và 1 muỗng hành băm nhỏ vào gà trộn đều. Để 30 phút cho ngấm.
Cho dầu vào chảo nóng già, cho đùi gà vào chiên, vặn lửa nhỏ liu riu để thịt gà chín đều. Gà nguội xé thành những sợi nhỏ.
Cho 1/2 thìa cà phê muối, 1/2 cà phê đường vào hành lá xắt nhỏ.
Rưới dầu nóng già (có thể tận dụng luôn dầu vừa mới chiên gà) lên trộn đều để làm mỡ hành chút nữa sẽ rưới lên xôi.
Cho xôi ra dĩa, gắp thịt gà lên mặt xôi, rưới mỡ hành lên trên rồi thưởng thức.
21. Xôi chim bồ câu
Nguyên liệu:
Gạo nếp cái hoa vàng: 500g, chim bồ câu: 1 con, hành khô: 50g, gia vị vừa đủ
Cách làm:
Gạo nếp ngâm nở qua đêm, sau đó vo sạch để ráo nước, trộn cùng một chút muối trắng rồi cho vào chõ hấp.
Chim bồ câu chặt thành từng miếng rồi đem băm nhỏ cả xương (nếu là chim non). Sau đó ướp gia vị cho ngấm.
Hành phi cho vàng, cho 2/3 hành phi thơm ra bát để ráo dầu.
Gạn bớt dầu trong chảo, sau đó cho thịt chim đã băm nhỏ vào xào chín.
Khi thấy xôi đã chín, dùng muôi đánh đều cho xôi tơi.
Sau đó cho thịt chim đã xào ở trên vào và hấp thêm 5 phút là chúng ta đã hoàn thành xong món xôi chim bồ câu cho cả nhà rồi.
Rắc ít hành phi thơm lên trên và mời mọi người thưởng thức.
22. Xôi sầu riêng
Nguyên liệu:
300gr gạo nếp hạt tròn, 300gr gạo nếp hạt dài, 200gr thịt sầu riêng, 60gr đường, bột dừa 60gr, 1 xíu muối
Cách làm:
Gạo nếp vo cho sạch, sau đó cho nước vào ngâm gạo qua đêm hoặc ngâm từ 6-8 tiếng rồi đổ gạo ra rá cho ráo nước. Nếu bạn thích xôi có màu vàng nhạt của sầu riêng thì trước khi đổ ra rá, cho 1 giọt màu vàng thực phẩm vào khuấy đều và ngâm gạo 10 phút rồi đổ ra rá cho ráo nước.
Gạo nếp sau khi đã ráo nước thì cho vào 1 cái tô với 1 xíu muối và dừa bột vào trộn đều lên.
Bắc xửng hấp, đun cho sôi nước, cho gạo nếp vào xửng và khoét 1 cái lỗ ở giữa cho hơi nước thoát lên, xôi sẽ nhanh chín hơn, thời gian hấp khoảng 20-30 phút.
Thịt sầu riêng cho vào 1 cái bát cùng với đường, dùng thìa trộn lên cho tan đường và sầu riêng nát ra.
Xôi sau khi hấp chín thì cho sầu riêng vào dùng đũa xới đều lên cho sầu riêng hòa quyện vào xôi và hấp thêm 5-10 phút nữa là được.
Xôi sầu riêng mềm, tơi không bị nhão, vị ngọt vừa phải thơm mùi sầu riêng và vị béo của dừa bột tạo nên 1 món ăn vừa ngon vừa lạ, ăn là nghiện.
23. Xôi khúc
Nguyên liệu:
Rau khúc: 0,5kg thành phẩm, đậu xanh: 100g, gạo nếp: 200gr
Bột nếp: 150gr, bột tẻ: 100gr, bột năng: 1 thìa cà phê
Thịt sấn vai xay: 200gr
Hành khô, hạt tiêu
Cách làm:
Gạo nếp ngâm qua đêm, vo sạch, để ráo rồi xóc với chút muối.
Đậu xanh ngâm nở, đem đồ chín rồi tán hoặc dùng chày giã thật mịn.
Phi thơm hành khô rồi cho thịt vào xào chín, nêm chút gia vị cho vừa miệng, bắc ra rắc thêm hạt tiêu.
Trộn đều bột tẻ và bột nếp cùng rau khúc, hạt nêm để làm vỏ xôi. Vừa nhào vừa chế thêm từng chút nước một đến khi thu được hỗn hợp bột ráo tay.
Chia đậu xanh và vỏ xôi thành những viên vừa phải, dàn mỏng đậu xanh rồi xúc thịt vào giữa, gói lại, vê kín. Tiếp đến là dàn mỏng lớp bột vỏ, đặt viên nhân và gói lại.
Sau khi làm hết lượt, ta lăn nhẹ những viên xôi qua 1 lớp mỏng gạo nếp rồi xếp nhẹ nhàng những nắm xôi vào chõ như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại rắc một lượt gạo nếp đã ngâm kỹ làm áo (lượng gạo nếp nhiều hay ít tùy vào sở thích của các bạn).
Sau đó, đậy vung thật chặt, đun lửa thật đều cho nước sôi, kể từ khi nước sôi cho đến lúc xôi chín khoảng 45 phút.
24. Xôi bọc thịt hấp
Nguyên liệu:
300g thịt ba chỉ, 100g cải thảo, 75g củ mã thầy (tùy ý), 100g gạo nếp, đãi sạch
Gia vị: 25g gừng; 100g trứng; 5ml nước tương; 2g muối; 5ml rượu
Cách làm:
Cải thảo chần qua nước sôi, xắt nhỏ. Củ mã thầy gọt vỏ, xắt nhỏ. Thịt lợn băm nhỏ.
Cho thịt vào bát, thêm củ mã thầy, cải thảo, gừng, muối, rượu nấu ăn, đảo đều. Sau đó thêm trứng. Rồi viên hỗn hợp thịt thành các phần tròn nhỏ.
Lăn từng viên thịt qua bát gạo nếp cho gạo bám đều vào thịt. Sau đó, cho các viên gạo bọc thịt vào vỉ, đặt vào nồi nước đang sôi, hấp cho đến khi hạt xôi chín.
Cho xôi bọc thịt viên hấp ra đĩa và thưởng thức!
25. Xôi xoài
Nguyên liệu:
1 chén gạo nếp khoảng 200gr, 150ml nước cốt dừa
3 lá dứa xay với 500ml nước. Vắt lấy nước bỏ bã.
1 chút muối, 70gr đường, 1 trái xoài, mè trắng rang vàng, dừa non bào
Nấu riêng nước cốt dừa: 150ml nước cốt dừa, 1 chút xíu muối, 20gr đường, 1 muỗng cà phê nhỏ bột bắp (hoặc bột năng)
Cách làm:
Nếp vo sạch, ngâm với nước lá dứa vài tiếng. Sau đó xả qua nước lạnh.
Trộn nếp với chút xíu muối rồi hấp 20 phút cho xôi chín.
Xoài chín gọt vỏ, cắt miếng nhỏ trang trí xung quanh xôi.
Nước cốt dừa, đường, chút xíu muối, lá dứa (nếu có) cho vào nồi nấu sôi với lửa nhỏ.
Khi nước cốt dừa sôi, cho xôi vào nhẹ nhàng khuấy đều và nấu tiếp cho nước cạn, hạt sôi trong veo là tắt bếp.
Xôi cho vào chén, rồi úp ra dĩa. Xoài thái miếng xếp xung quanh, rắc thêm mè và dừa non là bạn đã hoàn thành dĩa xôi xoài bắt mắt và ngon miệng cho cả nhà rồi đấy.
26. Xôi lá dứa khoai mì
Nguyên liệu:
250gr nếp, 1 củ khoai mì (ở miền Bắc gọi là củ sắn), 1 muỗng cà phê muối
4 lá nếp (lá dứa), mỡ hành
Cách làm:
Cho lá dứa và 500ml nước ấm vào máy sinh tố, xay nhuyễn, chắt lấy nước xanh, bỏ bã. Giữ lại 30ml nước lá dứa. Phần còn lại dùng ngâm nếp.
Nếp vo sạch, ngâm gạo nếp trong nước lá dứa ít nhất 4 tiếng hay qua đêm. Sau đó đổ gạo nếp ra rổ.
Khoai mì rửa sạch, bỏ lõi cắt miếng vừa ăn.
Trộn gạo nếp, khoai mì, muối chung vào nhau rồi cho vào xửng. Nồi nước đang sôi cho xửng gạo nếp vào hấp 10 phút.
Qua 10 phút, cho 30ml nước cốt lá dứa vào, dùng đũa trộn đều hấp tiếp 20 phút nữa là gạo nếp và khoai chín.
Trình bày: Xôi lá dứa khoai mì cho ra dĩa. Trang trí mỡ hành và dừa non bào sợi. Các bạn cũng có thể ăn với muối mè hay nước tương cũng ngon.
27. Xôi hạt dẻ
Nguyên liệu:
500g gạo nếp, 500g hạt dẻ Trùng Khánh, 2 thìa súp nước cốt dừa, 3 thìa súp dầu ăn, 1 chút muối
Cách làm:
Gạo nếp ngâm nước từ đêm hôm trước hoặc ít nhất là 6h đồng hồ. Sau đó, đổ gạo ra rá cho ráo nước, xóc thêm chút muối để xôi được đậm đà.
Cho hạt dẻ vào nồi luộc sơ, khi nước vừa sôi thì tắt bếp, sau đó đổ nước nóng đi và ngâm hạt dẻ trong nước lạnh để vỏ mềm dễ bóc. Bóc hạt dẻ, thái miếng nhỏ vừa ăn.
Trộn gạo với hạt dẻ cho đều. Trong lúc đó bắc nồi hấp lên bếp, đun sôi nước.
Đổ gạo vào đậy kín nồi hấp khoảng 15 phút khi hạt gạo bắt đầu nở thì trộn thêm 2 thìa súp dầu ăn vào, lấy đũa đảo đều.
Đậy vung vào đồ thêm 15 phút nữa thì lại trộn 2 thìa nước cốt dừa và 1 thìa dầu ăn còn lại vào.
Đồ khoảng 10 phút nữa hoặc khi thấy hạt xôi dẻo, căng bóng là xôi đã chín.
Lấy xôi ra bát, thêm lạp xưởng đã chiên lên trên, ăn nóng.
28. Xôi vị
Nguyên liệu:
600gr gạo nếp, 600ml nước, 1/4 thìa cafe muối, 170gr đỗ xanh không vỏ
60gr đường cho phần nhân, 180gr đường cho phần xôi, 1 lon nước cốt dừa
4 cái hoa hồi, 1-2 giọt màu xanh thực phẩm (bạn có thể dùng nước cốt lá dứa thay thế), 2 thìa vừng trắng
Cách làm:
Gạo nếp vo sạch cho vào nồi cơm điện với 600ml nước, muối nấu chín.
Đỗ xanh vo sạch cho vào nồi và thêm nước nấu chín như nấu cơm. Đỗ chín cho vào cối hoặc máy xay giã nhuyễn với 60gr đường sau đó cho đỗ vào chảo và 1/4 lon nước cốt dừa, đảo đều, bật bếp xào nhân đỗ cho đến khi dẻo quyện lại thì tắt bếp. Bọc lại cho nhân không bị khô và để nguội.
180gr đường, 3/4 lon nước cốt dừa còn lại, hoa hồi, màu xanh thực phẩm cho vào chảo đun sôi thì cho cơm nếp đã nấu chín vào xào, đảo đều đến khi xôi dẻo và đủ khô là được.
Chuẩn bị khuôn để ép xôi, bạn lót 1 lần màng bọc thực phẩm lên khuôn để khi lấy xôi ra được dễ dàng. Phần xôi chia làm 2 phần đều nhau, cho 1 lớp xôi lên dàn đều dùng thìa, miết đều tay cho thật chặt sau đó cho nhân đỗ xanh lên dàn đều. Cuối cùng là 1 lớp xôi còn lại cũng dàn đều và miết cho thật chặt (lưu ý là phải ép xôi chặt tay thì khi cắt xôi mới không bị vỡ nát). Xôi vị cho bữa sáng ngon tuyệt vời ai cũng mê.
29. Xôi mít
Nguyên liệu
300g gạo nếp (nên dùng gạo của Thái), 250ml nước cốt dừa, 80g đường, 3g muối, 500g mít
Cách làm:
Trước tiên, bạn cần ngâm gạo khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm rồi để thật ráo nước.
Đun sôi nước cốt dừa với đường và muối. Sau đó, hạ lửa và đun thêm khoảng 2′ nữa thì tắt bếp rồi để nguội.
Đồ gạo trong khoảng 15′.
Sau đó, lấy gạo ra và trộn đều với nước cốt dừa đã để nguội.
Chúng ta cần đảo nhẹ gạo trước quạt khoảng 15′ để hạt gạo nguội và hơi se lại. Sau đó, cho gạo vào đồ chín thành xôi.
Tách đôi múi mít rồi nhồi xôi vào giữa và rưới một ít nước cốt dừa lên trên. Với món ăn này, bạn ăn nóng hay ăn nguội đều ngon cả!
30. Xôi chiên
Nguyên liệu:
2 chén ăn cơm nếp, 250 g thịt nạc xay, 1/2 củ cà rốt, 1/2 củ sắn nhỏ, vài tai nấm mèo (mộc nhĩ)
Hành lá, muối, đường, hạt nêm, tiêu, hành khô, dầu ăn
Tương ớt, có thể thêm ruốc (chà bông) tùy theo sở thích
Cách làm:
Đãi nếp nhiều lần cho sạch, chuẩn bị một tô nước lạnh pha với ít muối để ngâm nếp qua đêm. Hôm sau đổ nếp ra rổ cho ráo nước, cho vào xửng hấp đến khi chín. Có thể rưới lên trên nếp một ít nước cốt dừa hoặc một muỗng nhỏ dầu ăn, xới đều và hấp chín để tăng hương vị.
Nêm nếm thịt xay với 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường và một nhúm nhỏ tiêu, trộn đều và ướp trong 30 phút. Cà rốt với củ sắn rửa sạch, bào vỏ, cắt hạt lựu. Ngâm nấm mèo trong nước nóng cho nở, bỏ chân và cắt nhỏ.
Bắc chảo lên bếp, phi hành tỏi cho thơm, xào chín thịt, cho tiếp nấm mèo, cà rốt, củ sắn vào xào chung, nêm nếm thêm 1 thìa hạt nêm (cho vừa ăn). Thịt chín thì tắt bếp, rắc thêm hành lá và tiêu lên trên.
Phần nhân làm xong bạn múc ra đĩa cho nguội bớt. Xôi hấp chín để nguội.
Lấy một cái chén nhỏ hoặc nắp lọ, đặt miếng màng bọc thực phẩm lên sau đó cho xôi vào rồi ấn xuống tạo hình trụ tròn. Khi làm, thoa lên tay một ít dầu ăn để không bị dính.
Làm xong, bạn cho xôi vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 15 phút cho xôi khô mặt, khi chiên sẽ dễ hơn.
Bắc chảo chống dính lên bếp cho nóng, rưới một ít dầu ăn và chiên xôi cho vàng đều cả hai mặt. Lót giấy thấm dầu lên đĩa, vớt xôi ra để cho ráo và thấm bớt dầu để khi ăn không bị ngấy.
Cắt đôi miếng xôi ra, múc hỗn hợp thịt đã xào khi nãy vào, rưới thêm một ít tương ớt, có thể thêm ruốc (chà bông) nếu thích.